Ứng dụng công nghệ cao - hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình tiếp tục có những bước tiến vững chắc, ổn định. Một trong những yếu tố để có được thành quả đó là việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất. Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt 3 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC và 11 khu nông nghiệp ứng dụng CNC cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình tiếp tục có những bước tiến vững chắc, ổn định. Một trong những yếu tố để có được thành quả đó là việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất. Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt 3 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC và 11 khu nông nghiệp ứng dụng CNC cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Môi trường phát triển các giống cây chất lượng theo phương pháp nuôi cấy mô.

Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Môi trường phát triển các giống cây chất lượng theo phương pháp nuôi cấy mô.

Phương pháp nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật là kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay và ngày càng phổ biến với nhiều ưu điểm vượt trội, giúp khắc phục nhanh tình trạng thoái hóa của các giống cây trồng. Phương pháp này cho phép nhân giống vô tính nhằm sản xuất nhanh, đồng loạt các loại giống cây trồng, lưu giữ được hoàn toàn đặc tính của cây gốc, khắc phục nhược điểm của các phương pháp nhân vô tính khác như chiết, ghép, giâm cành. Chính vì vậy, nuôi cấy mô được xem là "chìa khóa” để phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Xác định điều đó, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã thành lập phòng nuôi cấy mô, ứng dụng thành công vào sản xuất giống mía tím, mía trắng, một số cây lâm nghiệp (keo lai, bạch đàn), cây dược liệu (đinh lăng) và một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như măng tây, lan hồ điệp… Đặc biệt, trung tâm đã phối hợp với các viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô ghép đỉnh sinh trưởng tạo cây có múi sạch bệnh, nhân giống trong nhà lưới 3 cấp ngăn chặn các dịch hại nguy hiểm, sản xuất giống phục vụ nhu cầu giống thực hiện đề án tái canh cây có múi tỉnh Hòa Bình.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, vật vuôi và thủy sản cho biết: Công nghệ nuôi cấy mô là bước phát triển nông nghiệp CNC giúp nông dân chủ động được nguồn giống các loại cây trồng có giá trị kinh tế trên thị trường. Từ đó làm thay đổi và nâng cao nhận thức về mô hình nuôi trồng hiện đại để ngày càng nhân rộng quy mô, hiệu quả kinh tế trong trồng trọt trước sự tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.

Cùng với ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô, trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều loại CNC trong sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có khoảng 150 cơ sở áp dụng công nghệ thâm canh quản lý tổng hợp, được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ cho các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích khoảng 2,3 nghìn ha trồng trọt, trên 200 nghìn m2 nuôi trồng thủy sản, 1,6 nghìn tấn sản phẩm thịt/năm. Có 120 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó 41 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, còn lại là trang trại quy mô vừa; hầu hết các trang trại đều áp dụng hệ thống chuồng kín, máng ăn và nước uống tự động. Trên 50 cơ sở sản xuất nông nghiệp với diện tích gần 1.000 ha cây trồng cạn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoan Phúc Hòa Bình, tiểu khu 6, thị trấn Lương Sơn là một trong những đơn vị đầu tiên tại huyện Lương Sơn ứng dụng CNC để sản xuất nông nghiệp. Trên diện tích 7,3 ha đất, công ty đầu tư hệ thống nhà kính theo công nghệ hiện đại của Mỹ để trồng lan hồ điệp. Toàn bộ giống lan sử dụng phương pháp nuôi cấy mô hiện đại.

Bà Bùi Thị Việt, Giám đốc Công ty Hoan Phúc Hòa Bình cho biết: Ứng dụng công nghệ trồng lan trong nhà kính, toàn bộ ánh sáng, nhiệt độ, nước tưới đều tự động hóa. Điều này cho phép công ty có thể sản xuất những lô hàng hoa lan chất lượng, hàng loạt theo đúng khung thời vụ. Đặc biệt, với sản phẩm nuôi cấy mô, chúng tôi chủ động được nguồn giống lan khỏe, chất lượng và nhiều màu hoa theo ý của mình. Hiện nay, công ty có hơn 50 loại hoa lan với các màu khác nhau.

Để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng nông nghiệp CNC, ngành Nông nghiệp tỉnh đã hoàn thành và phát hành phần mềm "Quản lý cơ sở dữ liệu sâu bệnh hại”, gồm phần mềm chạy trên nền tảng web và ứng dụng trên thiết bị di động và phần mềm "Quản lý bản đồ chuyên đề, phân tích thích nghi đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình". Hiện đang triển khai thực hiện cấp và quản lý mã số vùng trồng trên hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng quốc gia. Tỉnh đã xây dựng, hỗ trợ 6 dự án nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch (3 dự án về chăn nuôi lợn giống, lợn thương phẩm với tổng diện tích trên 100 ha; 3 dự án về đưa công nghệ sinh học nuôi cấy mô ra đồng ruộng). UBND tỉnh đã phê duyệt triển khai 44 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, đặt hàng Bộ Khoa học và Công nghệ 6 dự án nông thôn miền núi. Các nhiệm vụ tập trung chủ yếu ứng dụng công nghệ sinh học đối với cây trồng, cây lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ invitro trong sản xuất cây giống; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa trong nhà lưới hay ngoài tự nhiên; áp dụng công nghệ bảo quản, chế biến một số sản phẩm của địa phương như cam, bưởi, cá sông Đà. Đặc biệt, công nghệ trồng trọt, chăn nuôi quy mô công nghiệp được ứng dụng tại các dự án nông thôn miền núi.

Đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Giám đốc Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Để ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp một cách đồng bộ và trên diện rộng, tỉnh nên lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương. Đồng thời, xác định công đoạn nào có thể ứng dụng CNC trên diện rộng phải triển khai trước; tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm đối với những công đoạn chưa ứng dụng được trước khi áp dụng cho diện rộng, nhất là khâu bảo quản, chế biến, hoặc các chế phẩm mới để nâng cao năng suất, chất lượng. Tư duy ứng dụng CNC cũng phải thực hiện theo chuỗi, bởi tỉnh đang hướng tới sản xuất nông nghiệp theo chuỗi. Ngoài hỗ trợ của nhà nước, tỉnh cần kêu gọi nguồn lực từ các doanh nghiệp, bởi chính doanh nghiệp là đầu tàu đóng vai trò quyết định trong việc ứng dụng CNC trong sản xuất.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/201259/ung-dung-cong-nghe-cao-huong-di-ben-vung-tr111ng-san-xuat-nong-nghiep.htm
Zalo