Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng để tạo thuận lợi cho các nhà khoa học

Đại biểu quốc hội đề xuất áp dụng khoán chi đến sản phẩm cuối cùng trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ để tháo gỡ khó khăn cho các nhà khoa học.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) cho rằng, vướng mắc chính hiện nay là cơ chế tự chủ tài chính chưa phù hợp với đặc thù của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, nhất là các đơn vị nghiên cứu cơ bản nghiên cứu chiến lược. Tự chủ tài chính còn bị hiểu nhầm là tự đảm bảo nguồn thu dẫn đến cắt giảm ngân sách nhà nước, ảnh hưởng tới nhân lực, khoa học và công nghệ. Cơ chế khoán chi chưa hiệu quả do rào cản hành chính và do lo ngại rủi ro khi nghiên cứu không đạt kết quả.

Do đó, đại biểu kiến nghị cần có các nội dung và định hướng về cách thức xác định tự chủ, mô hình giao quyền tự chủ, không nói đến các khái niệm tự chủ chung chung.

 Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng).

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng).

Hoàn thiện cơ chế tự chủ. Cần có quy định về tự chủ riêng, phân loại rõ các tổ chức khoa học, công nghệ công lập theo chức năng để áp dụng các mức tự chủ phù hợp, tự chủ cao đối với các đơn vị ứng dụng và mức hỗ trợ cao cho đơn vị nghiên cứu cơ bản.

Cải cách cơ chế khoán chi. Áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng theo nguyên tắc quản lý rủi ro, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ cho nhóm nghiên cứu. Đồng thời, có giải pháp phát triển tài sản trí tuệ để hỗ trợ đăng ký và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Giảm gánh nặng tài chính cho các tổ chức khoa học, công nghệ và sử dụng hiệu quả sản phẩm thuộc quyền sở hữu trí tuệ trong thực tiễn.

Ngoài ra, đại biểu Ngọc Diễm cũng kiến nghị đầu tư ngân sách nhà nước đảm bảo ngân sách đầu tư cơ bản cho các tổ chức khoa học, công nghệ công lập kết hợp huy động vốn từ doanh nghiệp qua các cơ chế hợp tác công tư PPP.

Trong khi đó, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu rõ, trong dự thảo Nghị quyết mới nói khoán chi chung nhưng khoán chi phải đến sản phẩm cuối cùng. Sản phẩm cuối cùng trong khoa học, công nghệ có thể là hình thành hình hài nhưng có thể cái mới đáp ứng được.

Đồng tình với cơ chế mới, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, trong cơ chế này cũng đã chỉ ra là sẽ thực hiện khoán chi cho các hoạt động trong quá trình nghiên cứu và như vậy giúp cho các nhà khoa học sẽ không phải bận tâm trong chuyện phải thực hiện các thủ tục hành chính, lo hoàn thiện về các giấy tờ để đáp ứng các nhu cầu về quản lý, vì thực chất hiện nay nhiều khi các nhà khoa học đã phải tìm cách nối dối và thời gian để chi cho công việc hành chính còn nhiều hơn cả hoạt động nghiên cứu.

“Tôi cũng đề nghị rằng chúng ta không chỉ giải quyết vấn đề khoán chi mà tôi đề nghị phải bỏ tất cả những quy định liên quan đến đấu thầu trong nghiên cứu khoa học, công nghệ, ví dụ như đấu thầu để chọn đề tài là hoàn toàn không phù hợp. Nếu đấu thầu cho đề tài dẫn đến một đề tài nghiên cứu năm nay đấu thầu được, đang nghiên cứu dở dang sang năm không đấu thầu được thì đề tài đó sẽ bỏ đi, do vậy nên chuyển sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và khoán chi chứ không thực hiện các cơ chế đấu thầu”, ông Cường kiến nghị.

Góp ý kỹ về nội dung áp dụng khoán chi trong triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ đối với các hoạt động mua nguyên liệu, vật liệu sử dụng cho nghiên cứu, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, đơn vị chủ trì nhiệm vụ được quyền quyết định hình thức mua sắm, bảo đảm thực hiện theo nhiệm vụ.

Bà Thu cũng đồng tình với đề xuất của đại biểu Hoàng Văn Cường, không nên yêu cầu phải đấu thầu đối với các nội dung này, bởi vì với các hình thức vật liệu này để thực hiện việc phục vụ cho vấn đề nghiên cứu thì cũng có thể thành công hoặc có những sự cố hoặc sai sót, thậm chí không thành công nếu quy định cũng như định mức về các việc thực hiện đối với mua sắm vật liệu trong nghiên cứu có thể dẫn đến kết quả cũng như, sản phẩm mua không đảm bảo được theo quy định.

Bên cạnh đó, nếu áp dụng các thủ tục đấu thầu thì vẫn phải lập kế hoạch đấu thầu cũng như xác định giá, xác định khối lượng sản phẩm thực hiện trong quá trình xây dựng nhiệm vụ khoa học, chính vì thế có thể gây kéo dài thời gian thực hiện mua sắm và có thể sẽ không thực hiện mua sắm được đúng, phù hợp với các vật liệu phục vụ cho nghiên cứu. Còn nếu trong quá trình xây dựng mô tả tính năng kỹ thuật cũng như là các cơ cấu của vật liệu này thì vô hình trung dẫn đến vấn đề chỉ định hoặc thông thầu đối với các hạng mục mua sắm các nội dung này.

Ngoài ra, theo đại biểu Thu, cần sửa đổi theo hướng tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được tự chủ, tự chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí từ công lao động để để thuê chuyên gia trong các trường hợp cần thiết. Bởi vì, nếu chúng ta quy định tự khống chế vào hạn mức của chuyên gia thì vô hình trung trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu sẽ gây khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, về cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ, giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu, về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. Đây là những nội dung có nhiều vướng mắc kéo dài, gốc của nó là nhà nước muốn tránh rủi ro nên đề ra nhiều thủ tục phức tạp, dồn rất nhiều trách nhiệm lên các tổ chức nghiên cứu và kết quả là các cơ sở nghiên cứu không dám nhận những nghiên cứu lớn, có rủi ro cao như các nghiên cứu cơ bản.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, nghiên cứu là có bản chất rủi ro, là một loại đầu tư có rủi ro cao. Nghị quyết lần này thí điểm cơ chế khoán chi đối với hầu hết các nghiên cứu mà không phải cam kết quả cuối cùng. nhà nước sẽ quản lý thông qua đánh giá các giai đoạn nghiên cứu để tiếp tục cấp kinh phí, đánh giá các cơ sở nghiên cứu có kết quả để giao thực hiện tiếp các đề tài.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cho phép nhà nước cấp tiền cho nghiên cứu thông qua cơ chế quỹ. Nghị quyết cũng quy định về việc miễn trách nhiệm dân sự và không phải hoàn trả lại kinh phí nếu nghiên cứu không đi đến kết quả như dự kiến.

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/khoan-chi-den-san-pham-cuoi-cung-de-tao-thuan-loi-cho-cac-nha-khoa-hoc-d55976.html
Zalo