Khen thưởng nhà khoa học cần giảm thủ tục hành chính, cơ chế xét minh bạch hơn

Bên cạnh chính sách tôn vinh, khen thưởng kịp thời, cần xây dựng đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, đóng vai trò dẫn dắt trong từng lĩnh vực trọng điểm.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Bộ Chính trị đặt ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhấn mạnh: "Mở rộng đa dạng các hình thức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng với các nhà khoa học, nhà sáng chế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; trân trọng từng phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc, dù là nhỏ nhất".

Các hình thức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng chưa tạo động lực mạnh mẽ

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Dương Văn Hào - Giám đốc phòng thí nghiệm, Trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Các hình thức khen thưởng phi vật chất, hỗ trợ tài chính cùng với chính sách khen thưởng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc ghi nhận những đóng góp của các cá nhân, tổ chức có thành tích khoa học tiêu biểu, xuất sắc.

Với cá nhân tôi, mỗi lần được nhận khen thưởng, dù giá trị lớn hay nhỏ cũng là sự động viên to lớn về nhiều mặt. Đó không chỉ là sự ghi nhận những nỗ lực đã qua, mà còn là nguồn tiếp sức, tiếp lửa cho tôi trong hành trình nghiên cứu khoa học phía trước, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững của quốc gia”.

Theo Tiến sĩ Dương Văn Hào, để đánh giá các cơ chế, chính sách và hình thức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng những người nghiên cứu trong lĩnh vực sáng tạo khoa học, công nghệ đã thực sự kịp thời, xứng đáng hay chưa, cần có một cái nhìn đa chiều, thấu đáo từ thực tiễn. Một số mặt có thể xét đến như:

Về mặt thời điểm, thủ tục xét duyệt giải thưởng đôi khi còn phức tạp và kéo dài, khiến việc khen thưởng chưa được triển khai kịp thời, nhất là đối với những thành tựu có tính thời sự cao.

Về tính xứng đáng, dù các giải thưởng đã có sự đánh giá khách quan, công bằng, song vẫn còn một số hạn chế trong việc phản ánh đầy đủ giá trị kinh tế - xã hội của các sản phẩm, công nghệ được tạo ra, đặc biệt là những sáng tạo mang tính đột phá nhưng chưa tạo ra lợi ích kinh tế ngay tức thì.

Về tính minh bạch, quá trình xét duyệt khen thưởng cần được công khai, minh bạch hơn nhằm tạo lập môi trường đánh giá khách quan, công bằng.

Về tính đa dạng, các hình thức khen thưởng hiện nay vẫn còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào những giải thưởng truyền thống, chưa đáp ứng được nhu cầu phong phú của các nhóm đối tượng trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Về tính hiệu quả, cơ chế khen thưởng hiện hành chưa thực sự tạo ra động lực mạnh mẽ, đặc biệt đối với các nhà khoa học trẻ và doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là những đối tượng rất cần được tiếp sức bằng cả hình thức tôn vinh lẫn các chính sách hỗ trợ cụ thể về tài chính và cơ chế phát triển lâu dài.

Bên cạnh đó, việc đánh giá còn phụ thuộc nhiều vào các chỉ số định lượng, trong khi chưa có sự phân loại rõ ràng giữa các thành tựu khoa học theo hướng nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng. Điều này phần nào làm giảm động lực của người nghiên cứu, đồng thời chưa đánh giá đúng mức giá trị của những công trình mang tính nền tảng hoặc có tiềm năng ứng dụng dài hạn.

