Kết nối biển, rừng với Net Zero (Bài cuối)

Cuối tháng 10/2024, lần lượt được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ban Tổ chức Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam tôn vinh 'Nhà Khoa học của nhà nông năm 2024' và 'Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024'. Và cuối tháng 4/2025, được Hội Nông dân Lâm Đồng tiếp tục công nhận giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Lâm Đồng lần thứ 8 (2024 - 2025) về 'Công nghệ sấy cà phê theo giải pháp kinh tế tuần hoàn', nhà nông Bùi Ngọc Châu (sinh năm 1982) ở thôn Vinh Quang, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà bộc bạch đây là kết tinh của hơn 500 nông dân 'cộng hưởng' chia sẻ, hoàn thiện và nhân rộng quy trình kinh tế tuần hoàn trồng trọt, chăn nuôi biển - vườn - ao - chuồng - ruộng - rừng trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, hình thành những khu vườn 'tiên cảnh' tương tác thân thiện, hiền hòa giữa hai vùng sinh thái biển, rừng.

Bài cuối: Xanh mát những khu vườn “tiên cảnh”

Khu vườn “tiên cảnh” áp dụng giải pháp hữu cơ vi sinh tổng hợp của nông hộ Bùi Ngọc Châu ở xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà

Khu vườn “tiên cảnh” áp dụng giải pháp hữu cơ vi sinh tổng hợp của nông hộ Bùi Ngọc Châu ở xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà

Qua tìm hiểu các tài liệu khoa học trên thế giới, nông gia Bùi Ngọc Châu lĩnh hội rằng, nguyên nhân trái đất nóng lên và gây ra biến đổi khí hậu do hoạt động sản xuất, kinh doanh phát thải lượng các bon ngày càng tăng cao. Để góp phần làm dịu hơn môi trường theo hướng Net Zero, nông gia Bùi Ngọc Châu đã triển khai ý tưởng sản xuất xanh nương theo sự vận hành của thiên nhiên không ngừng nghỉ hơn 17 năm qua, trong đó hoạt động đột phá bởi các vi sinh vật hữu ích phát hiện từ vùng rừng núi ở bản quê huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

TẠO MEN VI SINH TỪ 5 KG GẠO NẤU THÀNH 10 KG CƠM

Bùi Ngọc Châu kể, bắt đầu từ năm 2008, liên hệ từ kinh nghiệm lên men dưa chua, nước mắm, mắm cái truyền thống, anh thử nghiệm tạo men vi sinh đầu tay với 5 kg gạo nấu thành 10 kg cơm, bọc giấy báo đựng trong hộp gỗ, đem vào rừng chôn dưới mặt đất 40 - 50 độ ẩm. Kết quả 7 - 10 ngày sau đó, anh Châu đào lên mở nắp hộp cơm thấy từng chùm sợi nấm trắng li ti bên trên, đối chiếu dữ liệu nghiên cứu thì đây là loại nấm trắng có lợi; loại nấm có hại có màu vàng hoặc đỏ. Đem hộp cơm lên men về khu vườn nhà, anh Châu ủ với 10 tấn phân bò tươi đã trộn lẫn với thực bì các loại rơm rạ, hoa xuyến chi, chùm hôi sau 60 ngày thu hoạch 7 tấn thành phẩm dinh dưỡng hữu cơ vi sinh. Thử nghiệm chăm sóc diện tích cây lúa trên 6.000 m2 và cây cà tím 500 m2 bằng mẻ dinh dưỡng hữu cơ vi sinh nuôi cấy đầu tiên ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, không sử dụng thuốc sinh học và thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả cho thấy sau 35 - 40 ngày so với biện pháp dinh dưỡng thông thường, cây lúa đẻ nhánh tăng hơn 30%. Cây cà tím sau 85 ngày, tỷ lệ đậu quả trên mỗi cây tăng lên hơn gấp đôi…

