'Măng non' Phú Bình với phong trào 'Nghìn việc tốt'
Phong trào 'Nghìn việc tốt' được Hội đồng Đội huyện Phú Bình chú trọng triển khai, gắn với phong trào 'Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy'.
Chúng tôi được chứng kiến những hình ảnh cảm động của đôi bạn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh lớp 6B, khi đến Trường THCS Đào Xá. Cuối tiết 5, tiếng trống tan trường vừa dứt, các bạn cùng lớp ai nấy đều háo hức ào ra bên ngoài chuẩn bị về nhà thì Minh Châu lại nhanh nhẹn di chuyển đến chỗ ngồi của Quỳnh Anh, giúp bạn thu dọn sách vở. Xong xuôi, cô bé ngồi xổm xuống nền gạch, đưa lưng về phía Quỳnh Anh rồi vừa vỗ vào vai mình vừa nhẹ nhàng nói: Cậu lên lưng đi, tớ cõng!
Minh Châu nhìn nhỏ hơn so với các bạn cùng trang lứa. Khi cõng bạn, cô bé phải bám tay vào bàn để lấy đà đứng dậy. Phía ngoài sân trường, chúng tôi thấy bà nội của Quỳnh Anh là bà Nguyễn Thị Chinh, ở xóm Đoàn Kết, xã Đào Xá, đã giữ chiếc xe đạp chờ sẵn để đỡ cháu lên xe.
Trước khi đưa Quỳnh Anh về, bà Chinh kể lại câu chuyện của em với chúng tôi: Quỳnh Anh bị mắc căn bệnh bại não bẩm sinh, em lớn lên với cơ thể gầy gò, đôi chân bị dị tật. Lên 7 tuổi, Quỳnh Anh mới bắt đầu biết đứng và tập đi nhưng do bàn chân không phát triển như những người bình thường nên chỉ đi vài bước là em bị ngã. Những năm sau đó, đôi chân của Quỳnh Anh ngày càng yếu đi, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người hỗ trợ.
Tình bạn giữa Minh Châu và Quỳnh Anh bắt đầu cách đây hơn 2 năm, khi Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Đào Xá chuyển Quỳnh Anh từ lớp 4A sang học ở lớp 4C, cùng lớp với Minh Châu. Thấy bạn bị khuyết tật, Minh Châu không chỉ xung phong cõng bạn mà còn thường xuyên động viên, trò chuyện với Quỳnh Anh.
Mặc dù Nhà trường đã ưu tiên cho người thân của Quỳnh Anh được phép dắt xe đạp chở em đi qua sân trường để đưa Quỳnh Anh vào lớp học; cô giáo chủ nhiệm cũng thường xuyên quan tâm, phân công các bạn cùng với Minh Châu giúp đỡ Quỳnh Anh nhưng Minh Châu vẫn luôn chủ động đi học từ sớm, chờ ở sân trường để đón bạn vào lớp.
Đến giờ tan học, Minh Châu lại cõng bạn khỏi lớp hoặc ra ghế đá trước cổng trường cùng bạn ngồi chờ người nhà đến đón. Lên lớp 6, hai bạn lại may mắn được học cùng lớp với nhau nên Minh Châu tiếp tục giúp đỡ Quỳnh Anh.
Minh Châu cho biết: Em rất thương và quý bạn Quỳnh Anh, dù bạn bị khuyết tật nhưng bạn đã cố gắng đến trường học tập. Vì thế, em tự nguyện cõng bạn và cảm thấy rất vui khi được giúp đỡ những khi Quỳnh Anh cần.
Một ngày cuối tháng 10, trên đường đi học về, em Trần Ngọc Mai, học sinh lớp 6A, Trường THCS Tân Kim, phát hiện tại đoạn đường gần cổng trường có một túi bóng, bên trong đựng 1 ví dài màu đen của ai đó đánh rơi. Khi mở ví ra, Mai thấy rất nhiều tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng, các loại giấy tờ cá nhân và một chiếc điện thoại di động.
Ngọc Mai chia sẻ: Lúc thấy trong ví có nhiều tiền, em nghĩ người đánh rơi sẽ rất lo lắng. Vì thế em đã quay lại trường ngay và nhờ cô Tổng phụ trách tìm cách trả lại người bị mất.
Cô giáo Tổng phụ trách và em Mai cùng một số cô giáo khác kiểm tra tài sản bên trong chiếc ví thì thấy có 9,7 triệu đồng tiền mặt, một chiếc điện thoại iphone, nhiều giấy tờ mang tên N.T.H, trú ở xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ. Trường THCS Tân Kim đã thông báo lên các trang mạng xã hội và phát trên loa truyền thanh của Trường để tìm người đánh rơi.
Khoảng 1 tiếng sau thì có một phụ nữ đến xin nhận lại tài sản. Qua xác minh, người đến xin nhận lại chiếc ví đã mô tả và cung cấp đầy đủ các thông tin trùng khớp với số tài sản em Mai nhặt được, nên Nhà trường đã trao trả lại toàn bộ tài sản cho chị H.
