Khai thác hiệu quả tiềm năng văn hóa để phát triển du lịch

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cộng với việc đẩy mạnh bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch đã thúc đẩy ngành du lịch tỉnh Lai Châu khởi sắc hơn. Lượng du khách đến địa phương này ngày càng nhiều, doanh thu từ du lịch ngày càng tăng đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiều sự kiện lớn về văn hóa, du lịch của Lai Châu ghi dấu ấn trong lòng du khách. Ảnh: Kim Anh

Nhiều sự kiện lớn về văn hóa, du lịch của Lai Châu ghi dấu ấn trong lòng du khách. Ảnh: Kim Anh

Nhiều sự kiện lớn ghi dấu ấn

Nhằm đưa các tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc đến với du khách, những năm qua, tỉnh Lai Châu tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch lớn trong và ngoài tỉnh như: Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu tại Hà Nội; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ III, năm 2021 tại tỉnh Lai Châu; Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022 tại Lai Châu; Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu năm 2022 tại thành phố Hồ Chí Minh; Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I; Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu năm 2023 tại Lai Châu...

Ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết: Tại các sự kiện văn hóa, ngày hội, nhiều hoạt động hấp dẫn được tổ chức như giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh Lai Châu đến với du khách. Đặc biệt, các nghệ nhân, diễn viên chuyên và không chuyên của các dân tộc tỉnh Lai Châu đã biểu diễn các điệu múa mô phỏng hoạt động đời sống sinh hoạt thường ngày, tái hiện các lễ hội hoạt động tâm linh đặc sắc... của đồng bào các dân tộc địa phương đã thu hút đông đảo người dân, du khách đón xem và để lại dấu ấn đẹp trong lòng khán giả. Các hoạt động này góp phần đưa văn hóa Lai Châu đi khắp muôn phương và kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

Cùng với đó, tỉnh Lai Châu tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm thu hút các nhà quản lý, chuyên gia du lịch hàng đầu, đại diện các công ty lữ hành trong và ngoài nước về du lịch đánh giá khả năng khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh. Gần đây nhất, vào tháng 11/2024, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu tại thành phố Đà Nẵng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đã chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch Lai Châu tại thành phố Đà Nẵng.

Sin Suối Hồ - điểm sáng trong phát triển du lịch

Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ là bản dân tộc Mông thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển; có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có thác trái tim, thác tình yêu; khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Người dân trong bản vẫn giữ được nét nguyên sơ của dân tộc Mông từ nếp nhà đến tập quán sinh hoạt, phương thức canh tác. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của bản rất lớn, người dân nơi đây đã đoàn kết cùng nhau làm du lịch cộng đồng.

Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của người dân, năm 2023, bản Sin Suối Hồ đã đạt Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3. Đây là niềm vui, niềm tự hào của người dân bản Sin Suối Hồ nói riêng, của cả tỉnh Lai Châu nói chung và góp phần tạo đà cho du lịch của bản cũng như của tỉnh Lai Châu ngày càng phát triển.

Niềm tự hào đã biến thành nguồn động lực để người dân bản Sin Suối Hồ ngày càng đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, phong cách phục vụ và các điều kiện khác, đặc biệt là chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống để đáp ứng nhu cầu của du khách ngày càng tốt hơn. Từ khi bản Sin Suối Hồ đã đạt Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3, lượng du khách đến với bản ngày càng đông hơn, góp phần làm tăng thu nhập cho người dân.

Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, bản Sin Suối Hồ trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Trao đổi với chúng tôi, anh Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết: Thời gian qua, bản Sin Suối Hồ đã chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nên du khách đến bản rất thích và giới thiệu cho bạn bè cùng đến đây ngày càng nhiều. Phát huy những thành quả đã đạt được, bản tiếp tục xây dựng nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Gần đây nhất, bản đã làm nhà tổ ong theo phong tục, tập quán của dân tộc Mông để thu hút khách du lịch lưu trú tại bản.

Khách du lịch đạt con số ấn tượng

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cộng với việc đẩy mạnh bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch đã tạo điều kiện, môi trường cho ngành công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa phát triển. Các địa phương đã chú trọng khai thác, phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Lai Châu gắn với du lịch, dịch vụ.

Bằng những việc làm cụ thể và thực hiện các giải pháp phát triển du lịch, đặc biệt là sử dụng các giá trị văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch đã góp phần đưa lượng du khách đến Lai Châu ngày càng nhiều và tốc độ tăng trưởng du lịch ngày càng cao. Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu, năm 2024, toàn tỉnh ước đón 1,359 triệu lượt khách, vượt 20,5% kế hoạch, tăng 30% so với năm 2023. Số lượt khách du lịch đến tỉnh Lai Châu đạt cao nhất từ khi chia tách và thành lập tỉnh đến nay.

Có thể thấy, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy, du lịch có bước đột phá mạnh mẽ, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu.

Kim Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khai-thac-hieu-qua-tiem-nang-van-hoa-de-phat-trien-du-lich-post485088.html
Zalo