Khẩn trương khống chế, dập dịch sởi tại Đồng Nai

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sởi, tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm bù, tiêm vét vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 1-10 tuổi chưa được tiêm đủ vaccine và nhân viên y tế nguy cơ cao.

Hệ điều trị cũng đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, quá tải để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, hạn chế tối đa số ca bệnh nặng và tử vong do sởi.

20 ca bệnh rất nặng phải thở máy đều bình phục tốt

Bác sĩ đo nồng độ oxy trong máu cho bệnh nhi mắc sởi nặng. Ảnh: Hạnh Dung

Bác sĩ đo nồng độ oxy trong máu cho bệnh nhi mắc sởi nặng. Ảnh: Hạnh Dung

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, bệnh viện hiện có đầy đủ cơ sở vật chất để điều trị bệnh sởi. Trong đó, khu khám sốt phát ban có khả năng tiếp nhận 250-300 bệnh nhân/24h; có 6 giường bệnh dành riêng cho cấp cứu sởi; 15 giường hồi sức tích cực sởi. Riêng Khoa Bệnh nhiệt đới, hiện có 4 tầng của khoa đều đang điều trị sởi với công suất 250-300 giường bệnh.

Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 200 ca khám bệnh sởi. Trong đó, bác sĩ chỉ định nhập viện 30-40 ca, có những ngày 50 ca (tương đương với tổng số bệnh nhân của một khoa thông thường). Những bệnh nhân phải nhập viện đa phần có biến chứng viêm phổi, phải theo dõi sát. Còn những bệnh nhân nhẹ thì được cho về nhà điều trị, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Đến ngày 18-12, tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị nội trú cho 287 bệnh nhân mắc sởi. Trong đó có 39 bệnh nhân phải thở oxy, 24 bệnh nhân phải thở NCPAP.

“Điều đáng mừng là vừa qua có đến 20 ca bệnh rất nặng phải thở máy nhưng các bác sĩ, điều dưỡng đã chăm sóc, điều trị tích cực nên đến nay các bệnh nhân hồi phục hết, chưa có ca tử vong do sởi tại bệnh viện. Đặc biệt, trong số những ca bệnh sởi nặng có những trường hợp có bệnh nền rất nặng như nhiễm HIV, tổn thương gan nặng, bệnh tim” - bác sĩ Nghĩa chia sẻ.

Để có được kết quả như trên, theo bác sĩ Nghĩa, vì bệnh viện có nhiều “vũ khí” quan trọng. Đó là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cấp cho bệnh viện một lượng lớn thuốc Vitamin A. Bệnh viện đã sử dụng hơn 9 ngàn viên, còn khoảng 1 ngàn viên dự kiến sẽ sử dụng hết trong 1 tuần. Ngoài ra, bệnh viện có đầy đủ thuốc Proivig. Nhờ có thuốc này trong tay mà khống chế được những ca bệnh nặng, không có ca tử vong.

Để không lặp lại tình trạng đáng tiếc như 2 bệnh nhân tử vong do sởi vừa qua, bác sĩ Nghĩa khuyến cáo gia đình có người mắc bệnh sởi cần theo dõi sát diễn tiến sức khỏe của bệnh nhân. Nếu nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng phải đưa ngay đến bệnh viện để cấp cứu. Nhân viên y tế hoạt động 24/24h, sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu người bệnh dù ngày hay đêm. Lãnh đạo bệnh viện cũng đã quán triệt các bác sĩ phải dặn dò kỹ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về vấn đề này.

Tập trung khảo sát, thống kê danh sách đối tượng cần tiêm vaccine

Khu vực điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung

Khu vực điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung

Biên Hòa đang dẫn đầu toàn tỉnh về số ca mắc bệnh sởi.

Bác sĩ chuyên khoa II Đậu Ngọc Trung, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS, Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa cho hay, sau khi trên địa bàn thành phố ghi nhận có trường hợp tử vong do sởi hồi đầu tháng 11, thực hiện hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Biên Hòa triển khai các giải pháp để rà soát đối tượng trong diện tiêm chủng tại trường học và các khu phố, ấp. Trong đó, ưu tiên những trẻ không đi học hoặc ở nhà mà có bệnh nền, những nhóm trẻ tư nhân.

