Kết hợp phát triển nông nghiệp với công nghiệp để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao

Trong những năm gần đây, Nam Định là một trong những điểm sáng của cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, nâng cao. Điểm nổi bật của tỉnh trong quá trình này chính là việc kết hợp hài hòa giữa phát triển nông nghiệp với công nghiệp, giúp thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển nhanh và tạo chuyển biến tích cực trong đời sống người dân, góp phần hiện đại hóa các vùng nông thôn.

Việc tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghiệp góp phần giúp huyện Trực Ninh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Việc tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghiệp góp phần giúp huyện Trực Ninh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Để kết hợp phát triển nông nghiệp với công nghiệp, Nam Định đã chú trọng đầu tư mạnh mẽ hạ tầng nông thôn với hệ thống giao thông, thủy lợi, điện nước và cơ sở y tế, giáo dục được nâng cấp, phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, tạo thuận lợi cho quá trình công nghiệp hóa nông thôn. Trong đó, hạ tầng giao thông nông thôn được cải tạo, nâng cấp để đảm bảo đồng bộ, kết nối liên hoàn với hệ thống đường tỉnh, đường quốc gia, giúp việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, thúc đẩy giao thương và kết nối với các khu, cụm công nghiệp (CCN). UBND tỉnh đã quy hoạch bổ sung nhiều tuyến giao thông quan trọng; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, cảng biển trên địa bàn tỉnh bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng. Hệ thống điện trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải tạo và nâng cấp theo hướng an toàn, ổn định và đảm bảo mỹ quan. Năm 2023, Công ty Điện lực Nam Định đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển và cải tạo nâng cấp lưới điện, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho lưới điện trung hạ áp nông thôn, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo vận hành và giảm tổn thất điện năng; đầu tư kết nối tự động hóa lưới điện trung thế, phát triển lưới điện thông minh.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng, các địa phương quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông thôn thông qua việc tổ chức các chương trình đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho lao động nông thôn, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến và sản xuất. Các khóa học về kỹ thuật canh tác, quản lý sản xuất và áp dụng công nghệ hiện đại đã giúp nông dân nâng cao kiến thức, tăng cường hiệu quả sản xuất và tiếp cận các mô hình sản xuất tiên tiến. Các trung tâm đào tạo nghề và hệ thống giáo dục tại địa phương cũng được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu nhân lực của các ngành công nghiệp. Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp mà còn tạo thêm nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm cho người dân nông thôn khi thu hút đầu tư về địa bàn nông thôn ngày càng phát triển. Hệ thống công trình thủy lợi từ cấp tỉnh đến cấp xã tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp đảm bảo nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng, chống thiên tai cấp xã, huyện; đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và công nghiệp nông thôn, tỉnh cũng phối hợp với các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng triển khai các gói vay ưu đãi cho các dự án phát triển nông nghiệp và công nghiệp tại vùng nông thôn. Điều này không chỉ tạo động lực cho sản xuất mà còn khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng ở nông thôn.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), các địa phương trong tỉnh đặc biệt chú trọng thúc đẩy hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, thay đổi từ phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường và đáp ứng nhu cầu thị trường. Nông dân được khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, phát triển các mô hình canh tác thông minh, tưới tiêu tự động, canh tác trong nhà màng, nhà kính và quy trình sản xuất sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm. Để tối ưu hóa giá trị kinh tế từ nông nghiệp, ngành NN và PTNT, các địa phương còn đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản, gắn kết sản xuất với tiêu thụ. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đều được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, không chỉ gia tăng giá trị kinh tế mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Sản xuất nông nghiệp theo quy mô "cánh đồng lớn" gắn với chế biến sản phẩm và tiêu thụ, khắc phục hạn chế của sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, đảm bảo thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa. Lĩnh vực thủy sản chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm tỷ trọng khai thác.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp Nam Định phát triển nông nghiệp bền vững chính là sự kết hợp với công nghiệp chế biến nông sản. Toàn tỉnh hiện có gần 600 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản: muối biển và các sản phẩm muối chế biến; thịt lợn đông lạnh, nước mắm, gạo xay sát, bánh kẹo các loại, một số sản phẩm thủy, hải sản (như ngao biển, tép moi, tôm biển)… Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản bằng công nghệ hiện đại, điển hình như: Công ty TNHH Minh Dương, Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty TNHH Cường Tân, Công ty TNHH Quỳnh Thanh, Công ty TNHH một thành viên Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phát, Công ty TNHH Công Danh, Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, Công ty TNHH Hải sản Hùng Vương... Nhờ đó, giảm tỷ lệ nông sản phải tiêu thụ dạng thô sau khi thu hoạch với giá trị thấp, có nguy cơ bị ép cấp, ép giá, mà đã từng bước được chế biến sâu thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, như thực phẩm đóng gói, nông sản sấy khô hay sản phẩm hữu cơ. Công nghiệp chế biến tại địa bàn phát triển còn tạo sự ổn định đầu ra cho nông sản, giảm bớt rủi ro về giá cả và thị trường tiêu thụ cho người nông dân. Một số sản phẩm nông sản chế biến của tỉnh đã tạo dựng được thương hiệu; định vị được tại các thị trường xuất khẩu có yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe; trong đó đặc biệt là sản phẩm thịt ngao đóng hộp của Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường châu Âu và không ngừng khẳng định thương hiệu, danh tiếng trên trường quốc tế.

