Kiểm soát khí thải xe máy triển khai thế nào?

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mục tiêu hàng đầu của việc kiểm soát khí thải xe máy là hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng, từng bước loại bỏ xe cũ nát.

Bốn mức áp dụng

Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định về lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với khí thải mô tô, xe gắn máy lưu hành. Dự thảo dự kiến mô tô, xe gắn máy đang lưu hành bắt đầu kiểm định khí thải từ 1/1/2027.

Kiểm soát khí thải xe máy lưu hành là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân. Ảnh: Tạ Hải.

Kiểm soát khí thải xe máy lưu hành là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân. Ảnh: Tạ Hải.

Theo lộ trình, Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương đầu tiên thực hiện, bắt đầu từ 1/1/2027; từ 1/1/2028 sẽ thêm 4 thành phố gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế triển khai. Từ 1/1/2030 trở đi, việc kiểm định sẽ thực hiện trên các tỉnh, thành phố còn lại.

Về mức khí thải kiểm định, tùy theo mô tô hay xe gắn máy sẽ có các mức khí thải quy định khác nhau phụ thuộc vào thời gian sản xuất.

Các mức khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.

Với xe mô tô, loại sản xuất trước năm 2008 áp dụng mức 1 là giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải. Loại sản xuất từ 2008-2016 áp dụng mức 2. Xe mô tô sản xuất từ 2017-30/6/2026 áp dụng mức 3. Còn xe mô tô sản xuất từ 1/7/2026 sẽ áp dụng mức 4.

Với xe gắn máy, các loại sản xuất trước năm 2016 áp dụng mức 1. Xe sản xuất từ 2017-30/6/2027 áp dụng mức 2. Xe gắn máy sản xuất từ 1/7/2027 sẽ áp dụng mức 4.

Dù đã có quy định mức khí thải dựa trên năm sản xuất, song theo dự thảo, riêng mô tô, xe gắn máy lưu hành trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM phải đáp ứng quy định về khí thải mức 2 trở lên, tính từ ngày 1/1/2032.

Loại bỏ xe cũ nát, bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Trong báo cáo đánh giá tác động của dự thảo, Bộ NN&MT cho biết, mục tiêu hàng đầu của việc kiểm soát khí thải xe máy lưu hành hướng hạn chế tối đa tác động tiêu cực của khí thải phát sinh từ xe mô tô, xe gắn máy lên sức khỏe của người dân.

Xe gắn máy cũ nát gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Tạ Hải.

Xe gắn máy cũ nát gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Tạ Hải.

Đồng thời thiết lập cơ sở pháp lý kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe gắn máy lưu hành tiến tới tiệm cận với các nước trong khu vực; từng bước loại bỏ phương tiện cũ nát, lạc hậu…

Thực tế cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam nói chung và một số đô thị lớn nói riêng có xu hướng gia tăng, chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5. Trong đó, phần lớn nguyên nhân từ hoạt động của các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành.

Kết quả nghiên cứu của một số chuyên gia môi trường cho thấy tỷ lệ đóng góp ô nhiễm bụi từ hoạt động giao thông vận tải dao động trong khoảng từ 20 - 60%.

Bên cạnh đó, xe gắn máy cũ nát còn khiến phát sinh chi phí cho người dân vì phải sửa chữa hoặc thay thế mới phương tiện; phát sinh ô nhiễm từ phương tiện cũ, hỏng không được xử lý đúng cách.

Theo đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, các doanh nghiệp xe máy cơ bản đồng tình với chủ trương kiểm định khí thải xe máy lưu hành. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, lần đầu tiên thực hiện nên sẽ có khó khăn khi triển khai.

Ví dụ như quy định về diện tích cơ sở kiểm định, thiếu hụt nguồn nhân lực kiểm định đủ trình độ hay cơ chế giá kiểm định...

Cần có phương án hỗ trợ chuyển đổi

Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc (Đại học Bách khoa Hà Nội), các loại xe khi lưu hành đều phải kiểm soát về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Nên khi triển khai phải làm đồng bộ cả hai.

"Xe máy người dân sử dụng để mưu sinh rất nhiều nên tính an toàn cũng là cấp thiết. Không thể chỉ kiểm soát khí thải mà bỏ qua vấn đề an toàn. Nếu chỉ dựa vào việc khí thải để loại bỏ các phương tiện cũ nát, người dân sẽ có suy nghĩ rất nặng nề", ông Phúc nói.

Cũng theo ông Phúc, khi phương tiện kiểm tra không đạt, phải chuyển đổi thì cần có những hỗ trợ về chính sách, tài chính.

"Nguồn tài chính có thể kêu gọi từ nhiều nguồn khác nhau, có thể từ nguồn trực tiếp của nhà sản xuất, thông qua nhà sản xuất được miễn giảm thuế hay trợ giá khi đổi xe để hỗ trợ người tiêu dùng. Cũng có thể sử dụng chính nguồn tiền trong phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ người dân", ông Phúc góp ý.

Bộ NN&MT đánh giá, lộ trình áp dụng quy chuẩn về khí thải đối với mô tô, xe gắn máy là giải pháp cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo cam kết môi trường của Việt Nam.

Đồng thời vừa giải quyết được vấn đề môi trường vừa thúc đẩy quá trình chuyển đổi phương tiện sạch, phát triển kinh tế tuần hoàn. Quy định này còn tạo thời gian chuẩn bị về hạ tầng, pháp lý, khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động thích ứng và chuyển đổi phương tiện theo hướng sạch hơn.

Thanh Tùng

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baoxaydung.vn/kiem-soat-khi-thai-xe-may-trien-khai-the-nao-192250520193505568.htm
Zalo