Khi chiến lược chuyển hướng, hòa bình có thể thành hình

Sau nhiều năm căng thẳng, đe dọa và trừng phạt qua lại, Mỹ và Iran đã khởi động lại vòng đàm phán hạt nhân tại Thủ đô Muscat của Oman vào ngày 12/4. Dù diễn ra theo hình thức gián tiếp và còn nhiều dè dặt, đây vẫn là bước tiến đáng kể trong bối cảnh khu vực Trung Đông đứng trước nguy cơ bất ổn nghiêm trọng.

Quan trọng hơn, cuộc gặp này cho thấy cả Washington và Tehran đều đang tái hiệu chỉnh chiến lược: không còn đặt đối đầu làm trung tâm, mà bắt đầu cân nhắc con đường thương lượng như một giải pháp khả thi để kiểm soát rủi ro.

Truyền thông Iran đưa tin về cuộc gặp Mỹ và Iran. Ảnh: Reuters

Truyền thông Iran đưa tin về cuộc gặp Mỹ và Iran. Ảnh: Reuters

Tình hình khu vực trước đàm phán gần như rơi vào ngưỡng nguy hiểm. Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục cảnh báo sẽ không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực nếu Iran tiếp tục đẩy mạnh chương trình hạt nhân. Trong khi đó, châu Âu lo ngại rằng chỉ một sai lầm ngoại giao có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng mới. Nhưng khác với các lần trước, lần này, thay vì những tuyên bố cứng rắn hoặc phản đối vô điều kiện, cả hai bên đều có hành động thực tế: ngồi lại đàm phán, dù chỉ qua trung gian.

Việc chọn Oman làm nơi gặp mặt không phải ngẫu nhiên. Quốc gia vùng Vịnh này từng đóng vai trò then chốt trong việc kết nối các bên khi tiến tới thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Với uy tín ngoại giao và vị trí trung lập, Oman một lần nữa trở thành chiếc cầu nối cần thiết, đặc biệt khi phía Iran vẫn muốn giữ hình thức đàm phán gián tiếp để không làm tổn hại hình ảnh nội bộ. Phía Mỹ cử đặc phái viên Steve Witkoff dẫn đầu đoàn đàm phán, trong khi Iran giao cho Ngoại trưởng Abbas Araghchi phụ trách. Dù hai nhân vật này có nền tảng khác biệt - một bên là doanh nhân, một bên là nhà ngoại giao dày dạn - cả hai đều đại diện cho một điều chung: mong muốn tháo gỡ thế bế tắc bằng con đường chính trị.

Chướng ngại lớn nhất trên bàn đàm phán không phải là kỹ thuật hạt nhân, mà là niềm tin chính trị. Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran - hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Tehran tăng tốc làm giàu uranium và tái khẳng định quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích dân sự. Washington thì tăng cường trừng phạt, đặt Iran vào thế khó về kinh tế. Mối nghi kỵ lẫn nhau vì vậy càng sâu sắc. Tuy nhiên, lần này, cả hai bên đều hiểu rằng nếu không có tiến triển, tình hình sẽ trượt dài đến điểm không thể cứu vãn. Iran tuyên bố có thể rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) nếu bị dồn đến chân tường.

Còn Mỹ cũng không muốn bị cuốn vào thêm một cuộc đối đầu quân sự nữa trong khi đang cần tập trung vào chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc. Tehran đến bàn đàm phán với sự thận trọng. Họ không muốn bị xem là xuống nước, đặc biệt trong bối cảnh nội bộ đang có những tiếng nói chỉ trích bất kỳ sự mềm mỏng nào trước Washington. Nhưng đồng thời, Iran cũng phát đi thông điệp rằng họ sẵn sàng xem xét các cuộc thanh tra sâu rộng hơn nếu nhận được sự nhượng bộ tương xứng - như nới lỏng trừng phạt, hoặc giải phóng các khoản tài chính bị phong tỏa ở nước ngoài. Về phía Mỹ, yêu cầu Iran từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân là mục tiêu lâu dài, nhưng không còn là điều kiện tiên quyết tức thời. Điều Washington cần hiện nay là một cơ chế tạm thời đủ để kiểm soát rủi ro, ngăn Iran tiếp cận ngưỡng chế tạo vũ khí, và giữ cho cánh cửa đàm phán tiếp tục mở.