Từ năm 2021 đến nay, Nam Định đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) tại các vùng nông thôn, không chỉ để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp mà còn phát triển các ngành công nghiệp như các KCN: Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận; các CCN: Thanh Côi, Giao Thiện, Thịnh Lâm, Yên Bằng, Yên Dương... Các khu, CCN này đã tạo mặt bằng, thu hút nhà đầu tư thứ cấp sản xuất nông sản, thực phẩm và các sản phẩm tiêu dùng. Việc phát triển các khu, CCN không chỉ tạo ra việc làm cho lao động địa phương mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động, giảm bớt sự phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp truyền thống. Người dân nông thôn Nam Định không chỉ tham gia vào sản xuất nông nghiệp mà còn có thể làm việc trong các nhà máy sản xuất công nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện sống.

Ngoài việc phát triển các ngành nghề công nghiệp mới về địa bàn nông thôn tỉnh cũng chú trọng đến việc bảo tồn, phát triển ngành nghề và các làng nghề truyền thống vừa để phát triển các sản phẩm nông thôn đặc trưng, có giá trị kinh tế, vừa để giải quyết việc làm và thu nhập tại chỗ cho các đối tượng lao động nông thôn. Năm 2023, tỉnh đã triển khai hỗ trợ 29 dự án phát triển ngành nghề nông thôn, hỗ trợ cho các hộ làm nghề áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất. Các ngành chức năng, các địa phương tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ở địa bàn nông thôn, giúp nông dân, các cơ sở sản xuất của các làng nghề tiếp cận thương mại hiện đại. Nhờ đó, hoạt động sản xuất của các làng nghề như dệt may, thủ công mỹ nghệ, chế biến thực phẩm, sản xuất cơ khí, trồng hoa cây cảnh... đã trở thành những ngành công nghiệp phụ trợ quan trọng, giúp nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Các sản phẩm làng nghề không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu, mang lại nguồn thu lớn cho địa phương.

Bằng các giải pháp cụ thể trong xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao đã giúp người dân vùng nông thôn Nam Định không chỉ dựa vào thu nhập từ nông nghiệp mà còn có thêm việc làm từ các ngành kinh tế công nghiệp, dịch vụ..., phát triển đa nguồn thu. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn không ngừng tăng (từ 52 triệu đồng/người năm 2021 lên 70 triệu đồng/người năm 2023); đời sống vật chất và tinh thần cũng được cải thiện rõ rệt. Với những chính sách đúng đắn, sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền, đã và đang tạo ra những bước chuyển mình mạnh mẽ, biến nông thôn trở thành khu vực phát triển toàn diện, vừa giữ gìn được truyền thống văn hóa vừa phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202409/ket-hop-phat-trien-nong-nghiep-voi-cong-nghiep-de-xay-dung-nong-thon-moi-kieu-mau-nang-cao-1fa6319/
Zalo