Cuộc chơi thuế đối ứng của Mỹ và con đường cho Việt Nam

Mỹ đã châm ngòi cuộc chơi thuế đối ứng bằng truyền thông, Việt Nam cần tính toán đường đi để giữ vững xuất khẩu và tránh rủi ro thương mại.

Thuế nhập khẩu được ông Donald Trump đưa ra từ nhiệm kỳ đầu vào năm 2018 với Trung Quốc. Tuy nhiên sau đó, ông Joe Biden khi nên nắm quyền đã không theo đuổi hoàn toàn.

Đến năm nay – 2025, tên gọi thuế đối ứng được áp dụng với tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Donald Trump, tạo ra cú sốc với các nước, trong đó nóng nhất là thuế suất giữa Trung Quốc và Mỹ.

Một câu hỏi đặt ra là: Mỹ là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ký hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác trên thế giới, vậy việc áp thuế đối ứng có vi phạm các thỏa thuận đã ký?

Trên thực tế, Mỹ đã không dùng từ thuế nhập khẩu mà thay vào đó là thuế đối ứng. Thuế đối ứng là thuế nhập khẩu bổ sung do một quốc gia áp đặt với hàng hóa từ một nước khác nhằm đáp trả những hành vi mà nước đó cho là gây thiệt hại không công bằng trong thương mại.

PGS.TS Phan Hữu Nghị, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - tài chính, NEU. Ảnh: NEU

PGS.TS Phan Hữu Nghị, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - tài chính, NEU. Ảnh: NEU

Thuế đối ứng là một trong ba công cụ phòng vệ thương mại được WTO công nhận, bên cạnh thuế chống bán phá giá và biện pháp tự vệ. Việt Nam cũng có quy định thuế suất bổ sung trong Luật thuế Xuất nhập khẩu nhằm chống bán phá giá, chống trợ cấp và chống phân biệt đối xử.

9/10 đối tác có giao dịch thương mại lớn với Mỹ có thặng dư cán cân thương mại, đặc biệt Trung Quốc có thặng dư lớn nhất và là nền kinh tế lớn thứ hai cạnh tranh trực tiếp với Mỹ.

Việt Nam liên tục xuất siêu sang Mỹ với mức tăng trưởng nhanh nhất trong nhóm 10 đối tác này. Mỹ cũng đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Tại sao lại là thuế đối ứng?

Mỗi quốc gia đều có phân cấp và phân quyền trong lĩnh vực thuế. Ví dụ thay đổi thuế suất thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp…của Việt Nam thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nhưng thuế xuất nhập khẩu thì chính phủ có thể ban hành.

Mỹ cũng có những nét tương đồng và như phân tích ở trên, thuế đối ứng chính là thuế nhập khẩu bổ sung được WTO thừa nhận. Do đó, Mỹ chọn bắt đầu bằng thuế đối ứng (thuế nhập khẩu).

Ý tưởng sử dụng thuế nhập khẩu được phía Mỹ cân nhắc đầu tiên. Diễn đạt một cách khác, Mỹ xác định sẽ tăng thuế nhập khẩu và biết sẽ tạo ra hiệu ứng truyền thông: phản ứng gay gắt từ các quốc gia, tác động mạnh mẽ lên thị trường thế giới, và dẫn tới thương chiến.

Ngay từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Mỹ đã tăng thuế thuế nhập khẩu với Trung Quốc và buộc Trung Quốc tiến hành đàm phán sau đó.

Bên cạnh đó, Mỹ không thể sử dụng thuế tiêu dùng (thuế hàng hóa, Mỹ là nước không áp dụng thuế giá trị gia tăng) bởi vì phản ứng chính trị từ cử tri, do quan điểm không đồng tình từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Mỹ cũng không thể sử dụng thuế thu nhập doanh nghiệp vì cần bảo vệ lợi ích giới siêu giàu và đảm bảo sự dịch chuyển của nguồn vốn hàng nghìn tỷ đô mỗi ngày của hệ thống tài chính.

Quan trọng hơn, do phân quyền, tổng thống Mỹ không có quyền hoặc không có quyền ngay lập tức đề xuất thay đổi hai loại thuế này, do thuộc thẩm quyền của chính quyền từng bang.

Việc sử dụng thuế nhập khẩu, thuộc thẩm quyền chính phủ liên bang, là cách mà tổng thống Mỹ thể hiện cái tôi và thực hiện cam kết đã hứa với cử tri trong nước. Đặc biệt hơn, hướng dư luận về những “đối thủ” hay “kẻ thù” bên ngoài biên giới Mỹ.

