Khởi sắc từ các doanh nghiệp may

Sau nhiều nỗ lực, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh có sự khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã có đơn hàng từ nay đến cuối năm, góp phần đảm bảo chỉ tiêu đề ra, ổn định thu nhập cho người lao động.

Đơn hàng tăng so với cùng kỳ năm ngoái giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Ảnh: NHƯ THANH

Đơn hàng tăng so với cùng kỳ năm ngoái giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Ảnh: NHƯ THANH

Đơn hàng n định

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành Dệt may hiện có nhiều tín hiệu khởi sắc. Các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng. 6 tháng đầu năm, lĩnh vực dệt may xuất khẩu tăng trưởng khoảng 10%. Trong đó, điểm sáng xuất hiện ở thị trường Mỹ khi dệt may Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc, đạt 6 tỉ USD và tăng 4% so với cùng kỳ.

Tại Phú Yên, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp duy trì phát triển và tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sản phẩm may mặc tăng 16,6%. Khảo sát tại một số doanh nghiệp cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng phục vụ sản xuất đến hết quý III, thậm chí có doanh nghiệp đủ đơn hàng đến hết năm.

Bà Nguyễn Thị Son, Trưởng phòng Tổ chức hành chính nhân sự (Công ty CP An Hưng) cho biết: Từ cuối năm 2023 đến nay, tín hiệu thị trường may bắt đầu tích cực hơn, tình hình sản xuất của công ty khá khả quan. 5 nhà máy của công ty hoạt động liên tục để có đủ sản phẩm cho các đơn hàng xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty đã xuất 3,2 triệu sản phẩm, thị trường chủ yếu là Mỹ (khoảng 90%). Hiện công ty đã có đủ đơn hàng đến cuối năm 2024.

Tại Công ty CP Quốc tế Phong Phú - Phú Yên, tình hình sản xuất cũng có bước khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm ngoái khi đơn hàng cơ bản ổn định từ nay đến cuối năm. Theo đại diện công ty, tần suất khách hàng tới tìm hiểu nguồn hàng và năng lực sản xuất không ngừng tăng lên. Thị trường chủ yếu vẫn là các khách hàng từ Mỹ và châu Âu.

Nm bt cơ hi

Giải thích sự tăng trưởng của ngành Dệt may nửa đầu năm 2024, theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân không hẳn do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu cải thiện. Lợi thế cạnh tranh của ngành Dệt may Việt Nam chính là nền chính trị trong nước ổn định, 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, lao động có tay nghề cao, nhiều doanh nghiệp uy tín với nhãn hàng và việc bắt kịp yêu cầu tự động hóa. Chính vì thế, các doanh nghiệp phải nắm thời cơ, chớp cơ hội để có hiệu quả kinh doanh cao nhất.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty CP Quốc tế Phong Phú - Phú Yên, đơn hàng hồi phục là tín hiệu đáng mừng, qua đó giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực. Bên cạnh những đơn hàng có sẵn thì công ty vẫn tiếp tục đàm phán với nhiều khách hàng nhằm tiến tới các hợp đồng cho năm 2025. Giải pháp lúc này chính là phát huy các thế mạnh về nguồn lao động, uy tín của doanh nghiệp cũng như không ngừng tái cấu trúc và đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi xanh để đáp ứng yêu cầu của đơn vị mua hàng, cải thiện năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp tiếp tục chuyển trọng tâm từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Son, để hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm, công ty tiếp tục tận dụng những cơ hội dù là nhỏ nhất từ thị trường, mở rộng tệp khách hàng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm và giữ chân lao động. Với quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng, doanh nghiệp đã tập trung đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, tiếp tục đầu tư vào xanh hóa (giảm phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon...).

“Công ty thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo tại chỗ cho công nhân có tay nghề chưa tốt. Bên cạnh đó, công ty tăng cường công tác quản lý, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Khi làm việc với khách hàng, công ty đặc biệt chú trọng việc chuẩn bị về nhà xưởng, máy móc thiết bị, phân bổ kế hoạch cho các nhà máy theo dòng hàng chuyên biệt sở trường. Doanh nghiệp phải linh hoạt bố trí sản xuất, cơ cấu lại hệ thống và tiếp cận khách hàng với các ưu điểm cạnh tranh riêng nhằm duy trì và phát triển thị trường quốc tế”, bà Son cho biết thêm.

Bà Huỳnh Thị Khiết, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP An Hưng cho hay: Để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế, doanh nghiệp may phải không ngừng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, đa dạng hóa danh mục sản phẩm nhằm mở rộng phạm vi khách hàng. Doanh nghiệp cũng phải tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải thiện năng suất và giảm chi phí. Đồng thời tiếp tục duy trì quan hệ với các thị trường thế mạnh như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản; hợp tác với các đối tác chiến lược, các nhà máy vải và phụ liệu để tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhằm tiết kiệm chi phí và tăng tốc độ sản xuất.

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế, doanh nghiệp may phải không ngừng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, đa dạng hóa danh mục sản phẩm nhằm mở rộng phạm vi khách hàng. Doanh nghiệp cũng phải tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải thiện năng suất và giảm chi phí. Đồng thời tiếp tục duy trì quan hệ với các thị trường thế mạnh, hợp tác với các đối tác chiến lược… để tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhằm tiết kiệm chi phí và tăng tốc độ sản xuất.

Bà Huỳnh Thị Khiết, Chủ tịch Hội đồng quản trị,

Tổng giám đốc Công ty CP An Hưng

NHƯ THANH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/319405/khoi-sac-tu-cac-doanh-nghiep-may.html
Zalo