 Tiến sĩ Dương Văn Hào (bên trái) - Giám đốc phòng thí nghiệm, Trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Dương Văn Hào (bên trái) - Giám đốc phòng thí nghiệm, Trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Theo Tiến sĩ Dương Văn Hào, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong việc tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các nhà khoa học, nhà sáng chế, các doanh nghiệp... Một số nguyên nhân chính có thể kể đến như:

Về cơ chế quản lý, vẫn thiếu tính linh hoạt và chưa theo kịp tốc độ phát triển của khoa học công nghệ. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong xây dựng và triển khai chính sách khen thưởng còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, nguồn lực dành cho hoạt động khen thưởng còn hạn chế, chưa đa dạng và chưa có cơ chế mở để huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa và ưu đãi.

Về nhận thức, một bộ phận nhà khoa học vẫn chỉ tập trung vào công việc nghiên cứu chuyên môn, chưa thực sự quan tâm hoặc tin tưởng vào các chính sách, cơ chế hiện hành. Đồng thời, họ cũng chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của đổi mới sáng tạo và vị trí của nhà khoa học, doanh nghiệp trong sự phát triển kinh tế – xã hội.

Trong khi đó, anh Đào Tấn Phát, được vinh danh nhà khoa học trẻ Việt Nam xuất sắc tại Hàn Quốc năm 2024, lĩnh vực Công nghệ sinh học chia sẻ: “Những năm gần đây, hệ thống khen thưởng, tôn vinh trong lĩnh vực khoa học và đổi mới sáng tạo đã có nhiều đổi mới từ cấp trung ương đến địa phương.

Nhiều giải thưởng tiêu biểu như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam hay các diễn đàn tôn vinh nhà sáng chế, doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng bằng sông Cửu Long... đã cho thấy sự quan tâm của nhà nước ngày càng rõ nét. Đây không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng từ phía nhà nước và xã hội, mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn, tiếp thêm động lực để đội ngũ trí thức tiếp tục cống hiến.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều thành tựu khoa học có giá trị lại chưa được vinh danh đúng lúc, đúng chỗ. Với tư cách là một nhà khoa học trẻ, tôi nhận thấy nhiều người trẻ tài năng, có sáng chế, công bố quốc tế, chuyển giao công nghệ địa phương... nhưng vẫn “vô danh” trong mắt cộng đồng. Nguyên nhân không chỉ nằm ở việc thiếu khen thưởng, mà còn ở sự thiếu hụt cơ chế phát hiện, tôn vinh và truyền thông kịp thời.

Bản thân tôi từng đã tham gia các cuộc thi khởi nghiệp khoa học công nghệ, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu và tham gia một số lớp ươm tạo khởi nghiệp, nhưng sau cuộc thi thì gần như bị quên lãng do thiếu hệ sinh thái hỗ trợ, thiếu cơ chế vinh danh tiếp nối. Chính điều này làm giảm động lực rất lớn cho những người làm khoa học ở tuyến đầu, đặc biệt là các nhóm nhà nghiên cứu trẻ, độc lập.

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là tư duy khen thưởng còn nặng tính hình thức và hành chính, trong khi khoa học thì lại vận hành bằng sự linh hoạt, sáng tạo và tính thời điểm.

Một số chính sách hiện nay vẫn quá chú trọng vào kết quả định lượng (bài báo, bằng sáng chế, doanh thu), mà ít ghi nhận quá trình nghiên cứu, tinh thần đổi mới hay tác động xã hội thực tế. Ví dụ như công trình chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp địa phương (một lĩnh vực tôi trực tiếp tham gia ở Tiền Giang, Bến Tre, Bình Phước…) thường mất nhiều thời gian triển khai, tác động lan tỏa về sau, nhưng rất khó đưa vào hồ sơ khen thưởng kiểu “ngắn hạn”.

Thêm vào đó, quy trình xét chọn đôi khi còn thiếu tính mở và sự đa ngành, dẫn đến việc các đề tài liên ngành (ví dụ hóa học – thực phẩm – môi trường) không được đánh giá đúng giá trị. Một phần nguyên nhân là thiếu kết nối giữa nhà khoa học – đơn vị truyền thông – cơ quan xét chọn, và chưa phát huy được vai trò của các hội đồng chuyên môn độc lập, năng động, hiểu thị trường.

