Vẫn còn doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt để vi phạm về môi trường

UBND TP.HCM vừa có báo cáo kết quả thi hành Nghị định 45/2022 (NĐ45) của Chính phủ về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Theo đó, dù mức phạt ở NĐ45 được nâng cao so với trước nhưng với các doanh nghiệp lớn, mức phạt tối đa trong lĩnh vực môi trường vẫn thấp hơn lợi ích kinh tế mà họ thu được từ hành vi vi phạm, dẫn đến tình trạng "chấp nhận nộp phạt để vi phạm".

 Từ khi NĐ45 có hiệu lực vào ngày 31-10-2024, UBND TP và các đơn vị cấp dưới đã thực hiện xử phạt 6.038 vụ trong lĩnh vực môi trường. Ảnh: NC

Từ khi NĐ45 có hiệu lực vào ngày 31-10-2024, UBND TP và các đơn vị cấp dưới đã thực hiện xử phạt 6.038 vụ trong lĩnh vực môi trường. Ảnh: NC

Xử phạt trong lĩnh vực môi trường hơn 105,3 tỉ đồng

Từ khi NĐ45 có hiệu lực vào ngày 31-10-2024, UBND TP và các đơn vị cấp dưới thực hiện xử phạt 6.038 vụ với số tiền xử phạt là hơn 105,3 tỉ đồng.

Hành vi vi phạm phổ biến là về giấy phép môi trường; xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật; quản lý chất thải không đúng quy định; vứt, thải, bỏ rác trên vỉa hè, lòng đường; chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ hoặc đốt chất thải rắn thông thường; không thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định...

Nguyên nhân được xác định là do sự thay đổi các quy định về lĩnh vực bảo vệ môi trường nên các doanh nghiệp chưa nắm bắt để thực hiện đúng hạn, kịp thời mặc dù đã có triển khai và hướng dẫn các nội dung thực hiện theo quy định. Ngoài ra một số doanh nghiệp còn thiếu quan tâm công tác bảo vệ môi trường nên quá trình theo dõi hồ sơ thủ tục môi trường chưa được đảm bảo.

Bên cạnh đó, đặc thù trên địa bàn TP.HCM có số lượng doanh nghiệp nhiều, một bộ phận không chú trọng đến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường chưa cao, mang tính đối phó.

Hơn nữa hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp có rất nhiều ngành nghề gây ô nhiễm môi trường vẫn được cấp phép trong khu dân cư, gây ảnh hưởng đến người dân.

Theo đánh giá của UBND TP, với các quy định chi tiết về bảo vệ môi trường như quản lý khí thải, nước thải, rác thải và tiếng ồn, NĐ45 đã góp phần nâng cao chất lượng môi trường, hạn chế tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng và hệ sinh thái.

Việc quy định rõ ràng về trách nhiệm và thẩm quyền xử lý vi phạm của các cấp chính quyền đã tạo điều kiện để các địa phương thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện thực tế tại từng khu vực. Nghị định yêu cầu sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong xử lý vi phạm, từ đó tăng cường hiệu quả và đồng bộ trong công tác bảo vệ môi trường.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin tiếp nhận từ đường dây nóng, UBND TP.HCM đã chỉ đạo kịp thời kiểm tra đột xuất các vụ việc phản ánh, kiến nghị có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Kết quả kiểm tra đã phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực môi trường...

Thẩm quyền xử phạt còn hạn chế

Theo báo cáo của UBND TP, bên cạnh những điểm phù hợp thì NĐ45 còn một số điểm chưa phù hợp điểm chưa phù hợp cần xem xét.

Cụ thể, thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực môi trường của UBND cấp xã còn hạn chế trong khi UBND cấp xã là cơ quan gần dân nhất, có khả năng phát hiện vi phạm sớm nhưng mức phạt tối đa được giao còn thấp, chưa đủ để xử lý các vi phạm có mức độ nghiêm trọng hơn ở địa phương. Điều này có thể khiến các cơ quan cấp trên bị quá tải khi xử lý các vi phạm mà lẽ ra cấp xã có thể giải quyết.

Bên cạnh đó, NĐ45 còn chưa bao quát hết tình huống thực tiễn, những hành vi vi phạm liên quan đến rác thải điện tử, xử lý chất thải nguy hại từ công nghiệp công nghệ cao hoặc các hành vi gây ô nhiễm xuyên biên giới chưa được quy định rõ trong thẩm quyền của các cơ quan.

Ngoài ra, mặc dù mức phạt được nâng cao so với trước nhưng đối với các doanh nghiệp lớn, mức phạt tối đa (1 tỉ đồng cho cá nhân và 2 tỉ đồng cho tổ chức theo NĐ45) vẫn thấp hơn lợi ích kinh tế mà họ thu được từ hành vi vi phạm, dẫn đến tình trạng "chấp nhận nộp phạt để vi phạm".

Hơn nữa, trong một số trường hợp, khi hành vi vi phạm liên quan đến nhiều lĩnh vực, ví dụ khai thác tài nguyên bất hợp pháp và gây ô nhiễm môi trường, chưa có quy định chi tiết về phối hợp giữa các cơ quan xử lý.

NGUYỄN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-con-doanh-nghiep-chap-nhan-nop-phat-de-vi-pham-ve-moi-truong-post833615.html
Zalo