Trường Đại học Giáo dục: 25 năm hành trình kiến tạo tương lai

Sáng 15/11, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội đã long trọng tổ chức buổi lễ kỷ niệm 25 truyền thống.

Tham dự buổi lễ về phía khách mời có: bà Lưu Bích Ngọc - Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; đại diện Cục Nhà trường (Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam); lãnh đạo Cục Đào tạo (Bộ Công an), lãnh đạo một số Sở Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo 1 số Cục, Vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo....

 Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: NTCC

Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: NTCC

Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội có: PGS.TS. Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; GS. Viện sĩ Đào Trọng Thi - nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS Mai Trọng Nhuận - Chủ tịch Hội đồng đảm bảo chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS Phùng Xuân Nhạ - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; cùng các đại biểu là cán bộ, nguyên cán bộ của Đại học Quốc gia Hà Nội...

Về phía Trường Đại học Giáo dục có: GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS Nguyễn Thị Hương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; GS.TS.NGND Nguyễn Thị Mỹ Lộc - nguyên Hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Giáo dục cùng toàn thể thầy cô tập thể lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo khoa, phòng chức năng và đại diện người học và cựu người học.

Ngoài ra buổi lễ cũng có sự hiện diện của lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục phổ thông, các tổ chức giáo dục, đại diện các đơn vị đối tác của nhà trường.

 GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng nhà trường điểm lại hành trình 25 năm phát triển của nhà trường. Ảnh: NTCC

GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng nhà trường điểm lại hành trình 25 năm phát triển của nhà trường. Ảnh: NTCC

Mở đầu buổi lễ, GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục đã điểm lại hành trình 25 kiến tạo và phát triển của nhà trường.

Ngày 21/12/1999, Khoa Sư phạm (tiền thân của Trường Đại học Giáo dục) chính thức được thành lập theo Quyết định số 1481/TCCB của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Việc thành lập Khoa Sư phạm thể hiện tầm nhìn xa rộng của các nhà lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội. Sự kiện đánh dấu sự ra đời một mô hình đào tạo giáo viên mới trong hệ thống giáo dục Việt Nam - mô hình đào tạo mở hướng tới sự liên thông, liên kết trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Lần đầu ở Việt Nam mô hình đào tạo giáo viên phổ thông theo mô hình nối tiếp - đan xen 3+1 trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực như Đại học Quốc gia Hà Nội. Mô hình đã được thể nghiệm trong giai đoạn 2000 - 2005 tại Khoa Sư phạm. Sang đến giai đoạn 2006 – 2012, công tác đào tạo giáo viên THPT được tổ chức theo mô hình kế tiếp 3+1 và 4+1.

Để ghi nhận và phát triển mô hình đào tạo tiên tiến, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 441/QĐ-TTg, ngày 03 tháng 4 năm 2009 thành lập Trường Đại học Giáo dục trên cơ sở Khoa Sư phạm. Trường Đại học Giáo dục đã trở thành thành viên thứ 6 trong ngôi nhà chung Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngay từ khi thành lập, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xác định, Khoa Sư phạm và Trường Đại học Giáo dục sau này phải tạo nên sự khác biệt. Đó là sự khác biệt trong triết lý giáo dục để đào tạo nên những người thầy, những nhà giáo dục trong thế kỷ mới. Chính tên gọi của Trường Đại học Giáo dục đã phản ánh triết lý đào tạo của nhà trường.

Điểm lại những thành tựu nổi bật trong 25 năm qua, Hiệu trưởng nhà trường tự hào nêu: "Trường thu hút mạnh mẽ các nhà khoa học có trình độ tiến sĩ, chức danh giáo sư và phó giáo sư về Trường giảng dạy và nghiên cứu. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là khoảng 84%, giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư là khoảng 30%. Tỷ lệ này là rất cao trong các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Về cơ sở vật chất, Đại học Quốc gia Hà Nội tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho khối đại học và trung học phổ thông, trong đó có các phòng thí nghiệm, phòng Lab công nghệ giáo dục hiện đại, đáp ứng yêu cầu hiện đại học chương trình đào tạo.

Trường Đại học Giáo dục là đơn vị tiên phong đào tạo các lĩnh vực mới trong khoa học giáo dục như: Quản trị trường học, Quản trị chất lượng, Tham vấn học đường, Công nghệ Giáo dục… Đặc biệt, Trường Đại học Giáo dục là đơn vị đầu tiên của cả nước đào tạo giáo viên dạy học các môn tích hợp cho bậc trung học cơ sở gồm Sư phạm Lịch sử & Địa lý, Sư phạm Khoa học Tự nhiên.

