Khi yêu thương trở thành phương thuốc

Điều trị bệnh nhân vốn vất vả nhưng với người bệnh tâm thần càng đặc biệt hơn, bởi họ luôn trong tình trạng chống đối, thậm chí có ý định tự sát. Nhân viên y tế làm việc trong môi trường này giữ nghề bằng tình thương và vượt lên bằng bản lĩnh.

 BSCKI. Nguyễn Thị Mai Hiền khám cho người bệnh

BSCKI. Nguyễn Thị Mai Hiền khám cho người bệnh

Người khóc chăm kẻ cười

Bước vào các khoa điều trị nội trú Bệnh viện Tâm thần (BVTT) như bước vào không gian khác mà những người mới lần đầu tiếp xúc rất dễ hoang mang. Người tôi gặp đầu tiên là bà Hoàng T.L. chăm chồng là ông T.C.T., ngoài 50 tuổi ở Long Hồ (Q. Phú Xuân). Cả đời chăm chỉ theo ruộng vườn, bỗng một ngày ông T. lên cơn phá phách, nói nhảm. Biết chồng có vấn đề về thần kinh, thế nhưng hễ kêu đi khám là ông giở chứng, bất hợp tác. Bà L. bỏ công bỏ việc ở nhà canh chồng, sợ dại lỡ ông có chuyện chi. Rồi cả nhà vận động, thậm chí đánh lừa đưa ông đến BVTT. “Mấy ngày đầu vô đây căng thẳng lắm, tui đau tim theo chồng, có khi bất lực rơi nước mắt. Hễ thấy mở cửa là ông bỏ chạy, phải chạy theo kéo lại. Giờ ông đã biết nghe lời bác sĩ khuyên răn, tính tình thuần hơn nhiều. Thấy các bác sĩ điều dưỡng vất vả quá, một mình chồng tui đã mệt huống chi mấy chục người bệnh cứ ương ương, dở dở rứa”!

Đi chăm con trai đau, ông H.V. L., cha của anh H.V.P., 36 tuổi, ở Phong Sơn (Phong Điền) cho hay, tuy làm nông nghèo khó nhưng vợ chồng ông luôn tìm mọi cách chữa bệnh cho con. P. bị trầm cảm từ lâu, đợt dịch COVID-19, gia đình giam lỏng sợ lây nhiễm khiến tình trạng P. nghiêm trọng hơn. “Mỗi lần hắn lên cơn là bao nhiêu người xúm lại. Vô đây đêm hôm khuya khoắt, may có nhân viên BV túc trực, chăm lo. Có khi bận việc gia đình, tui gửi con cho y, bác sĩ chạy ù về nhà, xong rồi vô lại. Điều trị gần một tháng thì bệnh cháu thuyên giảm, đúng người đúng thuốc có khác”.

Phút giải trí của bệnh nhân nội trú và người nhà

Phút giải trí của bệnh nhân nội trú và người nhà

Ở BV này, bệnh nhân “nổi tiếng” nhất là ông N.A.T., ngoài 50 tuổi. Ở Khoa Nam 1, ông T. là người đô con, nặng hơn 80kg, lại có bệnh nền tim mạch, huyết áp. Mỗi lần ngấm thuốc an thần, 4-5 người phải theo phục vụ mới có thể đưa ông về giường bệnh. Đó cũng là lý do mà phần lớn hộ lý ở BV đều là nam, có sức khỏe tốt, thần kinh thép.

Sinh ra trong gia đình làm nghề y, ông T. phát bệnh từ khi đang ngồi trên giảng đường. Kết duyên và đồng hành điều trị 30 năm qua, bà N.T.H., vợ ông T. khiến nhiều người khâm phục. “Thời gian đầu bệnh bộc phát, phải nhờ anh em bên nội chung tay chăm lo. Nghĩa vợ chồng khiến tôi không thể rời xa anh được, bệnh tật là điều không ai muốn. Những khi ổn định, anh cư xử hiền lành, nhớ hết mọi chuyện trong gia đình. Giờ tôi không còn nước mắt để khóc, có lẽ nó đã lặn vào trong. Tôi dặn lòng phải suy nghĩ tích cực để giúp chồng chữa bệnh, tình yêu thương có lẽ lớn hơn hết thảy mọi thứ”, bà H. trải lòng.

BVTT từng tiếp đón rất nhiều trường hợp với triệu chứng, biểu hiện khác nhau. Có bạn trẻ là sinh viên năm thứ nhất đang phơi phới tuổi xuân, du học sinh phải trở về nước điều trị, cũng có người làm giảng viên, cán bộ quản lý. Người dân sống quanh khu vực này giờ không còn lạ lẫm với tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch và tiếng la hét, hát hò chợt vang lên lúc nào đó trong ngày. Cũng có khi họ thấy một người vắt vẻo trên cây, bên dưới là y bác sĩ xúm lại ngước lên trò chuyện, dỗ dành. Thế giới diễn ra trong 4 bức tường bệnh viện như những thước phim đầy hỷ, nộ, ái, ố.

