Khi người trẻ chủ động tiếp cận lịch sử

Triển lãm tương tác kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) do Báo Nhân Dân tổ chức không chỉ là dịp để ôn lại những trang sử hào hùng, mà còn là cầu nối giữa lịch sử và thế hệ trẻ, thông qua hình thức thể hiện mới mẻ, gắn với công nghệ hiện đại. Từ phụ san đặc biệt đến mã QR tương tác, từ mô hình 3D đến những thước phim sống động - lịch sử không chỉ được kể lại, mà còn được sống cùng những người trẻ hôm nay.

Công nghệ trở thành cánh tay nối dài với ký ức

“Chúng em đến vì tò mò, nhưng rời đi với lòng đầy tự hào” - câu nói của Hoàng Thùy Linh (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng là tâm trạng chung của nhiều bạn trẻ có mặt tại triển lãm. Qua các nền tảng như Facebook, Threads hay Tiktok, họ biết đến phụ san đặc biệt “Chiến dịch Hồ Chí Minh” - ấn phẩm không chỉ dừng ở trang giấy mà còn mở rộng qua mã QR, dẫn tới các video, hình ảnh, hiệu ứng số hóa sinh động.

“Là những người trẻ yêu lịch sử, chúng em cảm thấy rất háo hức khi được hòa mình vào một không gian sự kiện ý nghĩa như thế này. Dù đang trong thời điểm cuối kỳ, điều kiện tài chính và thời gian không cho phép để trực tiếp vào Thành phố Hồ Chí Minh tham dự lễ diễu binh, nhưng việc đến đây cũng là một cách để chúng em bày tỏ tình cảm và sự hưởng ứng với ngày lễ trọng đại của dân tộc”, em Hoàng Thùy Linh bày tỏ.

Từ trải nghiệm thực tế tại triển lãm, nữ sinh báo chí này cho rằng: “Việc học lịch sử không nên chỉ dừng ở trang sách. Khi được tận mắt nhìn, trực tiếp cảm nhận, sự hứng thú sẽ lớn hơn nhiều. Triển lãm như thế này không chỉ góp phần giáo dục lòng yêu nước một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, mà còn là kênh truyền cảm hứng hữu hiệu tới cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ”.

Em Đào Quang Đức trải nghiệm quét mã QR trên phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Em Đào Quang Đức trải nghiệm quét mã QR trên phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Sinh viên Đào Quang Đức (năm thứ ba, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, không khí phấn khởi của ngày 30/4 đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là với thế hệ trẻ. “Chúng em cảm nhận rõ tinh thần yêu nước, sự quan tâm chân thành tới một ngày hội trọng đại của dân tộc”, Đức chia sẻ.

Biết đến triển lãm thông qua mạng xã hội và TikTok - những kênh tiếp cận quen thuộc với giới trẻ, Đức ấn tượng với cách Báo Nhân Dân ứng dụng công nghệ hiện đại vào phụ san đặc biệt: “Chỉ cần quét mã QR, chúng em không chỉ đọc báo in mà còn được trực tiếp tương tác với các nội dung lịch sử thông qua điện thoại. Đây là trải nghiệm rất mới mẻ, khiến lịch sử trở nên gần gũi, sống động và dễ tiếp cận hơn với người trẻ”.

Đức đặc biệt đánh giá cao các mô hình 3D, các tư liệu phục dựng và thước phim tư liệu trình chiếu tại không gian triển lãm. Theo em, đó là những hình thức thể hiện hiệu quả, giúp người trẻ hiểu sâu hơn về lịch sử, không còn tiếp cận một cách khô cứng qua sách vở.

“Hy vọng trong thời gian tới, Báo Nhân Dân sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều sự kiện, trải nghiệm quy mô và hấp dẫn hơn nữa, để thế hệ trẻ có thêm cơ hội đến gần hơn với lịch sử dân tộc bằng những phương thức hiện đại và sáng tạo”, Đức bày tỏ.

Em Nguyễn Ngọc Diễm chụp hình check-in tại Triển lãm tương tác. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Em Nguyễn Ngọc Diễm chụp hình check-in tại Triển lãm tương tác. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Sinh viên Nguyễn Ngọc Diễm (năm cuối, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, với tư cách một người trẻ quan tâm đến lịch sử, em đã chủ động tìm hiểu thông tin về triển lãm ngay khi biết sự kiện được tổ chức. “Việc kết nối giữa báo chí truyền thống và công nghệ hiện đại cho thấy Báo Nhân Dân đang chủ động đưa lịch sử đến gần với thế hệ trẻ, thay vì chờ giới trẻ tìm đến lịch sử”, Diễm nhận xét.

Theo Diễm, các yếu tố như nội dung trực quan, hiệu ứng hình ảnh, filter tương tác đã khiến phụ san trở nên gần gũi, mới mẻ và đầy sức hút. “Cách làm này không chỉ hiệu quả về mặt truyền thông mà còn mang tính giáo dục cao, khi người trẻ có thể chủ động tiếp cận, học hỏi và lan tỏa tình yêu lịch sử theo cách của riêng mình”, Diễm khẳng định.