Giới phân tích cho rằng, cả Mỹ và Iran đều không bắt đầu lại từ con số 0. Hai thập kỷ đối đầu, sáu năm đàm phán, và một thỏa thuận lịch sử từng tồn tại cho thấy hai bên hiểu rõ "giới hạn đỏ" của nhau. Họ biết điều gì là có thể nhượng bộ, điều gì là không thể chạm tới. Điều còn thiếu là lòng tin - thứ tài sản chính trị khó tích lũy, dễ mất mát. Một ví dụ rõ ràng là việc Mỹ muốn mở rộng phạm vi đàm phán sang các vấn đề như chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, hay vai trò của Tehran đối với các lực lượng thân cận trong khu vực như Hezbollah hay Houthi. Đây là những đề tài mà Iran xem là "không thể thương lượng" vì liên quan đến chiến lược phòng thủ. Việc đưa những chủ đề này vào bàn đàm phán có thể khiến Tehran phản ứng mạnh, dẫn đến đình trệ tiến trình đang mong manh. Bài toán vì thế là giữ đàm phán ở một ngưỡng khả thi: không quá rộng để phá vỡ sự đồng thuận ban đầu, nhưng đủ thực chất để tạo lòng tin và duy trì đối thoại.

Điều đáng chú ý là dù còn bất đồng, cả Washington và Tehran đều có điểm chung quan trọng: không muốn chiến tranh. Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố không muốn nước Mỹ bị kéo vào thêm một cuộc chiến ở Trung Đông. Về phía Iran, họ cũng tuyên bố chỉ leo thang nếu bị tấn công trước. Chính điểm chung ấy là nền tảng tạo ra "cửa sổ chiến lược" hiện tại - thời điểm hiếm hoi mà cả hai bên cùng có lý do nội bộ để thúc đẩy đối thoại.

Với ông Trump, đây có thể là một chiến thắng ngoại giao cần thiết sau những thất bại trong hồ sơ Gaza và Ukraine. Với Iran, đây là cơ hội tháo gỡ một phần áp lực kinh tế mà không phải đánh đổi các lợi ích cốt lõi. Đáng lưu ý, các nhà đàm phán Iran lần này bao gồm những người từng tham gia ký kết JCPOA năm 2015. Họ có kinh nghiệm, hiểu rõ quy trình, và từng làm việc trực tiếp với các quan chức Mỹ dưới thời chính quyền Obama. Sự trở lại của họ cho thấy Tehran đang đặt cược vào một "mẫu hình đàm phán cũ" để giải quyết một vấn đề hiện tại - cách làm thực dụng nhưng hiệu quả.

Giới quan sát kỳ vọng rằng, thay vì đạt được một thỏa thuận toàn diện ngay, hai bên có thể tiến tới một bản khung tạm thời - đủ để kiểm soát làm giàu uranium, đồng thời nới một phần trừng phạt để Iran tiếp cận dòng tiền quốc tế. Điều này vừa giúp hạ nhiệt căng thẳng, vừa tạo thời gian cho các bên đàm phán sâu hơn về những chủ đề còn vướng mắc. Kịch bản này không phải không có tiền lệ. Thỏa thuận sơ bộ đạt được năm 2013 giữa Iran và nhóm P5+1 chính là tiền đề dẫn đến JCPOA năm 2015.

Theo hướng tiếp cận đó, một văn bản tạm thời tại Muscat - dù chưa thể giải quyết triệt để mọi khác biệt - vẫn có giá trị chiến lược vì duy trì cơ chế đối thoại và ngăn chặn leo thang. Tuy nhiên, nếu không có tiến triển nào trong vòng 2 tháng tới, Nhà Trắng có thể gia tăng sức ép bằng các biện pháp trừng phạt mới, kể cả với các đối tác thương mại lớn của Iran như Trung Quốc. Cùng lúc, châu Âu cảnh báo khả năng kích hoạt lại các lệnh cấm vận của Liên hợp quốc đã từng được dỡ bỏ. Với Tehran, đây là ranh giới cuối cùng, nơi họ đã úp mở khả năng rút khỏi NPT - một động thái có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn diện.

Cuộc đàm phán tại Muscat không phải là đòn bẩy tức thời để chấm dứt đối đầu. Nhưng nó mở ra một lối thoát, dù còn hẹp, cho hai quốc gia đã ở thế đối kháng trong suốt hơn 40 năm. Nếu được duy trì và khai thác đúng mức, nó có thể trở thành một chiếc cầu nhỏ giúp đôi bên vượt qua những hố sâu nghi kỵ, tiến đến những bước đầu tiên trên hành trình dài hướng tới hòa bình bền vững. Khi chiến lược chuyển hướng, chính trị cũng có thể mở đường cho những điều tưởng như bất khả. Và đôi khi, chỉ cần hai bên cùng chấp nhận nói chuyện, lịch sử đã bắt đầu thay đổi.

Khổng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/khi-chien-luoc-chuyen-huong-hoa-binh-co-the-thanh-hinh-i765063/
Zalo