Khắc phục khó khăn để thực hiện thắng lợi nghị quyết HĐND tỉnh thuộc lĩnh vực nông nghiệp
Chiều ngày 25/2, tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Lê Văn Hiểu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường về việc khảo sát kết quả thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh về chương trình, đề án, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tham dự có thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh.
Tại buổi làm việc, đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường báo cáo, năm 2023, mặc dù đề án không được phê duyệt kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước nhưng đơn vị đã thực hiện hoàn thành các phần việc của năm 2023 từ nguồn xã hội hóa và lồng ghép với các chương trình khác, đã triển khai thực hiện các hợp phần 1, 4, 5 và 6. Năm 2024, Ban Quản lý Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ được UBND tỉnh Sóc Trăng giao dự toán kinh phí thực hiện là trên 4,7 tỷ đồng. Nội dung thực hiện của đề án gồm 6 hợp phần, như: nâng cao năng lực; tư vấn kỹ thuật và tư vấn, đánh giá chứng nhận mô hình; xây dựng mô hình chủ lực từng tiểu vùng sản xuất; hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững từng tiểu vùng sản xuất; hoạt động tuyên truyền, truyền thông đề án và quản lý điều phối đề án.

Quang cảnh buổi làm việc về khảo sát kết quả thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh Sóc Trăng về chương trình, đề án, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: KIM NGỌC
Đối với việc triển khai Dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản, đến nay đã triển khai xây dựng 21 vùng nguyên liệu lúa đặc sản với diện tích năm 2024 mở mới 2.450ha. Diện tích sản xuất lúa đặc sản năm 2023 là 319.188ha (chiếm 96% diện tích gieo sạ lúa toàn tỉnh), vượt 63,68% kế hoạch. Bên cạnh đó, còn thực hiện được 44 mô hình canh tác lúa đặc sản thích ứng biến đổi khí hậu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, đạt 83% kế hoạch. Thực hiện 10 mô hình sản xuất giống lúa thơm ST gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, củng cố và nâng cao chất lượng cho 34 hợp tác xã (HTX) trồng lúa đặc sản (có 8 HTX sản xuất giống), đạt 68% kế hoạch.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đề án, dự án trên còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: do chờ được phê duyệt kinh phí nên tiến độ triển khai các công việc của đề án còn chậm và nhất là các phần việc mang tính mùa vụ. Phần hỗ trợ con giống, do thủ tục đấu thầu mất nhiều thời gian, nên việc cung ứng con giống khá muộn vào cuối năm cũng ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các mô hình. Hiện nay, năng lực của các HTX và tổ hợp tác còn nhiều hạn chế, việc ghi chép sổ nhật ký sản xuất còn khó khăn do nông dân không có thói quen ghi chép thường xuyên nên ghi chép vẫn chưa đầy đủ, một số nông dân còn lúng túng với các hoạt chất cấm trong sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu do phải tìm kiếm những hoạt chất thay thế…
Đồng chí Lê Văn Hiểu cho biết, đoàn đã đi khảo sát thực tế nhận thấy được các mô hình sản xuất thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã và đang phát huy được hiệu quả, giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, ghi nhận và đánh giá cao các ban quản lý dự án, đề án, Sở Nông nghiệp và Môi trường, chính quyền địa phương và hộ dân tham gia, góp phần đưa nghị quyết của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Văn Hiểu đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh ra văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành tỉnh, địa phương tích cực tham gia thực hiện các dự án, đề án; đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc để đề án, dự án phát triển, phát huy tối đa hiệu quả, chất lượng, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của HĐND tỉnh trên lĩnh vực nông nghiệp.