Hòa đàm 'dậm chân tại chỗ', Nga chớp thời cơ giành thêm lợi thế trước Ukraine
Theo nhà báo Nick Paton Walsh của CNN, việc Nga gia tăng cường độ giao tranh gần đây, mới nhất là cuộc tấn công vào Sumy vào cuối tuần trước, có thể là một phần trong kế hoạch tìm kiếm thêm lợi thế trên bàn đàm phán tương lai với Ukraine.
“Người ta bảo rằng Nga đã phạm sai lầm” - đó là cách Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo kép của Nga nhằm vào thành phố Sumy ở miền Trung Ukraine cuối tuần trước. Trên thực tế, Điện Kremlin không có dấu hiệu cho thấy đang phạm bất kỳ sai phạm chiến lược nào tại thời điểm này, khi tiến trình hòa đàm với Ukraine do Washington làm trung gian hòa giải dường như đang “dậm chân tại chỗ”.
Nhà báo Nick Paton Walsh của CNN nhận định, cuộc tấn công vào Sumy - một mục tiêu biên giới chiến lược, không chỉ mang ý nghĩa quân sự mà còn là đòn giáng tâm lý rõ rệt vào ý chí kháng cự của Ukraine. Đó là một thông điệp gửi đến Kiev và toàn thể đồng minh của Ukraine: Moscow sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt được mục tiêu.

Đặc phái viên Nga về thương mại Kirill Dmitriev (trái) và Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff (phải). Ảnh: Reuters
Trong một tuyên bố gần đây, Tổng thống Putin thẳng thắn rằng muốn tạo ra một “vùng đệm” bên trong lãnh thổ Ukraine và Sumy, với vị trí chiến lược và giá trị biểu tượng của nó, đang trở thành mắt xích quan trọng trong kế hoạch đó.
Tuy nhiên, vụ tấn công cũng làm nổi bật sự bất lực ngày càng rõ ràng trong các nỗ lực ngoại giao do Nhà Trắng dẫn đầu. Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff – người vừa thực hiện chuyến công du tới St. Petersburg, được cho là đang nỗ lực duy trì các kênh đối thoại mở giữa các bên tham chiến, nhưng lại không phải tiếng nói quyết định cuối cùng. Trong khi đó, các cuộc họp kín tại Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tiếp diễn mà không mang lại nhiều đột phá rõ rệt.
Trên thực địa, thời gian đang không đứng về phía Ukraine. Tình báo quân sự cho biết Nga đang điều động tiếp viện dọc theo tiền tuyến, đặc biệt là ở phía nam Zaporizhzhia – nơi từng là điểm nóng phản công của Ukraine nhưng giờ đây trở nên “yên tĩnh kỳ lạ”. Theo các sĩ quan Ukraine, sự yên lặng ấy là điềm báo về một đợt tấn công mới, khi mùa khô gõ cửa vào tháng 5 tới. Lực lượng Kiev đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu đạn pháo nghiêm trọng trong vài tuần tiếp theo. Và mặc dù EU liên tục đưa ra cam kết tăng cường viện trợ cho Kiev, tốc độ chuyển giao vũ khí tới nước nay chưa bắt kịp tốc độ tiêu hao ngoài chiến trường.
Trong bối cảnh đó, ông Walsh nhận định, Nga tin rằng họ có thể tiếp tục làm chủ nhịp điệu xung đột, đặc biệt khi căng thẳng thương mại gia tăng sau khi Mỹ công bố chính sách thuế quan mới.
“Nga không muốn bất kỳ thỏa thuận nào trên đường ranh giới hiện tại, không muốn “đóng băng xung đột”, bởi giờ đây, lợi thế đang nghiêng về phía họ. Khi Washington dời sự chú ý sang vấn đề thuế quan và Kiev tìm cách lấy lại sự ủng hộ đang suy giảm từ Mỹ, Moscow có đủ lý do để tin rằng đây là thời điểm “vàng” để tim kiếm thêm lợi thế trên bàn đàm phán”, ông Walsh nhận định.
Không chấp nhận bị đẩy ra rìa tiến trình đàm phán, châu Âu đã lập tức hành động, với Anh và Pháp đang giữ vai trò tiên phong. Mục tiêu của khối này là tổ chức và triển khai một "lực lượng trấn an" tới Ukraine để giám sát quá trình ngừng bắn ngay khi hai bên tham chiến đạt được đồng thuận, nhằm nhằm đảm bảo hòa bình lâu dài cho Ukraine. Với Kiev, sự hiện diện của lực lượng này có thể là điều kiện tiên quyết để đặt bút ký vào bất kỳ văn bản hòa bình nào.
Tuy vậy, châu Âu có thể sẽ phải chùn chân trước thực tế rằng, họ sẽ phải hành động một mình ở Ukraine do Mỹ có nhiều khả năng sẽ không đưa ra bất kỳ hỗ trợ an ninh nào khi "lực lượng trấn an" được triển khai tới điểm xung đột. Trước đó, Moscow đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không được triển khai lực lượng đến Ukraine dưới bất kỳ hình thức nào, đặc biệt là lực lượng từ các quốc gia tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Tháng trước, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết sự hiện diện của lực lượng này ở Ukraine sẽ đồng nghĩa với một cuộc chiến trực tiếp giữa EU và Nga.
Nhưng sau càng nhiều vòng đàm phán, các điều khoản của hòa bình càng trở nên mơ hồ. Tới nay, Nga vẫn chưa chấp nhận nhượng bộ về một lệnh ngừng bắn, bất chấp những nỗ lực ngoại giao con thoi của phái đoàn chính quyền Trump với Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Ngày 12/4, Tổng thống Trump tiếp tục kêu gọi Kiev và Moscow "ngừng nói suông" về hòa bình và bắt đầu hành động, nhằm chấm dứt cuộc chiến mà ông cho là "vô nghĩa" và "đáng lẽ không bao giờ nên xảy ra".
Nga hiện vẫn chưa đưa ra phản hồi về lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ, trong bối cảnh chiến trường vẫn tiếp tục nóng lên với cường độ giao tranh gia tăng giữa hai bên tham chiến.
Chưa kể, các cuộc đàm phán giữa Washington và Kiev lại mở thêm nhiều hướng đi mới. Ukraine đang yêu cầu được tự sản xuất hệ thống phòng không, trong khi Mỹ đang để mắt đến quyền tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của nước này. Bản thảo cuối cùng mà giới truyền thông tiếp cận cho thấy Nhà Trắng có thể nắm ưu thế vượt trội về mặt thương mại nếu Ukraine đồng ý trở thành đối tác của Mỹ trong một thỏa thuận khoai khoáng tiềm năng. Điều này đã đặt ra câu hỏi: Liệu Ukraine sẽ sẵn sàng trả giá bao nhiêu để đạt được hòa bình lâu dài?