Thương chiến bắt đầu bằng truyền thông

Cách sử dụng từ ngữ trong những bối cảnh khác nhau, đôi khi mang lại cho người đọc hoặc nghe những cảm xúc khác nhau. Khi nghe từ “thuế”, người nghe cũng sẽ có những cảm nhận riêng, nhưng tựu chung, phần lớn sẽ mang tới cảm giác “tiêu cực”.

Chính vì thế, khi nói đến thuế, nhiều phương thức được sử dụng để giảm nhẹ tính “tiêu cực”, khiến cho người nộp thuế ít thắc mắc và phàn nàn nhất.

Đây cũng là một trong những nguyên lý cơ bản nhất trong việc thiết kế chính sách thuế: Làm sao để vặt lông một con ngỗng mà nó không kêu gào thảm thiết, nói cách khác nó chấp nhận thực tại?

Người Mỹ, những nhà kinh tế, chính trị, và truyền thông hàng đầu, hiểu rõ điều này hơn ai hết: sử dụng truyền thông để truyền tải thông điệp và để gây sức ép cho các nền kinh tế khác.

Cũng chính vì lý do này, khi tin tức về thuế xuất hiện càng nhiều trên các phương tiện truyền thông Việt Nam thu hút sự chú ý, chúng ta biết rằng nền kinh tế sẽ gặp nhiều thách thức.

Một trong những hình ảnh về buổi công bố thuế quan đối ứng của ông Trump được thảo luận nhiều trên các phương tiện truyền thông. Ảnh: White House

Một trong những hình ảnh về buổi công bố thuế quan đối ứng của ông Trump được thảo luận nhiều trên các phương tiện truyền thông. Ảnh: White House

Để phân tích tác động và đưa ra các chính sách thích hợp, Việt Nam cần thực sự hiểu thông điệp của ông Trump khi đưa ra thuế đối ứng.

Thông điệp thứ nhấtlà thuế đối ứng và ngày độc lập. Ngày 2/4/2025, Mỹ gọi tên thuế là “thuế đối ứng” và ngày công bố gọi là “ngày độc lập”. Cách dùng từ này mang nhiều ngụ ý. Từ reciprocity hay reciprocal (có đi có lại) thường xuất hiện trên bàn đàm phán về hiệp định thuế mà nội dụng chủ yếu liên quan thuế thu nhập, xác định quyền thu thuế của các quốc gia riêng lẻ.

Việc sử dụng từ retaliatory (đối ứng, trả đũa), có khả năng phía Mỹ muốn nhấn mạnh về việc đàm phán, việc tổn hại cho nền kinh tế của quốc gia này.

Bên cạnh đó, hiệu ứng truyền thông và gây sức ép trên bình diện quốc tế sẽ thành công hơn nếu sử dụng tên gọi mới này.

Dưới góc độ về thuế, cần hiểu rõ rằng đây là thuế nhập khẩu, không phải loại thuế mới.

Thông điệp thứ hai là thuế suất. Khi công bố thuế đối ứng, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh về thuế suất mà không phải là mặt hàng chịu thuế và giá tính thuế.

Tại sao? Thứ nhất, thuế suất là chữ số, số và % là ký hiệu quốc tế, dễ hiểu và dễ lan tỏa trên cách phương tiện truyền thông. Hiệu ứng lan tỏa chưa từng thấy đã được ghi nhận, khi chính phủ nhiều nước phải họp khẩn.

Thuế suất dễ so sánh, bàn luận về mức độ chênh lệch giữa các quốc gia, bàn luận về công thức tính, bàn luận về cả những nước không có trong danh sách. Trong khi đó cơ sở thuế và mặt hàng là câu chữ mang nặng tính chuyên ngành, dài và khó đối chiếu.

Mỹ nhắm tới Trung Quốc và đề phòng Trung Quốc sử dụng các quốc gia lân cận để né thuế. Với Việt Nam, đơn giản chúng ta nằm cạnh Trung Quốc và có cộng đồng Hoa Kiều rất mạnh, tương tự các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Campuchia, Lào. Hay thậm chí Singapore, nước nhập khẩu nhiều hàng Mỹ hơn là xuất đi Mỹ, cũng chịu mức 10% vì lý do tương tự. Trong khi theo logic mà Mỹ vẫn giải thích về thuế suất, có khi, Singapore cần được giảm thuế suất. Tuy nhiên, một nước mạnh như Mỹ, cũng không cần logic trong trường hợp này.