Tổng số sinh viên, học viên của trường khoảng 10.000 người. Trong những năm qua, trường đã đào tạo chuyên môn cho khoảng 100.000 giáo viên. Bên cạnh đó, trường đã có những đóng góp quan trọng với xã hội. Đội ngũ chuyên gia của nhà trường đã tham gia tư vấn chính sách, tham gia xây dựng nhiều văn bản pháp luật quan trọng, như Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, Luật Giáo dục sửa đổi, Luật Nhà giáo, các Nghị định, Thông tư trong lĩnh vực giáo dục, tham gia xây dựng phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025... Các dự án giáo dục vì cộng đồng đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo Việt Nam".

Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Giáo dục có nhiều khởi sắc với số lượng bài báo khoa học quốc tế ngày càng tăng. Diễn đàn Hà Nội về Khoa học sư phạm và giáo dục (HaFPES) được tổ chức thường niên và đã trở thành thương hiệu của nhà trường thu hút nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Trong Bảng xếp hạng QS thế giới theo lĩnh vực năm 2023 (QS WUR by subject 2023), ĐHQGHN tiếp tục duy trì vị thế tại các lĩnh vực mũi nhọn, trong đó, nhóm lĩnh vực giáo dục nằm trong nhóm 401-500 thế giới ngay trong lần đầu tiên tham gia xếp hạng. Trường Đại học Giáo dục tự hào đóng vai trò nòng cốt, góp phần nâng cao vị thế và danh tiếng của Đại học Quốc gia Hà Nội trong nhóm lĩnh vực giáo dục trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Có được các kết quả ấn tượng trên, GS.TS Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh, đó là sự đóng góp của khoa, ngành, cán bộ, giảng viên nhân viên nhà trường, của nguyên lãnh đạo nhà trường các thế hệ trong suốt 25 năm qua.

 PGS.TS. Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu.

PGS.TS. Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu.

Cũng tại buổi lễ, PGS.TS. Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá và ghi nhận những thành quả và đóng góp của Trường Đại học Giáo dục qua 25 hình thành, phát triển và không ngừng đổi mới. Nhà trường đã trở thành một thương hiệu và niềm tự hào của các thế hệ người học, của Đại học Quốc gia Hà Nội.

"Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự bùng nổ của công nghệ số và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, giáo dục đang đứng trước các cơ hội lớn chưa từng có. Tuy nhiên, đi kèm đó là rất nhiều thách thức, đòi hỏi chúng ta phải linh hoạt thích ứng, nắm bắt công nghệ sáng tạo và hiệu quả. Những thách thức này đòi hỏi Trường Đại học Giáo dục cần hướng đi mới nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Trường Đại học Giáo dục được xác định là một cơ sở giáo dục đào tạo sư phạm chủ chốt. Điều này đặt ra trách nhiệm lớn với trường trong việc đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh phát triển của công nghệ nhằm góp phần xây dựng nguồn nhân lực cao cho đất nước. Để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, tôi hy vọng và tin tưởng tập thể lãnh đạo nhà trường, cùng với tất cả thầy cô sẽ tiếp tục đoàn kết, đồng lòng nhất quán trong hành động, kỷ cương trong quản lý để kiến tạo tương lai", PGS. TS Phạm Bảo Sơn nêu.

 Lãnh đạo nhà trường tri ân lãnh đạo, cựu giáo chức. Ảnh: NTCC

Lãnh đạo nhà trường tri ân lãnh đạo, cựu giáo chức. Ảnh: NTCC

Tại buổi lễ, nhà trường đã tri ân các thế hệ nguyên là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và nguyên lãnh đạo Trường Đại học Giáo dục; đại diện các tổ chức, cá nhân đối tác đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của nhà trường.

 PGS.TS. Lê Ngọc Quỳnh Lam – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trao chứng nhận kiểm định cho 5 chương trình đào tạo trình độ đại học của Trường Đại học Giáo dục. Ảnh: NTCC

PGS.TS. Lê Ngọc Quỳnh Lam – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trao chứng nhận kiểm định cho 5 chương trình đào tạo trình độ đại học của Trường Đại học Giáo dục. Ảnh: NTCC

Tại buổi lễ, PGS.TS. Lê Ngọc Quỳnh Lam – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã trao Giấy Chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của 05 chương trình đào tạo trình độ đại học của nhà trường, bao gồm các ngành: Quản trị trường học; Quản trị chất lượng giáo dục; Sư phạm Khoa học Tự nhiên; Quản trị Công nghệ Giáo dục; Tham vấn học đường.

Cũng tại sự kiện này, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã tặng hoa chúc mừng, trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho GS.TS Nguyễn Quý Thanh, TS Tôn Quang Cường. Các thầy đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2024.

 GS.TS Nguyễn Quý Thanh và TS Tôn Quang Cường nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh và TS Tôn Quang Cường nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Thanh Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dai-hoc-giao-duc-25-nam-hanh-trinh-kien-tao-tuong-lai-post247026.gd
Zalo