Lịch sử sống động trong trái tim những người trẻ

Thầy giáo Hoàng Đức Mạnh cùng bạn tại Triển lãm tương tác của Báo Nhân Dân. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Thầy giáo Hoàng Đức Mạnh cùng bạn tại Triển lãm tương tác của Báo Nhân Dân. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Thầy giáo Hoàng Đức Mạnh (28 tuổi, giảng dạy bộ môn âm nhạc tại Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, sau khi tình cờ biết tới triển lãm qua Facebook, anh đã cùng bạn bè nhanh chóng đến tham quan. “May mắn là Báo Nhân Dân phát phụ san ở cả hai cổng nên tôi đã kịp nhận được một bản. Thiết kế rất đẹp, nội dung phong phú và mang nhiều giá trị lịch sử sâu sắc, đặc biệt là những tư liệu về Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 30/4/1975”, anh chia sẻ.

Dù không gian triển lãm không quá rộng, nhưng theo thầy Mạnh, cách sắp xếp khéo léo và sáng tạo của Ban tổ chức đã tái hiện lại dòng chảy lịch sử một cách sinh động và dễ tiếp cận. “Chúng tôi có thể chụp ảnh, lưu giữ kỷ niệm tại nhiều góc trưng bày khác nhau. Mỗi chi tiết đều thể hiện sự đầu tư và tâm huyết”, anh nhận xét.

Dưới góc độ của một người làm giáo dục, thầy Mạnh đánh giá cao giá trị lan tỏa của phụ san trong việc giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ. “Khi lịch sử không còn chỉ nằm trên trang sách mà được trình bày một cách trực quan, sinh động, học sinh sẽ dễ dàng tiếp cận hơn, từ đó hình thành sự trân trọng và tự hào về truyền thống của cha ông”, thầy Mạnh nhấn mạnh.

Các bạn trẻ chụp hình check-in tại triển lãm. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Các bạn trẻ chụp hình check-in tại triển lãm. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Chị Đỗ Trần Phương Nhi (26 tuổi, nhân viên tổ chức sự kiện) chia sẻ, dù không thể vào Thành phố Hồ Chí Minh tham dự Lễ diễu binh như mong muốn, nhưng ngay khi biết thông tin về triển lãm do Báo Nhân Dân tổ chức tại Hà Nội, chị đã nhanh chóng tới tham gia. “Không khí rạo rực của ngày 30/4 lan tỏa trên mạng xã hội khiến tôi càng thêm háo hức. Việc chọn đến triển lãm là cách để tôi góp phần hòa mình vào tinh thần chung của cả nước, dù ở xa điểm diễu binh”, chị nói.

Chị Nhi cho biết, đây không phải lần đầu tiên tiếp cận với ấn phẩm đặc biệt của Báo Nhân Dân. “Đợt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi cũng đã đến để nhận phụ san. Lần này, khi thấy sự kiện kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền nam, tôi tiếp tục đến để trải nghiệm và lưu giữ những thông tin quý giá”, chị chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Thu Thủy cùng phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Cô giáo Nguyễn Thu Thủy cùng phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Cô giáo trẻ Nguyễn Thu Thủy - hiện là giáo viên thực tập và Ủy viên Ban Thường vụ phường Trúc Bạch (Hà Nội) - chia sẻ, với tình yêu lịch sử từ lâu, mỗi dịp kỷ niệm trọng đại của dân tộc luôn gợi trong cô niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với những thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

“Chúng tôi ý thức rất rõ rằng, sự bình yên hôm nay là thành quả của biết bao mất mát, hy sinh trong quá khứ. Vì vậy, việc tri ân và nhắc nhớ công lao của thế hệ đi trước là trách nhiệm không chỉ của người lớn tuổi, mà còn là bổn phận của giới trẻ”, cô nói.

Nhận xét về triển lãm tương tác do Báo Nhân Dân tổ chức, cô Thủy cho rằng đây là một hoạt động thiết thực, đặc biệt ý nghĩa với những người trẻ yêu lịch sử và đang làm công tác Đoàn như cô. “Lâu nay, lịch sử thường chỉ đến với chúng ta qua sách vở. Nhưng khi được tận mắt chứng kiến những hình ảnh, mô hình, video tái hiện chân thực và sinh động, cảm xúc được đánh thức rõ rệt hơn nhiều. Triển lãm đã giúp tôi thêm hiểu, thêm yêu lịch sử dân tộc”, cô nói.

Cô Thủy cho rằng cần có thêm nhiều hoạt động tương tự, không chỉ nhân các dịp lễ lớn mà nên tổ chức thường xuyên. “Giới trẻ hôm nay thường chú trọng hội nhập nhưng chưa nghĩ nhiều tới gìn giữ bản sắc. Triển lãm như thế này sẽ là cầu nối để người trẻ được tiếp cận lịch sử một cách nhẹ nhàng, thuyết phục và sâu sắc. Đặc biệt, khi được truyền tải bởi một cơ quan báo chí chính thống như Báo Nhân Dân, chúng tôi càng thêm tin tưởng và yên tâm tiếp nhận”, cô khẳng định.

PHAN THẠCH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khi-nguoi-tre-chu-dong-tiep-can-lich-su-post875038.html
Zalo