Vậy tổng thống Mỹ ngụ ý điều gì khi liệt kê tất cả các nước và cũng không quan tâm lắm tới công thức tính thuế suất áp dụng cụ thể cho từng nước và cho từng sản phẩm? Họ cần các nước xếp hàng đàm phán, thứ mà họ biết họ sẽ nắm chắc phần thắng, nếu một nước khác chủ động nhấc máy liên lạc.

Thông điệp thứ ba là cú sốc và phản ứng dây chuyền. Qua thông điệp này, Tổng thống Mỹ thể hiện cho cả thể giới thấy: việc dự đoán chính sách và mức độ tác động của Mỹ trong thời gian này là rất khó khăn.

Một công bố chính sách có thể tạo nhiều cú sốc, tác động tới mọi ngành nghề. Qua đó, phía Mỹ cũng kiểm chứng phản ứng của các quốc gia, phản ứng của các liên minh và phản ứng của người dân Mỹ. Ngay sau công bố của Mỹ, Việt Nam là một trong những quốc gia có phản ứng tức thì. Điều đó thể hiện sự nhanh nhạy trong cách tiếp cận của Việt Nam.

Thông điệp tiếp theo là hòa đàm Mỹ - Trung Quốc. Vũ khí mà Tổng thống Donald Trump sử dụng tấn công trực diện Trung Quốc là thuế nhập khẩu. Với tư cách là hai siêu cường, khi Mỹ phát động, Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả.

Một trong những yếu tố khác thách thức vị thế của Mỹ là sự trỗi dậy của các nước BRICS, đặc biệt là Trung Quốc – nước có quy mô kinh tế có thể thách thức thức Mỹ cùng các nước khác thuộc BRICS.

Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục công kích nhau trên truyền thông do đây là mặt trận chính. Tuy nhiên, cuộc chiến nào cũng sẽ có hồi kết và việc đàm phán có thể sẽ không được công bố rộng rãi như cách mà khi cuộc chiến bắt đầu.

Nói cách khác, bối cảnh chính trị và sức ép trong nước của cả Mỹ và Trung Quốc đến từ sức ép của người dân, doanh nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp và bất ổn kinh tế… Sức ép càng lớn, hai nước sẽ đàm phán, nhưng chắc chắn không phải trên mặt trận mà Mỹ đang chiếm ưu thế là: truyền thông.

Giải pháp cho Việt Nam

Để giảm thiểu tác động từ các mức thuế đối ứng do Mỹ áp đặt, trong điều kiện Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác thương mại số một và số hai của Việt Nam, cách tiếp cận của Việt Nam cần hướng đến các mục tiêu.

Các mục tiêu này bao gồm giảm thiểu tác động tiêu cực của thuế đối ứng đến doanh nghiệp xuất khẩu; ổn định thị trường và chuỗi cung ứng nội địa; duy trì niềm tin của nhà đầu tư và đối tác quốc tế cũng như chuyển hóa khủng hoảng thành động lực cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các doanh nghiệp cần chủ động chứng minh xuất xứ hàng hóa, minh bạch hơn trong bối cảnh mới. Ảnh: Hoàng Anh

Các doanh nghiệp cần chủ động chứng minh xuất xứ hàng hóa, minh bạch hơn trong bối cảnh mới. Ảnh: Hoàng Anh

Các giải pháp thích ứng của Việt Nam nên hướng vào một số nội dung.

Về phía các nước ASEAN trong đàm phán, Việt Nam và các nước ASEAN đã và đang đàm phán nhưng với tư cách quốc gia đơn lẻ. Đây là cơ hội để Việt Nam đàm phán với tư cách ASEAN và thể hiện vai trò đầu tầu trong hệ thống chính trị tại khu vực, vì nếu tách rời, ASEAN sẽ luôn bị động trong cuộc chiến của các cường quốc.

Việc tiến hành thảo luận giữa bộ trường các nước ASEAN cần gấp rút được thực hiện để tìm tiếng nói chung trong đàm phán và xem xét các vấn đề về xuất xứ, cách tính thuế suất thống nhất, danh mục hàng hóa…

Cùng với đó, các nước trong khối cần thực sự hiểu về hệ thống thuế của ASEAN, hiểu về vai trò của cộng đồng Trung Hoa và những mối liên hệ kinh tế, hiểu để lãnh đạo, hiểu để học hỏi và hiểu để cùng tăng sức mạnh trên bàn đàm phán.

