Giải ngân trên 89% kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Chiều ngày 19/2, tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng, đồng chí Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chủ trì cuộc họp đánh giá công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cùng dự có lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Trong năm 2024, các ngành, các cấp đã tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện cơ bản tốt các nội dung thuộc chương trình. Trong đó, tham mưu xây dựng, ban hành và triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương và UBND tỉnh, kết quả giải ngân các dự án, tiểu dự án đạt được ở mức cao. Tính đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh đã giải ngân được 102.408/114.277 triệu đồng, đạt tỷ lệ 89,61% kế hoạch vốn. Trong đó, ngân sách Trung ương giải ngân được 95.936/105.399 triệu đồng, đạt tỷ lệ 91,02% kế hoạch vốn; ngân sách địa phương giải ngân được 6.472/8.878 triệu đồng, đạt tỷ lệ 72,9% kế hoạch vốn.

Các đại biểu tham dự cuộc họp đánh giá công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ảnh: MAI KHÔI
Các kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cùng với các chính sách an sinh xã hội khác đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 4.430 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,32% (giảm 1,22% so với năm 2023, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra); 17.063 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,08% (giảm 1,38% so với năm 2023).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc triển khai một số dự án, tiểu dự án thuộc chương trình đôi lúc còn chậm, tỷ lệ giải ngân còn thấp (dạy nghề, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài). Công tác báo cáo, quyết toán kinh phí thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình còn chưa đảm bảo tiến độ. Một số địa phương chưa bố trí đầy đủ vốn đối ứng từ ngân sách cấp huyện theo quy định; việc thực hiện quy trình xét chọn mô hình, đối tượng tham gia dự án tại một số nơi còn khó khăn…
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng nêu ý kiến, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khởi đã ghi nhận những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 tại tỉnh. Qua đó, đồng chí cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương trong năm 2025 (nhất là trong giai đoạn hợp nhất, sáp nhập) cần có sự quyết tâm hơn nữa trong thực hiện chương trình này; đồng thời cần phát huy vai trò kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện tại các địa phương. Qua đó, tạo cơ hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập để thoát nghèo và vươn lên nâng cao chất lượng cuộc sống.