Ban Giám hiệu Nhà trường và Liên đội đã tuyên dương hành động đẹp của em Mai ngay trong giờ chào cờ đầu tuần kế tiếp...
Mới đây, em Vũ Thị Minh Hòa, học sinh lớp 6A4, Trường THCS thị trấn Hương Sơn, cũng được Nhà trường tuyên dương về hành động “Nhặt được của rơi, trả lại người mất”. Theo lời kể của em, trong một lần lên thư viện của Trường để mượn sách đọc, Minh Hòa nhìn thấy trong cuốn sách em mượn có một tờ 500.000 đồng kẹp vào giữa các trang sách.
Ngay sau đó, em đã thông báo với cô giáo chủ nhiệm để tìm chủ nhân tờ tiền trên. Sau khi tiếp nhận thông tin, tài sản nhặt được từ em Hòa, Trường THCS Thị trấn Hương Sơn đã dùng nhiều cách để tìm ra đúng chủ nhân và trao trả số tiền này cho người bị mất.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều tấm gương sáng của học sinh Phú Bình về hành động “Nhặt được của rơi, trả lại người mất" . Để lan tỏa những hành động đẹp ấy, các nhà trường đều kịp thời biểu dương học sinh có việc làm tốt và có những cách làm thiết thực để khuyến khích các em, như: Tổ chức tuyên dương trước toàn trường vào tiết chào cờ đầu tuần; viết bài tuyên truyền về gương người tốt việc tốt để phát trong các bản tin phát thanh của nhà trường; cộng điểm thi đua cho những lớp có học sinh làm được việc tốt...
Bên cạnh đó, nhiều trường còn xây dựng và duy trì góc tuyên dương để lưu lại những hình ảnh khi nhà trường tổ chức tuyên dương học sinh. Điển hình như Trường THCS Xuân Phương, Trường THCS thị trấn Hương Sơn...
Thời gian qua, hưởng ứng phong trào “Nghìn việc tốt”, tổ chức đoàn, đội các cấp huyện Phú Bình đã sáng tạo, nỗ lực xây dựng nhiều chương trình, hoạt động sôi nổi để thiếu nhi hăng hái thi đua trong học tập, rèn luyện, làm nhiều việc tốt. Điển hình như các phong trào: gây quỹ “Kế hoạch nhỏ”, nuôi heo đất gây quỹ giúp bạn nghèo; đôi bạn cùng tiến...
Phần lớn những phong trào thi đua đều được các em tích cực hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, gần gũi, gắn với thực tế hàng ngày của các em. Qua đó tạo môi trường để thiếu nhi huyện Phú Bình cùng nhau thi đua học tập tốt, rèn luyện chăm và tích cực làm những việc có ích mỗi ngày.
Cùng với việc triển khai hiệu quả phong trào “Nghìn việc tốt”, liên đội các cấp huyện Phú Bình còn gắn với phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”, nhằm đưa các phong trào thi đua ngày càng nở rộ, tạo sức lan tỏa đến nhiều thiếu niên, nhi đồng của huyện.
Để các phong trào đi vào chiều sâu, các cán bộ phụ trách Đội còn thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt khoa học, sinh hoạt chuyên đề; thảo luận, đi sâu phân tích những điều Bác Hồ dạy... từ đó vận dụng vào việc giáo dục, tổ chức hoạt động cho thiếu niên, nhi đồng một cách phù hợp, giúp các em ngày càng hiểu rõ lời dạy của Bác để làm theo bằng những hành động, việc làm cụ thể.
Điển hình như để tạo môi trường cho thiếu nhi thực hiện lời dạy “Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt”, 100% liên đội của huyện Phú Bình đã triển khai có hiệu quả phong trào “Đôi bạn cùng tiến”, “Bạn giúp bạn”... để các em giúp đỡ nhau trong học tập và cùng nhau tiến bộ.
Trong năm học 2023-2024, toàn huyện có 164 thiếu niên chậm tiến trở lên tiến bộ; 100% liên đội tổ chức tốt các buổi sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường” nhằm tạo môi trường văn hóa trong trường học.
Hay như để tạo môi trường cho thiếu nhi thực hiện lời dạy “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”, Hội đồng Đội huyện đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động định hướng cho thiếu nhi rèn luyện, thực hành với phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn”; bồi đắp cho thiếu nhi đức tính khiêm tốn, lễ phép trong giao tiếp, ứng xử và trong đời sống hàng ngày...
Để phong trào “Nghìn việc tốt” được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, đoàn thanh niên, hội đồng đội các cấp huyện Phú Bình sẽ tiếp tục triển khai tốt các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với từng độ tuổi của thanh, thiếu nhi.
Đồng thời tạo môi trường để các em phát triển, hình thành nhân cách tốt, nhân lên nhiều hơn nữa những việc làm tử tế và những hành động đẹp. Từ đó góp phần thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.