Về phía nhà nước, để chuẩn bị cho đàm phán với Mỹ, một trong các nội dung quan trọng là Việt Nam cần xây dựng cơ chế kiểm soát và minh bạch nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Trong đó, đặc biệt minh chứng tỷ lệ phần trăm giá trị xuất xứ trong nước và giá trị có nguồn gốc từ Trung Quốc hay ASEAN để đàm phán đạt được mức thuế suất phù hợp giúp doanh nghiệp tồn tại phát triển nhưng không đứt gãy chuối cung ứng.

Danh mục hàng hóa có thể cắt giảm với Mỹ để hướng đến cân bằng thương mại cũng được xem xét chi tiết với từng nhóm hàng, gắn với lợi thế so sánh của nước ta. Điều này là để hậu đàm phán không ảnh hưởng đến các thỏa thuận trước đó Việt Nam đã tham gia và Việt Nam không bị kéo vào các vòng đàm phán thương mại với các đối tác thương mại lớn khác của Việt Nam.

Trong ngắn hạn, nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp và ngành nghề bị ảnh hưởng, vừa hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt khó, vừa đảm bảo tăng trưởng năm 2025 và các năm sau.

Mức hỗ trợ cần tính toán để có thể bù đắp phần lớn thiệt hại sau khi bị áp thuế. Hiện tại Bộ Tài chính đã có chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp như trong các nghị định, tuy nhiên, các giải pháp tiếp theo về thuế đang được đề xuất như có thể giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp dưới 200 tỷ đồng doanh thu/năm, giảm 30% tiền thuê đất, giảm lệ phí, xem lại chính sách xuất khẩu tại chỗ…

Song song với đó là các gói tín dụng ưu đãi trong trung hạn, nhưng cần chú ý đến cách triển khai sao cho phù hợp bởi yêu cầu trong đàm pháp là minh bạch chính sách trợ cấp công nghiệp, chống trợ cấp, đặc biệt trong các ngành chiến lược.

Chính phủ cần xây dựng cơ chế giám sát dòng vốn FDI vào Việt Nam để ngăn hành vi “né thuế trung gian”. Trong quản lý thuế, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI có quan hệ với các công ty tại các quốc gia được coi là điểm trung chuyển và Mỹ cảnh báo né thuế.

Việc này sẽ góp phần ngăn chặn việc lợi dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển để lẩn tránh thuế, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng.

Bên cạnh đó là tăng cường kiểm soát hoàn thuế của các doanh nghiệp gia công lắp ráp đơn giản sau đó xuất khẩu.

Về phía doanh nghiệp, chủ động chứng minh xuất xứ hàng hóa (CO, truy xuất chuỗi cung ứng). Đây cũng là vấn đề được Mỹ đề cao khi so sánh với Hàn Quốc và Nhật Bản trong quá trình đàm phán. Doanh nghiệp Việt Nam cũng từng bước cần đầu tư công nghệ chuyển đổi số, đa dạng hóa đầu vào tránh những rủi ro về xuất xứ.

Cùng với đó, đầu tư công nghệ và tuân thủ cao hơn các tiêu chuẩn lao động, môi trường, minh bạch tài chính, cũng như chính sách hỗ trợ khi xuất khẩu không chỉ với thị trường Mỹ mà cả thị trường khác như EU.

Doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ; tái cơ cấu thị trường xuất khẩu, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp chuyển hướng sang EU, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi.

Về phía hiệp hội ngành hàng, cùng với đoàn đàm phán và Bộ Công thương rà soát lợi thế so sánh của ngành hàng đề xuất cắt giảm thuế phù hợp với chiến lược phát triển từng giai đoạn, hạn chế những phát sinh hậu đàm phán với Mỹ khi các đối tác thương mại lớn của Việt Nam so sánh các mức thuế áp dụng.

Hiệp hội hiểu rõ nhất về ngành hàng cũng cần thiết lập bộ công cụ cảnh báo sớm rủi ro phòng vệ thương mại từ Mỹ.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó điều tra chống trợ cấp nếu phía Mỹ hay các nước khác có những khiếu nại hoặc áp đặt với ngành hàng.

Cùng với các bộ, hiệp hội và ngành hàng cần nhanh chóng chuyển đổi công nghệ và số hóa sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển sang sản xuất bền vững, sản xuất sạch, ít carbon, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

PGS.TS Phan Hữu Nghị, Đại học Kinh tế quốc dân

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/cuoc-choi-thue-doi-ung-cua-my-va-con-duong-cho-viet-nam-d40210.html
Zalo