Khoảnh khắc máy bay Nga Su-34 'chạm trán' F-35 Italia ở khoảng cách gần

Một video đầy hấp dẫn ghi lại khoảnh khắc máy bay Su-34 của Nga và F-35 của Italia bay sát nhau đang gây xôn xao mạng xã hội.

Đoạn phim được chia sẻ bởi một tài khoản trên nền tảng X, cho thấy 2 chiến đấu cơ này bay gần nhau trong không phận trung lập. Dù chưa rõ thời gian và địa điểm chính xác của sự kiện, góc nhìn từ buồng lái chiếc Sukhoi khẳng định máy bay bên phải là F-35 Lightning II – dòng máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại của Không quân Italia.

Cuộc gặp gỡ "thân mật" giữa máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga và máy bay chiến đấu F-35A Lightning II của Italia. (Nguồn: Mạng xã hội X)

Theo nhiều suy đoán, cuộc chạm trán có khả năng cao diễn ra ở vùng biển Baltic, nơi thường xuyên xảy ra những màn đối đầu giữa máy bay của NATO và Nga. Đây là khu vực chiến lược quan trọng, nơi cả 2 bên đều thực hiện các nhiệm vụ tuần tra và trinh sát nhằm thể hiện sức mạnh và khả năng phòng thủ của mình.

Điều khiến các chuyên gia quân sự đặc biệt chú ý là loại máy bay Sukhoi xuất hiện trong video. Ban đầu, nhiều người nghĩ đó có thể là Su-30SM hoặc Su-35, 2 dòng máy bay chiến đấu đa năng phổ biến của Nga. Tuy nhiên, chi tiết quan trọng trong buồng lái đã hướng sự chú ý đến một lựa chọn khác: Su-34.

Khung hình tĩnh từ video cho thấy một phần hệ thống điều khiển nằm ở bên trái ghế phi công Nga, với một công tắc xoay đặc trưng. Đây là chi tiết chỉ xuất hiện trên Su-34 – một máy bay ném bom chiến thuật hiện đại của Nga.

Các dòng Sukhoi khác như Su-27, Su-30 hay Su-35 đều không có công tắc như vậy. Điều này củng cố nhận định rằng máy bay Nga trong video chính là Su-34.

Sự xuất hiện của Su-34 tại vùng biển Baltic khiến nhiều người đặt câu hỏi về mục đích của nó. Đây là một loại máy bay ném bom chiến đấu được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển với độ chính xác cao trong mọi điều kiện thời tiết. Ngoài ra, Su-34 cũng có khả năng tác chiến điện tử và thực hiện nhiệm vụ không chiến nếu cần thiết.

Việc triển khai Su-34 ở khu vực này có thể được giải thích bằng nhiều lý do. Một giả thuyết phổ biến là, Nga đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần biên giới phía tây để thể hiện sức mạnh và sự sẵn sàng trước các mối đe dọa từ NATO. Trong các cuộc diễn tập như vậy, Su-34 có thể được huy động để thử nghiệm khả năng phối hợp giữa các lực lượng không quân và thực hiện các kịch bản tác chiến khác nhau.

Một khả năng khác là Su-34 đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát và thu thập thông tin tình báo. Với hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, Su-34 có thể theo dõi hoạt động của NATO trong khu vực, thu thập dữ liệu về radar, hệ thống phòng không và các cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng. Đây là một nhiệm vụ quen thuộc của Nga nhằm nắm bắt tình hình và chuẩn bị cho các kịch bản ứng phó.

Trong khi đó, chiếc F-35 của Italia cũng đóng vai trò quan trọng trong sự kiện này. Là một phần của chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, F-35 Lightning II không chỉ là niềm tự hào của Không quân Italia mà còn là trụ cột trong chiến lược phòng thủ của NATO.

Máy bay này nổi bật với khả năng tàng hình và hệ thống cảm biến tiên tiến, cho phép nó thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ đánh chặn, trinh sát cho đến tác chiến điện tử và tấn công mặt đất.

Không quân Italia đã triển khai F-35 cho nhiều nhiệm vụ tuần tra và giám sát không phận trong khu vực biển Baltic. Đây là khu vực nhạy cảm, nơi thường xuyên xảy ra các cuộc chạm trán giữa máy bay của NATO và Nga. Với khả năng phản ứng nhanh và đánh chặn hiệu quả, F-35 được xem là lựa chọn hàng đầu trong các nhiệm vụ bảo vệ không phận của các nước đồng minh.

Cuộc chạm trán giữa Su-34 và F-35 trong video không mang tính chất đối đầu căng thẳng như nhiều sự cố trước đây giữa máy bay Nga và phương Tây. Ngược lại, video này kết thúc bằng một cử chỉ khá thân thiện.

Trong đoạn cuối, phi công người Italia đã giơ tay chào người đồng nghiệp Nga, như một lời chào thân thiện giữa 2 bên. Ngay sau đó, cả 2 máy bay tách ra và bay theo 2 hướng ngược nhau, kết thúc cuộc gặp gỡ một cách hòa bình.

Đây cũng không phải lần đầu tiên F-35 chạm trán với máy bay Nga. Năm 2019, máy bay F-35A của Na Uy đã thực hiện nhiệm vụ đánh chặn máy bay Nga đầu tiên trên Bắc Đại Tây Dương. Năm 2020, các máy bay F-35 của Mỹ tại châu Âu tham gia tuần tra không phận ở biển Baltic và tiếp xúc trực quan với máy bay Nga hoạt động gần biên giới NATO.

Năm 2021, F-35B của Anh, được triển khai trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, đã tiếp cận máy bay Nga trong không phận Đông Địa Trung Hải. Năm 2022, F-35A của Italia tham gia nhiệm vụ tuần tra tại các quốc gia Baltic và chặn một số máy bay Nga tiếp cận không phận NATO mà không báo trước.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khoanh-khac-may-bay-nga-su-34-cham-tran-f-35-italia-o-khoang-cach-gan-169250111104550367.htm
Zalo