Khát vọng vươn lên từ cây lúa qua Đề án '1 triệu ha lúa chất lượng cao'

Đã lâu rồi, người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long mới có niềm vui, phấn khởi như năm nay, khi đề án 'Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030' (Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao) được vụ đầu bội thu, vụ thứ hai đang thuận lợi… Nhiều nông dân trong vùng hào hứng được tham gia đề án, đồng nghĩa với việc niềm tin về sự 'giàu có' từ cây lúa ngày càng được củng cố hơn.

Cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại xã Long Đức, huyện Long Phú, Sóc Trăng. Ảnh Chúc Ly

Cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại xã Long Đức, huyện Long Phú, Sóc Trăng. Ảnh Chúc Ly

Vụ đầu bội thu, vụ hai thuận lợi

Lúa gạo Việt Nam không thua kém chất lượng so với bất cứ nước nào, tuy nhiên giá trị vẫn chưa được nâng cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đang ở mức phát thải 0,9%, tức là cao hơn các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan… Do vậy, việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ráo riết thực hiện và kết quả bước đầu rất phấn khởi.

Nhân rộng đề án sau kết quả thí điểm bước đầu

Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện Bộ NN&PTNN vẫn tiếp tục chỉ đạo thực hiện đề án; 12 tỉnh, thành đều đã xây dựng kế hoạch mở rộng mô hình. Song song với mô hình của bộ, ở mỗi huyện của các tỉnh, thành cũng thử nghiệm quy mô từ 30 - 50 ha hoặc nhiều hơn tùy theo năng lực mỗi tỉnh.

Đồng thời, các tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình đến năm 2025 sẽ đạt 180.000 - 200.000 ha. Hiện nay, các tỉnh đã đăng ký đầy đủ, định vị đầy đủ trên bản đồ và đánh giá được hệ thống hạ tầng (thủy lợi nội đồng, giao thông) để phục vụ sản xuất lúa đáp ứng yêu cầu của chương trình trong thời gian tới.

Từ ngày triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại các tỉnh vùng ĐBSCL, quan niệm người trồng lúa lấy công làm lời đã được thay bằng niềm tin mở ra hướng mới trong phát triển kinh tế là làm giàu từ cây lúa.

Điển hình tại Sóc Trăng, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được triển khai với quy mô 50 ha tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức huyện Long Phú bước đầu mang lại kết quả rất khả quan. Năng suất đạt từ 6,5 - 7 tấn/ha, sản lượng khoảng 325 tấn.

Ông Phạm Hoàng Trân (xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) là nông dân tham gia trồng lúa theo đề án cho biết, ông đang làm vụ thứ 2 theo mô hình trồng lúa này. Gia đình hiện có 2,6 ha giống lúa ST25. Khi tham gia trồng lúa theo đề án ở vụ trước, ông thu lợi nhuận khoảng 45 triệu đồng/ha, tăng khoảng 5 triệu đồng so cách làm cũ.

Ông Trương Văn Hùng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, thông tin: “Đây là vụ thứ hai, nông dân trong hợp tác xã tham gia thực hiện đề án. Các hộ này phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật canh tác từ khâu làm đất đến khi thu hoạch và sau thu hoạch. Ở vụ đầu do mới mẻ nên nông dân còn nhiều lo lắng. Nhưng vụ này mọi công việc đang rất thuận lợi.

Đánh giá về hiệu quả mô hình thí điểm, ông Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiệu quả ban đầu cho thấy quy trình canh tác giảm vật tư đầu vào theo đề án không ảnh hưởng đến năng suất lúa, mà còn giúp tăng lợi nhuận cho nông dân.

Vụ đông xuân 2024 - 2025, tỉnh Sóc Trăng triển khai thí điểm canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại 8 huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh, với 8 mô hình trình diễn diện tích 340 ha. Đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ có 38.500 ha và 76.000 ha vào năm 2030.

Thu nhập tăng cao, môi trường cải thiện

Không chỉ ở Sóc Trăng, tâm trạng phấn khởi là cảm xúc mà nhiều nông dân trồng lúa tại vùng ĐBSCL có được. Ông Mai Văn Đởm, nông dân tại xã Láng Biển, tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Trồng lúa nhàn hơn, lợi nhuận nhiều hơn, môi trường cũng trong lành hơn. Chưa nói đến hiệu quả kinh tế, chỉ cần môi trường cải thiện, con cháu sau này được sống trong lành là điều tốt." - ông Đởm nói về cách canh tác mới.

Phấn khởi với thành công vụ mùa đầu tiên của đề án, ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, đơn vị trực tiếp canh tác thí điểm, cho biết: "Trồng lúa giờ khỏe lắm. Máy làm mọi thứ, kể cả việc kiểm tra sâu bệnh, mực nước trong ruộng nên HTX không cần người trẻ, ông già bà cả đều làm được. Có thể những mùa vụ tới nông dân như tôi chẳng còn phải lội chân xuống ruộng nữa. Rất nhiều nông dân ngoài vùng thí điểm cũng thấy rõ hiệu quả, đã liên hệ muốn được tham gia cùng".

Ông cho biết thêm, ngày trước mỗi vụ cấy sẽ mất 10 ngày, nhưng nay có máy móc chỉ 2 ngày là xong hết. HTX tập hợp được đông thành viên, làm ra sản lượng nhiều, vì thế mà đàm phán được giá bán lúa với nhà máy, không sợ thương lái ép giá. Mùa vụ vừa rồi, tính ra mỗi kg lúa đầu tư hết 3.500 đồng, nhưng bán được đến 8.500 đồng.

Ngoài hiệu quả kinh tế - xã hội, ông Hùng cho biết với cách canh tác mới, sử dụng ít phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên môi trường đang được cải tạo, dần trở nên tốt hơn. Nông dân cũng có ý thức bảo vệ môi trường hơn ngày trước rất nhiều.

Phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký tham gia sản xuất

Khâu thu gom rơm rạ sau thu hoạch trong mô hình trồng lúa chất lượng cao giảm phát thải. Ảnh: Chúc Ly

Khâu thu gom rơm rạ sau thu hoạch trong mô hình trồng lúa chất lượng cao giảm phát thải. Ảnh: Chúc Ly

Tại Cà Mau, theo kế hoạch thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, trên địa bàn tỉnh hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp với diện tích khoảng 25.000 ha. Tại các vùng chuyên canh, ngành chức năng tổ chức hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững, nâng cao đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường.

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau, thực hiện đề án, đơn vị đang phối hợp với các địa phương có kế hoạch thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký tham gia sản xuất. Bước đầu mô hình nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nông dân.

Tổ chức sản xuất và mời doanh nghiệp liên kết

Tại Bạc Liêu, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, diện tích thực hiện theo đề án đạt 46.000 ha, triển khai tại 5 huyện, thị trọng điểm trồng lúa là Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai.

Giai đoạn 1, từ năm 2024 đến cuối 2025, tỉnh rà soát, chọn vùng tham gia thực hiện đề án, xây dựng kế hoạch đăng ký, triển khai thực hiện theo từng năm. Trong đó, tỉnh chú trọng hoàn thiện về quy hoạch và cơ sở hạ tầng, canh tác bền vững và tăng trưởng xanh, tổ chức sản xuất và mời doanh nghiệp tham gia liên kết. Giai đoạn 2, từ năm 2026 - 2030, tập trung vào các hoạt động mở rộng diện tích, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện ứng dụng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định.

Phan Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khat-vong-vuon-len-tu-cay-lua-qua-de-an-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-168845-168845.html
Zalo