“Trong tuần này, chúng tôi sẽ tiêm hết 6,5 ngàn liều vaccine đã được phân bổ. Do tình hình di biến động dân cư lớn nên chúng tôi rà soát còn hơn 9 ngàn trẻ chưa được tiêm vaccine cần được tiêm. Lãnh đạo trung tâm y tế đề nghị các trạm y tế tổ chức tiêm ngoài giờ, tại khu phố, ban ấp để tạo thuận lợi về giờ giấc cho người dân trên địa bàn. Cả 25 trạm y tế trên địa bàn đang triển khai quyết liệt vấn đề này nhằm sớm khống chế dịch bệnh sởi” - bác sĩ Trung nói.

Bác sĩ Vũ Thị Thủy, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch cho hay, tình hình di biến động dân cư và dân số đông ảnh hưởng lớn đến công tác rà soát đối tượng trên địa bàn huyện. Sau khi Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh về giám sát, huyện đã ban hành văn bản đề nghị các xã, thị trấn rà soát đối tượng cần tiêm vaccine.

Theo danh sách mà các trường học trên địa bàn gửi cho ngành y tế, hiện còn khoảng 800-900 trẻ từ 1-10 tuổi chưa được tiêm vaccine. Riêng số trẻ vãng lai chưa thống kê được đầy đủ vì khi nhân viên y tế đến nhà thì người dân đi vắng, gọi điện thoại nhưng nhiều người không bắt máy.

“Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện tốt chiến dịch tiêm bù, tiêm vét vaccine sởi, tổ chức tiêm cả ngày thứ 7, chủ nhật để cha mẹ trẻ khi được nghỉ làm sẽ đưa con đi tiêm” - bác sĩ Thủy nói.

Trong khi đó, huyện Long Thành đã tiêm được hơn 13,1 ngàn liều vaccine sởi - rubella, đạt 99,2% số trẻ trong độ tuổi đăng ký tiêm. Để đảm bảo không bỏ sót đối tượng tiêm, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Long Thành chỉ đạo các trạm y tế theo dõi hàng ngày, hàng tuần để kịp thời triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Long Thành, trong số 157 ca mắc bệnh sởi trong 3 tuần gần đây trên địa bàn huyện có 23 ca dưới 9 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm vaccine sởi. Do đó, trung tâm khuyến khích các bà mẹ đang cho con bú đi tiêm vaccine sởi - rubella để tạo kháng thể cho bé.

Chiến dịch tiêm bù, tiêm vét vaccine sởi - rubella trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 12-2024. Khả năng trong tuần này, Bộ Y tế sẽ cấp thêm gần 15 ngàn liều vaccine sởi - rubella cho Đồng Nai để triển khai chiến dịch. Mục tiêu nhằm khống chế, dập dịch sởi, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Đồng Nai cần thêm gần 15 ngàn liều vaccine sởi - rubella

Nhân viên y tế thống kê đối tượng trong diện tiêm chủng vaccine trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Ảnh: Hoàn Lê

Nhân viên y tế thống kê đối tượng trong diện tiêm chủng vaccine trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Ảnh: Hoàn Lê

Bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số mắc sởi trên toàn tỉnh là 5,4 ngàn ca, đứng đầu cả nước. Tất cả các địa phương đều ghi nhận ca mắc sởi.

Nhóm khuyết miễn dịch vaccine sởi chủ yếu là trẻ từ 1-10 tuổi. Nhóm chưa đủ tiêm vaccine sởi (dưới 9 tháng tuổi) mà nhiễm sởi là do ảnh hưởng của mầm bệnh sởi trong cộng đồng.

Về công tác tiêm chủng, sau khi tiếp nhận 113 ngàn liều vaccine sởi - rubella từ Bộ Y tế, ngành y tế đã tổ chức Chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella đợt 1 từ ngày 27-9 đến 30-10. Kết quả đợt 1 đã tiêm hết 94 ngàn liều. Số vaccine còn lại là hơn 19 ngàn liều đã tiêm vét, tiêm bổ sung, đến nay còn 3 ngàn liều. Theo thống kê của các địa phương, tỉnh Đồng Nai cần thêm gần 15 ngàn liều vaccine sởi - rubella nữa để tiêm cho nhóm trẻ từ 1-10 tuổi.

Bác sĩ Phúc cho biết, sau khi trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2 ca tử vong do sởi, số lượng người dân đi tiêm vaccine sởi tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và các trạm y tế tăng cao. Qua đó cho thấy người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm vaccine phòng bệnh.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202412/khan-truong-khong-che-dap-dich-soi-tai-dong-nai-2e419d6/
Zalo