Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thực hiện các quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, Cục Hàng hải Việt Nam đã phối hợp với Liên danh Tư vấn Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình Hàng hải và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển giao thông vận tải hoàn thiện hồ sơ 'Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050'. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh Sóc Trăng phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, góp phần đưa nền kinh tế tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Sự cần thiết lập quy hoạch

Theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, ngày 24/11/2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 quy hoạch cảng biển nằm trong hệ thống Quy hoạch ngành quốc gia được xây dựng phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia; bảo đảm tính liên kết đồng bộ giữa các quy hoạch của ngành quốc gia và các quy hoạch khác có liên quan. Đối với quy hoạch hệ thống cảng biển theo Luật quy hoạch gồm 2 cấp quy hoạch sau: (1) Quy hoạch ngành quốc gia: quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển. (2) Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành: bao gồm Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước và quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển.

Để cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển và Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước, đồng thời bám sát theo Quyết định số 995/QĐ-TTg, ngày 25/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì việc lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết, làm cơ sở kêu gọi đầu tư cảng biển Sóc Trăng đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Sóc Trăng và khu vực.

Vị trí dự kiến đầu tư xây dựng Cảng biển Trần Đề.

Vị trí dự kiến đầu tư xây dựng Cảng biển Trần Đề.

Bên cạnh đó, tờ trình về “Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Cục Hàng hải Việt Nam ban hành đã đánh giá cụ thể về tình hình thực hiện quy hoạch, gồm: kết quả thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch; đánh giá thực hiện quy hoạch; quá trình triển khai lập quy hoạch; dự báo nhu cầu vận tải, hàng hóa thông qua cảng biển…

Quan điểm, mục tiêu và nội dung quy hoạch

Thực hiện các quan điểm phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg, ngày 22/9/2021, Quyết định số 442/QĐ-TTg, ngày 22/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ và các quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Vùng, địa phương. Mục tiêu và nội dung quy hoạch Cảng biển Sóc Trăng gồm khu bến Kế Sách; khu bến Đại Ngãi; khu bến Trần Đề và các bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh, trú bão. Mục tiêu đến năm 2030 về hàng hóa và hành khách thông qua: hàng hóa từ 30,7 triệu tấn đến 41,2 triệu tấn; hành khách từ 522,1 nghìn lượt khách đến 566,3 nghìn lượt khách. Về kết cấu hạ tầng có tổng số 6 bến cảng gồm từ 16 cầu cảng đến 18 cầu cảng với tổng chiều dài từ 2.693 - 3.493m (chưa bao gồm các bến cảng khác). Tầm nhìn đến năm 2050 về hàng hóa và hành khách thông qua: hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,5 - 6,1%/năm; hành khách với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,1 - 1,25%/năm. Về kết cấu hạ tầng sẽ tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa, trong đó hình thành cảng cửa ngõ khu vực đồng bằng sông Cửu Long…

Sóc Trăng tổ chức Hội thảo về đầu tư Cảng biển Trần Đề.

Sóc Trăng tổ chức Hội thảo về đầu tư Cảng biển Trần Đề.

Nhu cầu sử dụng đất và mặt nước có tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 2.733 ha (chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics,… gắn liền với cảng). Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 148.486 ha (đã bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải). Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Sóc Trăng đến năm 2030 khoảng 68.580 tỷ đồng gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng khoảng 15.727 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 52.853 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa). Các dự án ưu tiên đầu tư, gồm: Kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng công cộng bến cảng ngoài khơi Trần Đề (luồng tàu, đê chắn sóng, cầu vượt biển); các kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải như: khu neo đậu tránh, trú bão, hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS); đầu tư xây dựng bến công vụ, cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành. Bến cảng biển sẽ đầu tư các bến cảng phục vụ Trung tâm điện lực Long Phú; đầu tư khu bến Trần Đề đóng vai trò cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Giải pháp thực hiện quy hoạch

Thực hiện các giải pháp quy hoạch theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg, ngày 22/9/2021, Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 22/5/2024, Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 16/1/2025 trong đó đối với cảng biển Sóc Trăng tập trung thực hiện các giải pháp sau:

1. Giải pháp về cơ chế, chính sách: Hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, góp phần thúc đẩy phát triển vận tải biển, dịch vụ hàng hải. Đầu tư phát triển các khu bến đồng bộ với cơ sở hạ tầng giao thông kết nối sau cảng; xây dựng cơ chế thu hút hãng tàu, đại lý hàng hải phát triển tại khu cảng. Khuyến khích xây dựng bến cảng phục vụ chung tại các khu kinh tế, công nghiệp để nâng cao hiệu quả đầu tư bến cảng và hiệu quả sử dụng đường bờ làm cảng. Dành quỹ đất thích hợp cảng để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa với chức năng đầu mối dịch vụ logistics; tăng cường kết nối vận tải thủy nội địa, giảm chi phí logistics. Tạo điều kiện bố trí cơ sở làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước, nghiên cứu, huấn luyện, đào tạo, cung cấp dịch vụ hàng hải tại các bến cảng mới; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện quy hoạch, đảm bảo sự phối hợp, gắn kết đồng bộ với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông khu vực, quy hoạch xây dựng và quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có cảng biển. Nghiên cứu hoàn thiện các chính sách về giá, phí tại cảng biển để nâng cao hiệu quả đầu tư cảng biển, tăng tính hấp dẫn đối với các hãng tàu, thu hút hàng hóa thông qua cảng Trần Đề đóng vai trò cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Giải pháp về huy động vốn đầu tư: Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế và các điều kiện để huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch và thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền huy động nguồn lực; khai thác nguồn lực từ quỹ đất, mặt nước, nguồn thu từ cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng đầu tư từ nguồn ngân sách. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng biển; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển. Tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại cảng biển như một phần trong dự án đầu tư khai thác cảng biển của doanh nghiệp.

3. Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ: Khuyến khích Nhà đầu tư khai thác cảng ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, công nghệ số và chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống cảng biển; đẩy mạnh chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới, đầu tư bổ sung và cảng hiện hữu đáp ứng các tiêu chí cảng xanh. Xây dựng các cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp cảng xanh, đồng thời đưa tiêu chí cảng xanh là một trong các tiêu chí để cấp có thẩm quyền xem xét lựa chọn nhà đầu tư. Ưu tiên đầu tư, phát triển, sử dụng hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin cơ chế một cửa quốc gia.

4. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong công tác quản lý, khai thác hạ tầng cảng biển; nghiên cứu thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở các lĩnh vực liên quan đến quản lý và khai thác cảng.

5. Giải pháp về hợp tác quốc tế sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước thông qua các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Thực hiện các điều ước, thỏa thuận khu vực và quốc tế về biển mà Việt Nam là thành viên; nghiên cứu tham gia các điều ước quốc tế liên quan. Tăng cường hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

6. Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch sẽ tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện quy hoạch bảo đảm các cảng biển được đầu tư, khai thác theo đúng công năng, quy mô, lộ trình quy hoạch được duyệt; bảo đảm đồng bộ giữa cảng biển và các hạ tầng liên quan. Định kỳ tổ chức hội nghị cảng biển để giải quyết các vấn đề liên quan. Khuyến khích nghiên cứu, áp dụng các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển, bảo đảm cho các tàu có trọng tải lớn hơn, giảm tải có thể vào, rời các bến cảng trên cơ sở bảo đảm điều kiện về an toàn, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường. Tăng cường kết nối hệ thống cảng cạn, trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cần sau cảng và dịch vụ logistics (khu bến Trần Đề) để hỗ trợ cho hoạt động cảng biển. Liên kết giữa các doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu và công ty logistics trên địa bàn với các nhà khai thác cảng cạn, kho bãi, nhà cung cấp dịch vụ vận tải tạo thành chuỗi dịch vụ, hướng đến hình thành “hệ sinh thái logistics” hỗ trợ chủ hàng từ vận chuyển, lưu trữ đến phân phối sản phẩm. Xây dựng kho dữ liệu tập trung nhằm số hóa hoạt động vận tải hàng hóa làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch giao thông, bố trí bãi đậu xe, khu vực trung chuyển hàng hóa, giờ ưu tiên... Từ đó, xây dựng nền tảng công nghệ thông tin khai thác dữ liệu dùng chung về hoạt động cảng biển, logistics phục vụ cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Thiết lập bản đồ số hóa hệ thống cảng biển để có cơ sở dữ liệu chính thức, phục vụ cho công tác thống kê, tra cứu, hoạch định, tìm kiếm và tối ưu hóa mạng lưới cảng biển Sóc Trăng.

Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành tỉnh Sóc Trăng công bố và quản lý thực hiện quy hoạch được duyệt. UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo việc lập các quy hoạch của địa phương phù hợp quy hoạch chi tiết cảng biển được duyệt...

QUANG BÌNH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/soc-trang-tiem-nang-va-phat-trien/202502/quy-hoach-chi-tiet-phat-trien-vung-at-vung-nuoc-cang-bien-soc-trang-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-en-nam-2050-21c72b5/
Zalo