Dặn lòng yêu thương

Kiểm tra sức khỏe cho người bệnh, BSCKI. Nguyễn Thị Mai Hiền, Trưởng khoa Điều trị Nam 1 bắt đầu câu hỏi thăm thân thiện với một chàng trai đến từ Quảng Trị: “P. ơi, hôm ni em còn đau không? Em có nhớ vì răng mình phải vào đây không?” “Dạ em là Nguyễn H.P. Đang làm công nhân cho một nhà máy thì em cảm thấy buồn chán, sau đó mất kiểm soát, tăng động và la hét. Hai năm qua, ba mẹ đưa em đi chữa bệnh nhiều nơi nhưng không đỡ. Giờ vào đây, em thấy ổn hơn rồi!”, tiếng trả lời nhỏ nhẹ khiến ai nấy đang trong tư thế “phòng thủ” chợt thở phào, nhẹ nhõm.

Không riêng anh P., bệnh nhân vào viện mỗi người một trạng thái khác nhau, người trầm cảm ít nói, người hát hò, la hét và kích động, có người lại muốn dỗ dành như đứa trẻ. Khi mắc căn bệnh này, họ trở thành người yếu thế, dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Cùng với việc quan tâm đến tình cảm của bệnh nhân, chăm sóc tận tâm, kỹ lưỡng, đội ngũ các bác sĩ còn lên kế hoạch điều trị lâu dài, kế hoạch ra viện, đảm bảo bệnh nhân không bị tái phát và hồi phục tốt nhất có thể. BS. Mai Hiền gắn bó với công việc này 16 năm qua, dù làm việc trong môi trường áp lực song lúc nào chị cũng dặn lòng phải mang theo tình yêu thương và sự quan tâm, bởi đó cũng là một phương thuốc góp phần điều trị hiệu quả. “Chúng tôi xem bệnh nhân như chính người thân để nhắc nhở mình hãy đối xử tốt nhất có thể”, BS. Hiền nói.

Vất vả là thế, song tình yêu nghề neo lại trong tâm trí họ kỷ niệm đẹp hơn là nỗi ám ảnh và lo âu. BS. Mai Hiền nhớ lại trong đợt dịch COVID-19, kíp trực 3 người của chị chăm người bệnh vừa rối loạn tâm thần, kích động, chống đối, vừa dương tính với COVID-19. Tưởng chừng bệnh nhân không thể qua khỏi nhưng sau 21 ngày nỗ lực, mọi thứ tốt dần lên. “Sự cải thiện của bệnh nhân là niềm vui của chúng tôi. Từ một người không kiểm soát được hành vi, cảm xúc đến khi ra viện, sức khỏe họ ổn định, có thể kiếm sống, vẫn nhớ đến cô bác sĩ, chú hộ lý thì xem như chúng tôi được đền đáp xứng đáng”, BS. Hiền chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Vân, Điều dưỡng trưởng Khoa Điều trị Nam 1 theo nghề hơn 10 năm. Đến với công việc này như một cơ duyên, càng làm chị càng thấy lựa chọn nghề nghiệp như một định mệnh. Nữ điều dưỡng này tâm sự, có nhiều thứ cho chị động lực làm việc. Đó là bất ngờ khi được bệnh nhân tặng thiệp tự làm dù hình ảnh, nét chữ ngô nghê. Hay đến nay, chị vẫn còn được cụ K., “cựu bệnh nhân” ngoài 80 tuổi đến từ Quảng Trị hỏi thăm sức khỏe. “Ông nhập viện nhiều lần, không có người nhà chăm sóc, sức khỏe kém. Ban đầu toàn nói linh tinh, không kiểm soát hành vi. Thấy thương cảm, mình chăm lo cho ông từ khâu ăn uống đến ngủ nghỉ. Giờ cứ vào tái khám nhận thuốc là ông tìm hỏi cô Vân”, chị kể.

Theo ThS.BS. Hồ Dũng, Giám đốc BVTT, số lượt khám bệnh ngoại trú năm 2024 tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Nhận thức xã hội về sức khỏe tâm thần tăng kéo theo nhu cầu điều trị tăng. Tâm thần là ngành đặc thù, do đó, nhân viên y tế ở Bệnh viện phải hiểu tính chất công việc để ứng xử phù hợp. Dù phải làm việc bằng trái tim và thần kinh thép, song, mọi người đều tự hào được đóng góp công sức của mình trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. “Đối với đồng nghiệp, chúng tôi nâng đỡ và hỗ trợ họ về mặt tâm lý, tình cảm; cân bằng giữa công việc và cuộc sống vì môi trường ở đây luôn căng thẳng. Ở vị trí quản lý, tôi thầm cảm ơn những đồng nghiệp của mình, mong họ chân cứng đá mềm để luôn bền bỉ, nhiệt tâm với công việc đã chọn”, BS. Hồ Dũng cho biết.

Linh Giang

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/y-te-suc-khoe/khi-yeu-thuong-tro-thanh-phuong-thuoc-152473.html
Zalo