Khoảng 70% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy

Hiện xe máy đang đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo đối với phần lớn người dân Việt Nam với khoảng 77 triệu xe được đăng ký đến hết năm 2024. Theo đại diện của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, giải pháp nâng cao an toàn cho người đi xe máy là vấn đề có ý nghĩa rất lớn với hàng triệu người dân đang sử dụng phương tiện này hằng ngày.

Mới đây, tại Hội thảo với chủ đề "Giải pháp nâng cao ATGT cho người đi mô tô, xe máy tại Việt Nam”, ông Lê Kim Thành, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện nay, mô tô, xe máy vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam với khoảng 77 triệu xe được đăng ký theo số liệu thống kê đến hết năm 2024.

Một số nghiên cứu độc lập cũng chỉ ra rằng, xe máy hiện nay đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo đối với phần lớn người dân Việt Nam. Trong tương lai, khi thu nhập tiếp tục tăng thì khả năng cao xe máy vẫn được sở hữu và sử dụng. Bởi trong điều kiện cơ sở hạ tầng, đường sá còn bất cập, mức thu nhập cá nhân còn khá thấp và các dịch vụ giao thông công cộng ở các tỉnh, thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, thì xe máy vẫn là lựa chọn ưu tiên, đóng vai trò quan trọng trong đời sống, sinh kế của người dân.

Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mặc dù có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển nhất nước nhưng phương tiện giao thông công cộng mới đáp ứng khoảng 10%-15% nhu cầu đi lại của người dân. Mật độ đường trên diện tích đất và số lượng xe buýt trên một triệu dân cho đến nay vẫn thấp hơn nhiều lần so với các thành phố trong khu vực châu Á.

Nếu công tác xây dựng, mở rộng mạng lưới đường, phương tiện vận tải công cộng (tàu điện, xe buýt...) vẫn diễn ra với tốc độ như hiện nay thì trong vòng 10 năm tới, phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu và xe máy tiếp tục là phương tiện đi lại ưu tiên của nhiều người dân.

Kiểm tra người tham gia giao thông bằng xe máy. Ảnh: PHẠM HƯNG

Kiểm tra người tham gia giao thông bằng xe máy. Ảnh: PHẠM HƯNG

Mặc dù xe máy là phương tiện đi lại chính nhưng rõ ràng độ tiện nghi, tính năng an toàn lại không cao. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, xe máy có liên quan tới khoảng 65%-70% số vụ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cần khẳng định không phải tất cả trong số đó, xe máy đều là nguyên nhân của tai nạn giao thông, mà trong nhiều vụ việc, người đi xe máy là nạn nhân.

Nhận định về vấn đề này, ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, hiện nay, nhiều gia đình sở hữu từ một đến hai chiếc ô tô nhưng vẫn phải sử dụng xe máy để phục vụ nhu cầu đi lại. Nêu một số vấn đề về thiếu an toàn, ông Trần Hữu Minh nhấn mạnh các yếu tố ảnh hưởng tới trẻ em; trong đó, học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện là vấn đề cần xem xét. "Người trưởng thành có bằng lái mới được điều khiển xe máy, trong khi trẻ em kiến thức chưa đủ nhưng vẫn được điều khiển xe tương tự nên nguy cơ tai nạn rất cao", ông Trần Hữu Minh nhận định.

Đáng nói, chương trình đào tạo, sát hạch bằng lái xe máy hiện còn thiếu nhiều nội dung về xử lý tình huống, trong khi đây là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương. Ví dụ, ở phần thi thực hành, nhiều năm qua, cơ quan sát hạch vẫn yêu cầu người học đi trong vòng số 8, số 3, trong khi thực tế trên đường xe tải, ô tô với rất nhiều tình huống phát sinh. Điều này cho thấy chương trình đào tạo không đáp ứng bối cảnh thực tế hiện nay.

Ngoài ra, hiện nay, các quy định chưa có chế tài đối với việc chở trẻ em dưới 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm, đồng thời chưa có tiêu chuẩn mũ bảo hiểm cho trẻ khi ngồi trên mô tô, xe máy. Do đó, ông Trần Hữu Minh kiến nghị cơ quan quản lý cần bổ sung chương trình đào tạo, sát hạch cấp bằng lái. Đặc biệt, ngành giáo dục cần xây dựng quy trình cụ thể về đào tạo ATGT trong trường học.

HÀ VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/khoang-70-so-vu-tai-nan-giao-thong-lien-quan-den-xe-may-815854
Zalo