Khéo vận động hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn trong ngành giáo dục
Chia sẻ, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trong ngành, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kiên Lương (Kiên Giang) thực hiện mô hình 'Khéo vận động hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong ngành giáo dục huyện Kiên Lương giai đoạn 2021-2023'. Mô hình góp phần giúp giáo viên, người lao động vượt qua khó khăn; giúp học sinh nghèo vững bước đến trường.
Hiện trên địa bàn huyện Kiên Lương còn nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vừa học vừa làm phụ giúp gia đình để có điều kiện tiếp tục đến trường, nhất là học sinh ở các xã khó khăn, xã đảo hoặc theo cha mẹ đi làm ăn xa. Một số giáo viên có thu nhập bình quân hàng tháng dưới 6 triệu đồng, có con nhỏ, mắc bệnh hiểm nghèo…
Xuất phát từ thực tế trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kiên Lương triển khai thực hiện mô hình “Khéo vận động hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong ngành giáo dục huyện Kiên Lương giai đoạn 2021-2023”.
Mô hình phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong toàn ngành giáo dục của huyện. Mục tiêu của mô hình đặt ra là 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh hiểm nghèo được hỗ trợ kịp thời, góp phần vượt qua khó khăn tiếp tục học tập, công tác.
Trong quá trình triển khai mô hình, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tích cực chỉ đạo và tuyên truyền về công tác vận động hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong các cuộc họp chi bộ, cơ quan, các buổi sinh hoạt dưới cờ. Công tác vận động được mở rộng đến phụ huynh học sinh, các nhà hảo tâm với nhiều hình thức.
Cô Phan Thị Hồng Thắm - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở thị trấn Kiên Lương (Kiên Lương) cho biết: “Ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu phối hợp Công đoàn trường rà soát, nắm bắt hoàn cảnh gia đình của các giáo viên; chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu từng hoàn cảnh gia đình của học sinh để triển khai các hình thức vận động hỗ trợ phù hợp từng hoàn cảnh. Hàng năm, trường xây dựng kế hoạch vận động các nguồn tài trợ. Từ năm 2020 đến nay, 100% học sinh có hoàn cảnh khó khăn đều được hỗ trợ về bảo hiểm y tế và dụng cụ học tập”.
Từ năm 2021 đến nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kiên Lương phát động đóng góp hỗ trợ công chức, viên chức và học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 860 triệu đồng; hỗ trợ 4 học sinh và 3 giáo viên bị bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thầy Nguyễn Văn Chính - giáo viên đã nghỉ hưu của Trường Trung học cơ sở thị trấn Kiên Lương có hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại càng khó khăn khi thầy mắc bệnh hiểm nghèo. Từ tháng 9-2024, thầy Chính nghỉ hưu nhưng thường xuyên điều trị bệnh với chi phí cao. Hiểu được hoàn cảnh của thầy, ban giám hiệu và Công đoàn Trường Trung học cơ sở thị trấn Kiên Lương tích cực vận động các nguồn lực hỗ trợ, giúp thầy Chính có thêm điều kiện tiếp tục điều trị bệnh.
Thầy Chính nói: “Nhận được sự quan tâm, thăm hỏi và động viên từ ban giám hiệu, đồng nghiệp cùng số tiền hỗ trợ để tôi tiếp tục điều trị bệnh, đó là nguồn động viên quý giá đối với tôi và gia đình. Tôi biết ơn tấm lòng của các thầy cô, đồng nghiệp đã san sẻ và giúp đỡ tôi trong lúc gặp khó khăn và bệnh tật”.
Mô hình được phát động trong toàn ngành đã giúp giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật an tâm công tác, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục; giúp học sinh tiếp tục đến trường. Từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ học sinh đến trường trên địa bàn huyện luôn vượt chỉ tiêu đề ra.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện vận động công chức, viên chức trong ngành tham gia chương trình tiếp sức người thầy do ngành giáo dục và đào tạo tỉnh phát động; tổ chức phong trào tết sum vầy để hỗ trợ, tặng quà cho giáo viên và học sinh với tổng số tiền trên 330 triệu đồng. Từ năm 2021 đến nay, huyện vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp hơn 6 tỷ đồng để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kiên Lương Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết, mô hình đã xây dựng được cộng đồng trách nhiệm không chỉ trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh trong ngành mà còn lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, góp phần mở rộng các nguồn vận động trong xã hội. Mô hình phát huy hiệu quả, tạo điều kiện để các hoạt động giáo dục phát triển nhanh và chất lượng hơn.
"Mục tiêu của mô hình là xây dựng một môi trường đoàn kết, không có sự tự ti, môi trường giáo dục thân thiện, văn minh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ và ứng xử, đồng thời đổi mới phong cách làm việc, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết thêm.