Đặc biệt, ở cấp cơ sở, rất ít nơi chủ động đề cử gương mặt trẻ, dù họ có thành tích xứng đáng. Nhiều bạn trẻ giỏi nhưng lại thiếu người dẫn dắt, thiếu sân chơi, thiếu tiếng nói. Đây là lỗ hổng rất đáng suy ngẫm nếu chúng ta muốn nuôi dưỡng một thế hệ nhà khoa học kế thừa mạnh mẽ hơn”.

 Anh Đào Tấn Phát được vinh danh nhà khoa học trẻ Việt Nam xuất sắc tại Hàn Quốc năm 2024, lĩnh vực Công nghệ sinh học năm 2024 cùng một số giải thưởng khoa học công nghệ trong nước. Ảnh: NVCC

Anh Đào Tấn Phát được vinh danh nhà khoa học trẻ Việt Nam xuất sắc tại Hàn Quốc năm 2024, lĩnh vực Công nghệ sinh học năm 2024 cùng một số giải thưởng khoa học công nghệ trong nước. Ảnh: NVCC

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Lợi - Phó trưởng bộ môn Bản đồ - Viễn thám và Hệ thông tin địa lý, khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, việc tôn vinh, khen thưởng đối tượng có đóng góp cho phát triển khoa học, công nghệ nói riêng, cho xã hội nói chung là hết sức cần thiết.

Hiện nay, nước ta có nhiều hình thức khen thưởng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nổi bật là Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao cho các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu cơ bản xuất sắc, góp phần thúc đẩy khoa học và công nghệ của Việt Nam hội nhập và phát triển. Ngoài ra, các danh hiệu, huân chương và lễ tôn vinh trí thức tiêu biểu cũng được tổ chức định kỳ nhằm ghi nhận đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Tuy đã có nhiều hình thức khen thưởng, song cơ chế đãi ngộ và phát triển khoa học công nghệ hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Mức đãi ngộ vẫn chưa đủ tạo động lực để các nhà khoa học toàn tâm cống hiến. Dù phần lớn nhà khoa học coi trọng sự ghi nhận tinh thần hơn vật chất, nhưng để tiếp tục theo đuổi nghiên cứu, rất cần một cơ chế thông suốt, bao gồm đầu tư cho hạ tầng, thu hút nhân tài và phát triển thị trường khoa học công nghệ.

Bởi để tạo ra một sản phẩm khoa học có giá trị là cả quá trình dài đầy nỗ lực, đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì của cả một tập thể. Những gì công chúng nhìn thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Phía sau mỗi công bố khoa học là mồ hôi, công sức, thậm chí cả máu và nước mắt của các nhà nghiên cứu. Nếu không có đam mê cháy bỏng và khát khao cống hiến, rất nhiều nhà khoa học sẽ rời bỏ con đường này, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục vì cơ chế đãi ngộ còn nhiều bất cập, trong khi cuộc sống mưu sinh lại là áp lực thường trực.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Lợi cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chính sách khen thưởng tại nước ta hiện vẫn còn tồn tại nhiều thách thức là hạn chế trong nhận thức và vai trò lãnh đạo của một số cấp ủy, chính quyền. Phong trào thi đua ở nhiều bộ, ngành, địa phương chưa được duy trì liên tục, nội dung thiếu phong phú, công tác chỉ đạo, khen thưởng thiếu tính thường xuyên.

Bên cạnh đó, công tác phát hiện và bồi dưỡng nhân tố điển hình trong phong trào thi đua chưa được quan tâm đúng mức. Việc khen thưởng cho người lao động nói chung vẫn chưa kịp thời.

