Doanh nghiệp bia 'thức tỉnh' sau 'cơn say' hậu đại dịch

Sau giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19, sụt giảm tiêu dùng và chính sách hạn chế, ngành bia phục hồi trở lại trong năm 2024 và được dự báo khởi sắc trong năm 2025.

Phục hồi trở lại trong năm 2024

Tiếp tục duy trì vị thế trong nhóm dẫn đầu, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 cho thấy kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực.

Trong kỳ, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 9.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.

Dù Nghị định 100 tiếp tục được thực thi nghiêm ngặt và áp lực cạnh tranh gia tăng, Sabeco vẫn phục hồi tốt nhờ nhu cầu của người tiêu dùng.

Trong kỳ công ty đã nỗ lực tối ưu các khoản chi phí. Nhờ đó, Sabeco ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cũng kỳ năm 2023.

Lũy kế năm 2024, Sabeco ghi nhận gần 32.000 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 4.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng nhẹ khoảng 5% so với năm 2023.

Tương tự Sabeco, quý IV/2024 chứng kiến sự phục hồi của nhiều doanh nghiệp bia với sản lượng tiêu thụ tăng.

Ở khu vực miền Bắc, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng, vượt xa kế hoạch năm.

Trong quý cuối năm, hoạt động kinh doanh của Habeco cải thiện so với cùng kỳ và thực hiện tốt các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí trong sản xuất.

Nhờ đó, doanh thu thuần của công ty tăng nhẹ lên hơn 2.270 tỷ đồng, lãi ròng 113 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ.

Kết thúc năm, Habeco đạt doanh thu thuần tăng 6% lên hơn 8.200 tỷ đồng, lợi nhuận năm 2024 của Habeco tăng 13% lên 402 tỷ đồng. Kết quả này giúp ông lớn ngành bia miền Bắc vượt chỉ tiêu về cả doanh thu và lợi nhuận năm 2024.

Vượt chướng ngại vật năm 2025

Theo các công ty phân tích, thế hệ Gen Z đang uống rượu bia ít hơn 20% so với thế hệ Millenials và việc ngày càng nhiều người tiêu dùng chú trọng tới sức khỏe cũng khiến tiêu thụ bia truyền thống giảm.

Theo nghiên cứu của NielsonIQ, người tiêu dùng đang ưa chuộng các sản phẩm có độ cồn nhẹ và hương vị mới lạ, giá bình quân cao hơn so với sản phẩm truyền thống.

Theo thống kê từ hơn hai năm trở lại đây, NielsonIQ chỉ ra nhóm sản phẩm bia có nồng độ cồn thấp, hương vị dễ uống đang được người tiêu dùng đón nhận với sản lượng tiêu thụ tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt tại sáu thành phố lớn và kênh hiện đại. Nhìn trên khía cạnh giá bán, các sản phẩm trung cấp và cao cấp đang chiếm ưu thế.

Sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam dần hồi phục trong năm 2025. Ảnh: VCBS

Sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam dần hồi phục trong năm 2025. Ảnh: VCBS

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp bia cũng đã có những bước phát triển để thích ứng với chu kỳ mới.

Sabeco và Heineken đã đầu tư, phát triển các sản phẩm mới, chuyển đổi sang mô hình đồ uống có nồng độ cồn thấp, không cồn hoặc các loại cocktail, bia ít cồn hương vị trái cây dễ uống và mới lạ.

Việc điều chỉnh sản phẩm theo hướng giảm nồng độ cồn và tăng hương vị, có giá bán cao hơn được cho là động lực tăng giá bán bình quân tự nhiên.

Điển hình với động thái cho ra mắt dòng sản phẩm Saigon Soju, cạnh tranh trực tiếp với Tiger Soju, là dòng bia có nồng độ cồn thấp, hương hoa quả, và sản phẩm bia 333 Pilsner Extra Smooth, có hương vị ngọt, ít đắng hơn và nồng độ cồn thấp hơn bia 333 truyền thống.

Các chuyên gia của công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá đây cũng là một trong những bước đi phù hợp với xu hướng thị trường khi phát triển dòng sản phẩm mới dễ uống trong phân khúc trung cấp thay vì gia tăng chi tiêu quảng cáo và khuyến mại của Sabeco.

Đối thủ lớn nhất của Sabeco là Heineken cũng đang có xu hướng giảm dần nồng độ cồn và tăng hương vị mới trong sản phẩm của mình với dòng bia Larue Smooth hay dòng sản phẩm Tiger Platinum.

Đánh giá triển vọng toàn ngành trong năm 2025, VCBS dự báo đà giảm tiêu thụ có thể chững lại khi người tiêu dùng trở nên quen thuộc với chính sách mới và thu nhập của người dân bắt đầu manh nha hồi phục trở lại sau một thời gian dài thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tuy vậy, về dài hạn, tiêu thụ cho đồ uống có cồn gặp khá nhiều yếu tố tác động tiêu cực khi các quy định nghiêm ngặt và tăng cường kiểm soát về nồng độ cồn khi tham gia giao thông vẫn tiếp tục diễn ra. Thêm nữa, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt giai đoạn 2026-2030 là một rủi ro trong dài hạn với ngành bia.

Đồng quan điểm về triển vọng tăng trưởng, công ty chứng khoán Shinhan (SSV) đánh giá thị trường tiêu thụ nôi địa sẽ phục hồi tốt hơn và đóng góp qua kênh Off-trade như siêu thị, minimart, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống... sẽ tăng lên khi người tiêu dùng chuyển dịch thói quen từ tiêu thụ tại chỗ sang mua mang về để thích nghi với các chính sách hạn chế.

Về rủi ro, đáng chú ý, SSV cho rằng, các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất bia như đại mạch, hoa bia, nhôm (chiếm khoảng 40% giá vốn) có thể chịu tác động của nhiều yếu tố vĩ mô như gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí logistic tăng cao do biến động chính trị, giá dầu tăng; cung – cầu nhôm trên thế giới.

Dẫn số liệu từ Bloomberg, công ty chứng khoán VietCap cho biết, giá nhôm trung bình tăng 13% từ tháng 3/2024 đến tháng 4/2024 và vẫn duy trì ở mức cao này trước khi tăng thêm 4% vào tháng 2/2025 so với mức trung bình từ tháng 4/2024 đến tháng 1/2025.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đầu ngành như Sabeco đang ứng phó bằng cách phòng hộ nhôm trong thời gian ngắn hơn (so với thời gian phòng hộ thông thường là 6-12 tháng trước khi sản xuất) để duy trì tính linh hoạt; đồng thời đàm phán chi phí chuyển đổi (tức là chi phí liên quan đến việc chuyển đổi tấm nhôm thành lon nhôm thành phẩm) với các nhà cung cấp.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/doanh-nghiep-bia-thuc-tinh-sau-con-say-hau-dai-dich-d39028.html
Zalo