Khẳng định vị thế trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh
Th.s Nguyễn Văn MinhGiám đốc Trung tâm KTTH - HNDN&GDTX tỉnh Lào Cai
Sự hình thành và phát triển của Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên tỉnh Lào Cai gắn liền với sự phát triển của ngành giáo dục và của địa phương sau khi tái lập tỉnh. Mặc dù, ở mỗi giai đoạn phát triển, phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên tỉnh Lào Cai khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực cho tỉnh.
Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên tỉnh Lào Cai là trường công lập, được thành lập ngày 25/12/1994 trên cơ sở gắn liền với sự hình thành và phát triển của Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên tỉnh Lào Cai và Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 1 thị xã Lào Cai. Tháng 1/2014, hai trung tâm được sáp nhập và giữ nguyên tên Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên tỉnh Lào Cai (gọi tắt là Trung tâm) cho đến nay.
Có thể nói, sự hình thành và phát triển của Trung tâm gắn liền với sự phát triển của ngành giáo dục và của địa phương sau khi tái lập tỉnh. Mặc dù, ở mỗi giai đoạn phát triển, phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Trung tâm khẳng định được vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực cho tỉnh.
Năm học đầu tiên (1994 - 1995) sau khi thành lập, Trung tâm phải nhờ cơ sở vật chất của Công ty Sách và Thiết bị trường học Lào Cai để tổ chức các hoạt động dạy và học. Năm học 1995 - 1996, Trung tâm được xây dựng 4 phòng học cấp 4 và một số gian nhà tạm. Bước qua những khó khăn, Trung tâm đã từng bước được tỉnh quan tâm đầu tư trang bị, hoàn thiện về cơ sở vật chất. Năm học 2013 - 2014, Trung tâm đã có đủ phòng học đáp ứng dạy học 1 ca, phòng học thí nghiệm, thư viện và phòng thực hành nghề phổ thông và nghề ngắn hạn. Đến thời điểm này, cơ sở vật chất của Trung tâm đã được đầu tư đồng bộ, khang trang, hiện đại, đáp ứng mọi nhu cầu học tập của Nhân dân. Hiện, Trung tâm đã có đủ phòng học với đầy đủ trang thiết bị hiện đại đáp ứng các hoạt động dạy học theo mô hình số hóa, các phòng thực hành nghề tiếp tục được đầu tư đầy đủ trang thiết bị phục vụ dạy nghề và nâng cao tay nghề cho người học.
Song song với đầu tư cơ sở vật chất, Trung tâm đã tập trung phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ. Khi mới thành lập (tháng 12/1994), Trung tâm chỉ có 8 người, gồm 2 cán bộ quản lý, 2 giáo viên, 4 nhân viên; 1 năm sau (tháng 12/1995), có thêm 3 giáo viên, nâng tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên lên 11 người.
Sau 30 năm thành lập, đến nay Trung tâm có 56 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; trong đó 12 thạc sĩ, 36 cử nhân, còn lại các vị trí khác đều đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.
Có 2 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia, 40% giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; hằng năm đều có từ 4-6 cán bộ, giáo viên được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 38 - 45 cán bộ, giáo viên, nhân viên được công nhận Lao động tiên tiến. Điều đáng nói, Trung tâm là một trong những đơn vị có số lượng, chất lượng đội ngũ tốt nhất khối giáo dục thường xuyên trong tỉnh.
Từ chỗ dạy bổ túc văn hóa, Trung tâm đã chủ động nghiên cứu, mở rộng loại hình đào tạo, phù hợp với xu thế phát triển và nhu cầu của xã hội. Hiện, Trung tâm đang tập trung triển khai nhiều loại hình đào tạo, gồm: Dạy văn hóa bậc trung học phổ thông; đào tạo nghề ở các bậc trung cấp (du lịch, nhà hàng, lễ tân, khách sạn, nấu ăn, hàn, điện, công nghệ ô tô) và bậc sơ cấp nghề, tổ chức hướng nghiệp cho học sinh và người lao động; liên kết đào tạo hệ vừa làm vừa học, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức dạy và thi chứng chỉ các loại hình của tin học, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung), tiếng dân tộc Mông và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài; tư vấn du học và quan hệ quốc tế; tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của người lao động.
Các loại hình đào tạo đã đi đúng, trúng nhu cầu của xã hội nên thu hút ngày càng đông người học. Điều này thể hiện ở chỗ, từ 50 học viên bổ túc văn hóa (năm học 1994 - 1995) đến năm 2024 là 126.561 người (trung bình mỗi năm đào tạo 6.000 học viên); từ 1 loại hình dạy bổ túc văn hóa thì sau 30 năm, Trung tâm đã có 6 loại hình đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có nhiều lĩnh vực mới, như tư vấn du học và quan hệ quốc tế, liên kết đào tạo các loại hình đào tạo từ xa, vừa làm vừa học (bậc đại học)… Trung tâm là đơn vị duy nhất trong tỉnh dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, là cơ sở giáo dục duy nhất trong tỉnh được cấp phép tổ chức hoạt động tư vấn du học; là cơ sở giáo dục duy nhất trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh.
Sau 30 năm (1994 -2024), Trung tâm đã thực hiện:
- Dạy văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT: 17.446 người.
- Đào tạo nghề ở các bậc sơ cấp, trung cấp, hướng nghiệp: 37.492 người.
- Liên kết đào tạo hệ vừa làm vừa học, từ xa: 25.453 người.
- Tổ chức dạy và thi chứng chỉ các loại hình của tin học, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung, Hàn, Nhật): 31.115 người.
- Dạy tiếng dân tộc Mông và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài: 3.044 người.
- Tư vấn du học: 503 người.
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của người lao động: 11.508 người.
Chất lượng đào tạo được Trung tâm đặt lên hàng đầu. Hằng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT cũng như số lượng học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp tỉnh của Trung tâm luôn đứng tốp đầu khối giáo dục thường xuyên. Đặc biệt, Trung tâm cũng là đơn vị duy nhất toàn quốc tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học và thực nghiệm có kết quả thông qua ứng dụng công nghệ mô trong sản xuất giống cây trồng và làm giống nấm tại chỗ phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân địa phương.
30 năm qua, các thế hệ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động đã nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng Trung tâm ngày càng phát triển, khẳng định được vị thế, vai trò trong giáo dục và đào tạo cũng như bồi dưỡng, mở rộng quan hệ quốc tế trong giáo dục, đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần xây dựng xã hội học tập, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.