Ngoài ra, nội dung và phương pháp thi đua chưa được đổi mới, các hình thức khen thưởng còn dập khuôn, lặp lại, không phù hợp với yêu cầu và bối cảnh hiện nay. Cùng với đó là khó khăn về nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất, khiến nhiều hoạt động thi đua, khen thưởng gặp trở ngại khi ngân sách còn hạn hẹp.

Bên cạnh đó, năng lực của một số cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng còn hạn chế, trong khi hệ thống cơ sở pháp lý chưa thống nhất, đồng bộ.

Cần rút gọn thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế xét duyệt nhanh chóng, minh bạch

Để việc khen thưởng không chỉ dừng lại ở giải thưởng mà còn tạo động lực cho các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp, Tiến sĩ Dương Văn Hào đề xuất cần bổ sung những tiêu chí vào việc xét khen thưởng. Cụ thể:

Xây dựng tiêu chí đánh giá tiềm năng phát triển là yêu cầu cần thiết, nhằm lựa chọn chính xác các quy trình công nghệ, sản phẩm có giá trị. Các tiêu chí cần dựa trên mức độ đột phá, khả năng ứng dụng rộng rãi, tác động kinh tế – xã hội lâu dài, cũng như tính chất then chốt, trọng điểm của công nghệ lõi trong từng lĩnh vực.

Bên cạnh đó, cần xây dựng rõ ràng các tiêu chí đánh giá khả năng thương mại hóa và tác động xã hội của công nghệ, sản phẩm. Trong đó, tập trung vào khả năng chuyển giao, ứng dụng thực tiễn, tạo ra giá trị kinh tế, đồng thời xác định mức độ ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng và môi trường.

Cần xây dựng đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, đóng vai trò dẫn dắt trong từng lĩnh vực trọng điểm. Việc xác định và phát huy vai trò của họ không chỉ giúp định hướng phát triển chuyên môn mà còn tạo nền tảng để đào tạo, bồi dưỡng và nhân rộng thế hệ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực khoa học công nghệ quốc gia.

Song song với đó, hỗ trợ phát triển sự nghiệp cho người được khen thưởng cần được xem là bước tiếp nối thiết thực nhằm phát huy hiệu quả của công tác tôn vinh. Theo đó, cần cung cấp các nguồn lực hỗ trợ như tài chính, đào tạo, kết nối mạng lưới chuyên môn, hỗ trợ tiếp cận thị trường và cơ chế thông thoáng cho hoạt động khởi nghiệp từ các sản phẩm khoa học - công nghệ.

Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi về đất đai phục vụ sản xuất thực nghiệm, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp từ các sản phẩm nghiên cứu. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các sản phẩm chiến lược, công nghệ lõi, then chốt trong các chương trình trọng điểm quốc gia.

Với những nhà khoa học đã được vinh danh, cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để họ phát triển sự nghiệp, thông qua ưu tiên đầu tư cho môi trường nghiên cứu, cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng thí nghiệm hiện đại, bảo đảm duy trì và lan tỏa hiệu quả của các thành tựu khoa học.

Có thể khẳng định, để xây dựng một hệ thống khen thưởng hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, đội ngũ nhà khoa học, doanh nghiệp và toàn xã hội. Mục tiêu cao nhất là tạo dựng môi trường thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

 Tiến sĩ Dương Văn Hào và cộng sự thực hiện nghiên cứu. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Dương Văn Hào và cộng sự thực hiện nghiên cứu. Ảnh: NVCC

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Lợi cho rằng, để hình thức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với các nhà khoa học, nhà sáng chế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cần mở rộng, đa dạng hóa các hình thức khen thưởng.

Thứ nhất, ngoài các hình thức khen thưởng truyền thống như huân huy chương, bằng khen, cần có các hình thức khen thưởng hiện đại hơn như hỗ trợ tài chính, cung cấp cơ sở vật chất, hỗ trợ công bố quốc tế, hoặc tạo cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, cần áp dụng các hình thức khen thưởng đột xuất cho những thành tựu đột phá hoặc sáng kiến đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, khen thưởng theo chuyên đề như tổ chức các cuộc thi, giải thưởng chuyên đề về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tăng động lực cho những người nghiên cứu, sáng tạo trong lĩnh vực này. Chú trọng khen thưởng cho các dự án nghiên cứu có tính ứng dụng cao, giải quyết được các vấn đề thực tiễn của xã hội.