Tiếp tục điều chỉnh cách thức, cộng thêm thành phần men vi sinh phân lập, thay đổi thời gian chuyển hóa dinh dưỡng hữu cơ thuần sạch, tối ưu hóa lợi nhuận, mô hình của anh Bùi Ngọc Châu được các ban, ngành trong và ngoài tỉnh Quảng Nam chọn làm điểm triển khai rộng rãi cho hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ sản xuất, chăn nuôi theo vòng tròn kinh tế tuần hoàn. Như tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nông gia Bùi Ngọc Châu lấy gạo, đất, bắp, đậu, mật mía, than bùn tạo ra 1.000 lít men vi sinh tưới lá và ủ “ra lò” 3 tấn phân hữu cơ bón gốc cây tiêu của 15 nông hộ (1 - 2ha/hộ), trả lại màu xanh sinh trưởng và sản lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tại tỉnh Gia Lai, khôi phục cây tiêu, cà phê của 14 nông hộ (1 - 2ha/hộ). Tại một tỉnh miền núi phía Bắc cải tạo 30 ha chè…

VƯỜN “TIÊN CẢNH” MÁT LÀNH HƯỚNG NET ZERO

Năm 2017, sau 9 năm phân lập và nuôi cấy nhóm vi sinh vật bản địa, nông gia Bùi Ngọc Châu lên các vùng nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng thực hành chuyển đổi xanh khá khả quan trên các diện tích 100 ha chè ở huyện Bảo Lâm, 4.000 m2 nhà kính trồng rau cao cấp các loại ở Đà Lạt, Lạc Dương. Từ năm 2021 đến nay, định canh lập vườn tôn tạo màu xanh “tiên cảnh” diện tích 3 ha tại xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà. Tại đây, vai trò chính của men vi sinh vật nuôi cấy luôn chứng tỏ hữu ích giúp đất triệt tiêu các mầm bệnh, gia tăng hấp thu các chất hữu cơ hữu dụng cho cây trồng. Thời điểm tháng 5/2025, nông trại xanh “tiên cảnh” của nông gia Bùi Ngọc Châu gặt hái hoa lợi hữu cơ cuốn chiếu mỗi ngày 150 - 200 kg xà lách, cải ngọt, cải thìa, bó xôi trồng trong nhà lưới 0,2 ha; súp lơ xanh, sup lơ trắng, cà rốt, bồ công anh, bắp cải, củ dền với 1,2 ha nhà lưới; 1 ha cà phê thu trung bình 5 tấn nhân xanh mỗi năm. Bên cạnh 3 ha liên canh với 2 nông hộ lan tỏa màu xanh “tiên cảnh” và bao tiêu sản phẩm của nông gia Bùi Ngọc Châu, cộng lại mỗi ngày đưa ra thị trường trong nước trên dưới 500 kg rau hữu cơ tuần hoàn xứ núi Lâm Đồng. Hạch toán hàng năm từng khu vườn “tiên cảnh” nơi này tiết kiệm 50% chi phí đầu vào, tăng 20% sản lượng đầu ra…

Giờ đây, tại nông trại “tiên cảnh” của mình, nông hộ Bùi Ngọc Châu nuôi cấy, phân lập hàng tháng cả ngàn lít men vi sinh vật theo công nghệ máy móc tự động, thống nhất với các giải pháp công nghệ nhiệt, công nghệ cơ khí tạo ra đồng bộ các dòng sản phẩm phân ủ, than hoạt tính, giấm gỗ, tinh chất đạm cá biển ứng dụng cùng một mô hình nông nghiệp hữu cơ hiệu quả kinh tế và bền vững với môi trường xanh.

Tính riêng trên địa bàn huyện Lâm Hà, nông hộ Bùi Ngọc Châu chuyển giao thành công mô hình hữu cơ vi sinh tổng hợp gần 80 nông hộ sản xuất cà phê, dâu tằm, rau, củ, quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên tổng diện tích gần khoảng 50 ha. Đặc biệt nông hộ Bùi Ngọc Châu đang xây dựng chuỗi liên kết 8 nông hộ canh tác 20 ha cà phê trên cùng xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà để xây dựng mã số vùng trồng “tiên cảnh” vừa mang lại lợi nhuận lũy tiến hàng năm vừa tăng độ phủ xanh của rừng núi Lâm Đồng, góp phần điều hòa nhiệt độ mát lành theo hướng Net Zero, giảm hạn hán và giảm thiểu thiên tai do chênh lệch áp suất giữa 2 vùng biển - rừng…

Ghi chép: VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202505/ket-noi-bien-rung-voi-net-zero-bai-cuoi-b981e8a/
Zalo