'Vòm vàng' của ông Trump và bài học từ hệ thống phòng không nhiều tầng tại Israel

Khi tên lửa đạn đạo do Iran thiết kế bay về phía miền Nam Israel vào ngày 9.11.2023, hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 của nước này đã lập cột mốc mới: lần đầu tiên một tên lửa thù địch bị đánh chặn ngoài bầu khí quyển Trái đất.

Cuộc tấn công được cho là từ lực lượng Houthi tại Yemen chỉ là một trong hàng chục nghìn vụ tấn công mà Israel phải đối mặt trong cuộc xung đột kéo dài với Hamas và các nhóm vũ trang thân Iran.

Trong bối cảnh đó, hệ thống phòng thủ đa tầng của Israel đang thu hút sự chú ý toàn cầu, đặc biệt là từ Mỹ - nơi Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy một phiên bản “Vòm sắt cho nước Mỹ”, được gọi là “Golden Dome” (Vòm vàng).

Hệ thống phòng thủ nhiều lớp

Theo Bloomberg, lá chắn phòng không của Israel không chỉ có Iron Dome - hệ thống nổi tiếng chuyên đánh chặn tên lửa tầm ngắn - mà còn bao gồm Arrow 3 (chuyên xử lý các mối đe dọa ngoài khí quyển) và David’s Sling (đối phó tên lửa tầm trung), tất cả được tích hợp trong một mạng lưới radar, cảm biến và chỉ huy thông minh. Một thành phần mới sắp được bổ sung là Iron Beam - vũ khí laser công suất cao, có khả năng bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa thô sơ với chi phí chỉ vài đô la mỗi phát.

Hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel - Ảnh: Bloomberg

Hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel - Ảnh: Bloomberg

Các hệ thống này đã chứng minh hiệu quả trong hàng loạt cuộc tấn công từ Gaza, Lebanon và thậm chí cả Iran, với số lượng tên lửa và máy bay không người lái lên đến hàng trăm trong vài phút. Mặc dù đôi lúc bị quá tải, nhưng khả năng đánh chặn chính xác và phản ứng nhanh đã giúp giảm đáng kể thương vong dân sự. Tỷ lệ thành công này vượt xa nhiều hệ thống phòng không truyền thống khác, như Patriot của Mỹ được sử dụng ở Ukraine.

Bài học cho Mỹ

Với diện tích nhỏ hơn bang New Jersey, Israel có lợi thế địa lý cho việc triển khai mạng lưới phòng thủ dày đặc. Đối thủ của Israel thường sử dụng vũ khí thô sơ hơn so với các cường quốc như Trung Quốc hay Nga - những quốc gia sở hữu tên lửa siêu thanh mang nhiều đầu đạn độc lập. Do đó, ý tưởng xây dựng một “Golden Dome” tại Mỹ vấp phải nhiều thách thức kỹ thuật lớn hơn.

Tuy nhiên, những gì Israel đã làm được - như tích hợp vũ khí năng lượng định hướng, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích thời gian đánh chặn, và ưu tiên chi phí thấp - hoàn toàn có thể truyền cảm hứng cho các chương trình phòng thủ tương lai của Mỹ.

Một ví dụ điển hình là Iron Beam. Với chi phí mỗi phát chỉ vài đô la, nó có thể làm thay đổi toàn bộ cục diện trong bối cảnh chiến tranh tiêu hao tên lửa đắt đỏ. Israel đã đầu tư hơn 270 triệu USD vào công nghệ laser trong ba thập niên, và hệ thống này đang chuẩn bị được triển khai thực tế. Đây sẽ là vũ khí đánh chặn laser đầu tiên trên thế giới được sử dụng ở quy mô lớn.

Những giới hạn và rủi ro

Dù tiên tiến, hệ thống phòng không của Israel vẫn có điểm yếu. Máy bay không người lái giá rẻ và các cuộc tấn công bão hòa có thể vượt qua các lớp phòng thủ. Trong thực tế, nhiều UAV vẫn lọt lưới và gây thiệt hại, trong đó có vụ tấn công vào tư dinh Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Một hệ thống phòng thủ tên lửa thuộc Iron Dome, ở miền Bắc Israel - Ảnh: Bloomberg

Một hệ thống phòng thủ tên lửa thuộc Iron Dome, ở miền Bắc Israel - Ảnh: Bloomberg

Một vấn đề khác là chi phí. Trong khi một tên lửa Tamir của Iron Dome có giá khoảng 50.000 USD, thì Arrow 3 có thể lên tới 3 triệu USD. Dù thấp hơn Patriot của Mỹ (3 - 6 triệu USD), nhưng vẫn là gánh nặng nếu phải chống lại hàng nghìn cuộc tấn công liên tục. Do đó, việc tích hợp laser là chiến lược lâu dài để giảm chi phí tác chiến.

Laser cũng có những hạn chế như hoạt động kém trong điều kiện nhiều mây, cần nguồn điện lớn và bị tán xạ ở khoảng cách xa. Tuy nhiên, Israel đã đạt được sự đột phá quang học giúp tập trung chính xác chùm tia chỉ trong vài mili giây, giúp mở rộng hiệu quả sử dụng trong thực tế.

Vũ khí hóa không gian và giấc mơ “Star Wars” mới

Khi ông Trump đề cập đến “Golden Dome” trước quốc hội Mỹ, ông khơi gợi lại chương trình phòng thủ "Chiến tranh giữa các vì sao" thời cựu tổng thống Ronald Reagan - kế hoạch triển khai vũ khí phòng thủ trên quỹ đạo để chặn tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Mỹ vẫn còn cách rất xa thực tế này.

Chi phí để xây dựng một hệ thống vệ tinh đánh chặn trong không gian có thể lên tới hàng trăm tỉ, thậm chí nghìn tỉ USD, theo giới chuyên gia. Dù chi phí phóng vệ tinh đã giảm nhờ các công ty như SpaceX, thì việc duy trì và bảo vệ các vệ tinh này vẫn là bài toán nan giải.

Việc vũ khí hóa không gian cũng làm dấy lên lo ngại quốc tế. Trong khi các hiệp ước kiểm soát vũ khí giữa Nga và Mỹ đang dần bị xóa bỏ, Trung Quốc và các quốc gia như Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên đều đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình.

Hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel cho thấy rằng một lá chắn hiệu quả là sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, khả năng phối hợp cao và chiến lược chi phí thông minh. Dù không hoàn hảo, nó vẫn là hình mẫu có thể tham khảo khi Mỹ muốn xây dựng một “Golden Dome” để ứng phó với các mối đe dọa hiện đại.

Tuy nhiên, để đạt được điều đó, Washington sẽ cần vượt qua không chỉ thách thức kỹ thuật mà cả những rào cản về ngân sách, chính sách quốc tế và địa chính trị toàn cầu. Như ông Reagan từng làm, Tổng thống Trump có thể đang sử dụng tầm nhìn về phòng thủ không gian như một công cụ để tạo đòn bẩy đàm phán trong cuộc chơi kiểm soát vũ khí với các cường quốc quân sự như Nga và Trung Quốc.

Dù động cơ là gì, bài học từ Israel vẫn rõ ràng: Không có lá chắn nào là bất khả xâm phạm - nhưng với chiến lược đúng đắn, có thể giảm thiểu đáng kể thiệt hại và nâng cao khả năng phòng thủ trước những mối đe dọa ngày càng tinh vi.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vom-vang-cua-ong-trump-va-bai-hoc-tu-he-thong-phong-khong-nhieu-tang-tai-israel-231578.html
Zalo