Thứ ba, tổ chức sự kiện tôn vinh như tổ chức các lễ hội, hội thảo khoa học để tôn vinh và công bố các thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức được vinh danh chia sẻ kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu của mình.

Thứ tư, tạo môi trường làm việc thân thiện gắn với cơ chế khen thưởng linh hoạt. Cơ quan quản lý cần có thêm những chính sách ưu tiên, khuyến khích, cung cấp trang thiết bị, phòng nghiên cứu hoặc chính sách đãi ngộ khác, phù hợp với tình hình tài chính và cơ sở vật chất của cơ quan, để nhà khoa học yên tâm công tác. Cán bộ quản lý cần thường xuyên động viên tinh thần, thấu hiểu, chia sẻ để các nhà khoa học muốn gắn bó và cống hiến với cơ quan.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Lợi - Phó trưởng bộ môn Bản đồ - Viễn thám và Hệ thông tin địa lý, khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Lợi - Phó trưởng bộ môn Bản đồ - Viễn thám và Hệ thông tin địa lý, khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh NVCC

Trong khi đó, nhà khoa học trẻ Đào Tấn Phát cho hay, để các hình thức tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tập thể liên quan đến sáng tạo khoa học, công nghệ một cách thực chất cần cân nhắc một số giải pháp như:

Tích hợp truyền thông vào công tác khen thưởng khoa học, thông qua những câu chuyện truyền cảm hứng từ hành trình nghiên cứu là cách hiệu quả để công chúng hiểu, ghi nhận và trân trọng các đóng góp khoa học. Có thể truyền tải qua các loại hình truyền thông như podcast, phim ngắn hay phóng sự,..

Ngoài ra, nên mở rộng giải thưởng địa phương để tôn vinh những sáng tạo phù hợp với bối cảnh thực tế trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nhà khoa học sau khi được vinh danh cần được trao quyền tiếp cận phòng thí nghiệm, đề tài ưu tiên, người hướng dẫn quốc tế… để tiếp tục phát triển nghiên cứu, sáng tạo.

Thực hiện khen thưởng cần kịp thời bằng cách rút gọn thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế xét duyệt nhanh chóng, minh bạch. Có thể áp dụng hình thức khen thưởng theo từng giai đoạn của dự án để kịp thời ghi nhận và khích lệ.

Cùng với đó, có thể thành lập Hội đồng khoa học trẻ – đa ngành – mở để các chuyên gia trẻ, startup công nghệ, giảng viên trẻ... được cùng đề xuất, đánh giá, giới thiệu các gương mặt tiêu biểu từ cơ sở.

Anh Đào Tấn Phát chia sẻ thêm: “Từ trải nghiệm học tiến sĩ tại Hàn Quốc, tôi nhận thấy một điểm đáng chú ý là sự ghi nhận thành tựu khoa học công nghệ không chỉ tập trung vào sản phẩm cuối cùng, mà còn đề cao cả quá trình học tập và nghiên cứu. Đây là điều tôi cho rằng rất nhân văn và hợp lý mà chúng ta có thể cân nhắc, xem xét. Mặt khác, các trường đại học tại đây thường tổ chức lễ vinh danh theo quý, theo nhóm nghiên cứu hoặc dự án, đồng thời lồng ghép khen thưởng với cơ hội nhận tài trợ cho các nghiên cứu tiếp theo”.

Hồng Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/khen-thuong-nha-khoa-hoc-can-giam-thu-tuc-hanh-chinh-co-che-xet-minh-bach-hon-post250679.gd
Zalo