Việt Nam đề xuất Trung Quốc mở cửa thị trường nông sản chất lượng cao
Bộ Công Thương đề xuất phía Trung Quốc mở cửa thị trường đối với các loại nông sản chất lượng cao của Việt Nam, theo đó hai bên sẽ phối hợp thúc đẩy xúc tiến thương mại và tổ chức chương trình giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại tỉnh Quảng Tây.
Ngày 19-2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã hội đàm với ông Trần Cương, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
Tại hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Quảng Tây khi Việt Nam đã duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây suốt 26 năm qua.
Để phát huy thành quả này, hai bên cam kết đẩy mạnh hợp tác thương mại bằng việc duy trì chuỗi cung ứng ổn định, phân luồng hiệu quả hàng hóa tại cửa khẩu biên giới, đặc biệt đối với nông sản, thủy sản. Đồng thời, phía Việt Nam đề nghị Quảng Tây sớm thông báo các quy định mới có thể ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu nhằm giúp doanh nghiệp chủ động thích nghi.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề xuất mở cửa thị trường Trung Quốc đối với các loại nông sản chất lượng cao của Việt Nam như quả có múi, bơ, na, roi. Để hiện thực hóa mục tiêu này, hai bên sẽ phối hợp thúc đẩy xúc tiến thương mại và tổ chức chương trình giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại Quảng Tây.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên (bên trái) và Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc-Trần Cương. Ảnh: BCT
Không chỉ dừng lại ở thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cấp cơ cấu công nghiệp Việt Nam – Quảng Tây. Hai bên sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường và ứng dụng số hóa vào sản xuất. Đặc biệt, Việt Nam đề xuất hợp tác trong đào tạo nhân lực cho ngành chế biến, chế tạo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Về lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng đề nghị Quảng Tây thúc đẩy ký kết Bản ghi nhớ hợp tác liên kết điện giữa hai nước, đồng thời nghiên cứu phương án xây dựng đường dây siêu cao áp một chiều kết nối Quảng Tây – Quảng Ninh. Đây được xem là bước tiến quan trọng giúp hai bên khai thác tiềm năng hợp tác về điện và năng lượng tái tạo.
Bí thư Trần Cương bày tỏ sự đánh giá cao đối với những thành tựu hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Quảng Tây. Ông nhấn mạnh, Việt Nam hiện chiếm 39,1% tổng kim ngạch ngoại thương của Quảng Tây, trong đó xuất nhập khẩu trái cây giữa hai bên chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hoa quả giữa Trung Quốc và ASEAN.

Kết thúc hội đàm, ông Nguyễn Hồng Diên và ông Trần Cương đã chứng kiến lễ ký kết hai văn kiện hợp tác quan trọng.
Đặc biệt, kim ngạch thương mại qua cửa khẩu biên giới đường bộ tăng trưởng 41,3% so với năm trước, cho thấy sự phát triển tích cực trong quan hệ thương mại song phương.
Bí thư Quảng Tây cũng đề xuất hàng loạt sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác, bao gồm tổ chức Hội chợ Trung Quốc – ASEAN lần thứ 22, phát triển trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử, xây dựng cửa khẩu thông minh biên giới Việt – Trung, cũng như thành lập Trung tâm kiểm nghiệm kiểm dịch nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Những đề xuất này nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía Bộ Công Thương Việt Nam.
Ký kết văn kiện hợp tác quan trọng
Kết thúc hội đàm, ông Nguyễn Hồng Diên và ông Trần Cương đã chứng kiến lễ ký kết hai văn kiện hợp tác quan trọng: (i) Danh mục nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 thuộc Kế hoạch hành động giai đoạn 2024 – 2026 giữa Bộ Công Thương và Chính quyền Quảng Tây; (ii) Bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác sản xuất giữa Sở Công Thương Quảng Ninh và Sở Thương mại Quảng Tây.
Những thỏa thuận này không chỉ giúp củng cố mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Quảng Tây mà còn tạo tiền đề để mở rộng quy mô, tiến tới cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang chịu nhiều biến động.