Khát vọng vươn cao trên vùng đất nông thôn mới

Tỉnh Trà Vinh đón nhận danh hiệu tỉnh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM đúng dịp cả nước hân hoan mừng kỷ niệm 50 năm ngày hội thống nhất non sông. Đây là cột mốc có ý nghĩa đặc biệt, khẳng định sự trưởng thành mạnh mẽ sau 33 năm tái lập tỉnh (1992 - 2025), đồng thời ghi dấu thành quả từ sự đoàn kết, nỗ lực bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trà Vinh trong hành trình đưa vùng đất nghèo khó ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày nào vươn mình, trở thành tỉnh đầu tiên trong khu vực hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.

Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đón nhận quyết định công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM của Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đón nhận quyết định công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM của Thủ tướng Chính phủ.

Vùng nông thôn khởi sắc

Tỉnh Trà Vinh trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, từng sáp nhập và chia tách trong quá trình tổ chức đơn vị hành chính của đất nước. Đến tháng 5/1992, Trà Vinh được tái lập theo Nghị quyết của Quốc hội trên cơ sở chia tách tỉnh Cửu Long thành hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Đây là bước ngoặt quan trọng đưa Trà Vinh vào chặng đường phát triển mới; trong đó, trọng tâm là khôi phục kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường nhớ lại, khi mới tái lập, Trà Vinh là một trong những tỉnh nghèo nhất ĐBSCL, với gần 20% hộ đói, 40% hộ nghèo; điểm xuất phát về kinh tế- xã hội rất thấp và lạc hậu; kết cấu hạ tầng cả thành thị và nông thôn đều yếu kém… Bằng quyết tâm chính trị cao, sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, quân và dân, tỉnh Trà Vinh đã có nhiều bước phát triển vượt bậc.

Đến cuối năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh vươn lên dẫn đầu ĐBSCL, đạt 10,04%; GRDP bình quân đầu người đạt 94,36 triệu đồng/người/năm, tăng gần 130 lần so với năm 1992.

Trong hành trình kiến thiết tỉnh nhà, Trà Vinh xác định chương trình XDNTM là khâu đột phá trong chiến lược phát triển tam nông: nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Được khởi động vào năm 2010, chương trình nhanh chóng lan tỏa, tạo sức bật cho các địa phương vươn mình.

Với xuất phát điểm khá thấp, bình quân các xã chưa đạt đến 5 tiêu chí trong số 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới lúc bấy giờ; trong đó, có đến 24 xã, 52 ấp đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ; đường giao thông nông thôn được cứng hóa chỉ đạt bình quân khoảng 40% so với quy định, thấp nhất là đường trục chính nội đồng chỉ đạt tỷ lệ khoảng 25% và không có xã nào đạt tiêu chí này. Thủy lợi cơ bản chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu phục vụ sản xuất; 70% trường học các cấp chưa đảm bảo về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; cơ sở vật chất văn hóa còn thô sơ, các xã, ấp chưa có nhà văn hóa, khu thể thao. Cùng với đó là rất nhiều nhà tạm, dột nát; tỷ lệ hộ nghèo còn đến 23,63%; thu nhập bình quân đầu người chỉ 19,47 triệu đồng/người/năm.

Thế nhưng, với quyết tâm chính trị cao của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và đặc biệt là sự đồng hành, góp sức của các thành phần kinh tế và Nhân dân, Trà Vinh đã có bước chuyển mình ngoạn mục.

Đến nay, toàn tỉnh có 85/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 60 xã nông thôn mới nâng cao, 09 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 9/9 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 02 huyện Cầu Kè và Tiểu Cần đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tự hào hơn, Trà Vinh trở thành tỉnh thứ 6 cả nước và là tỉnh đầu tiên trong khu vực ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.

Chương trình XDNTM đã thay đổi toàn diện khu vực nông thôn của tỉnh. Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế được nâng cấp khang trang. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao; thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn tăng hơn 4 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh còn 0,87%.

Tuyến đường hoa ở huyện nông thôn mới nâng cao Cầu Kè.

Tuyến đường hoa ở huyện nông thôn mới nâng cao Cầu Kè.

Thành quả này là minh chứng sinh động cho chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước với các quyết sách sáng tạo, sát thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Cùng đó là sự sâu sát, chỉ đạo linh hoạt của các cấp chính quyền, và trên hết là sự đồng thuận, chung tay góp sức của người dân, những chủ thể trung tâm của tiến trình xây dựng nông thôn mới. Đây là bước chuyển căn bản, tạo bệ phóng vững chắc cho hành trình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trong giai đoạn mới.

Khát vọng vươn lên

Song song với công cuộc XDNTM, Trà Vinh tập trung nhiều giải pháp để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; trong đó, trọng tâm là khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế biển và ven biển; với quyết tâm đưa Trà Vinh trở thành trung tâm kinh tế biển, đồng thời là trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực ĐBSCL.

Với lợi thế về vị trí địa lý có 65km đường bờ biển, Trà Vinh sở hữu tiềm năng lớn để phát triển điện gió và điện mặt trời. Những năm gần đây, hàng loạt dự án năng lượng tái tạo đã được triển khai, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, tuần hoàn. Đặc biệt, việc phát triển năng lượng tái tạo góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; giảm lượng khí thải nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, tỉnh hiện có 5 dự án điện gió tổng công suất 322 MW và 1 dự án điện mặt trời công suất 140 MW đã đi vào vận hành thương mại, hòa vào lưới điện quốc gia. Các dự án này đã góp phần đưa mức tăng trưởng kinh tế tỉnh Trà Vinh (GRDP) năm 2024 đạt 10,04%; xếp thứ 8 trong cả nước và đứng đầu vùng ĐBSCL. Kết quả này là nhờ mức tăng trưởng khu vực II tăng cao, đặc biệt là ở lĩnh vực công nghiệp, nhóm công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng khá cao so với cùng kỳ.

Cùng với việc tận dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng tự nhiên sẵn có của địa phương, các dự án năng lượng tái tạo cũng thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, mở ra cơ hội phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn tạo việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt trong các công đoạn xây dựng, vận hành và bảo trì các nhà máy năng lượng tái tạo.

Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đang đẩy nhanh tiến độ thi công 04 dự án điện gió và 01 dự án điện sinh khối trên địa bàn; phấn đấu đưa vào vận hành trong năm nay. Đồng thời, tỉnh cũng vừa kêu gọi đầu tư 08 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất 464 MW; trong đó, 04 dự án ở huyện Duyên Hải và 04 dự án ở thị xã Duyên Hải.

Thành quả 33 năm tỉnh Trà Vinh đạt được là kết tinh của tinh thần đoàn kết toàn dân, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cùng tầm nhìn chiến lược của những người lãnh đạo "dám nghĩ, dám làm", linh hoạt sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Đó cũng là minh chứng sống động cho sức mạnh nội sinh của một địa phương từng nghèo khó, nhưng không ngừng vươn lên bằng khát vọng đổi thay và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: THANH HÒA

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/khat-vong-vuon-cao-tren-vung-dat-nong-thon-moi-45857.html
Zalo