Bảo đảm thu nhập cho nông dân
Thay vì tập trung vào các loại gạo phổ thông, cần chuyển hướng sang các sản phẩm có giá trị cao như gạo hữu cơ, gạo thơm đặc sản.
Cuối năm 2024, Việt Nam ghi nhận một năm xuất khẩu (XK) gạo đạt kỷ lục với sản lượng và kim ngạch cao nhất sau 35 năm nước ta quay lại thị trường XK gạo thế giới
Tuy nhiên, những ngày đầu năm 2025, giá lúa nội địa đang giảm mạnh, khiến nhiều nông dân vùng ĐBSCL bất an.
Theo ghi nhận tại các tỉnh ĐBSCL, giá lúa tươi như IR50404, OM5451 và Đài Thơm 8 giảm từ 500-700 đồng/kg so với tháng trước, dao động từ 5.200-6.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí sản xuất, từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến nhân công, đều tăng cao khiến lợi nhuận của nông dân bị thu hẹp, thậm chí không đủ bù đắp chi phí sản xuất.
Một nghịch lý lớn là năm 2024, Việt Nam XK gạo đạt kỷ lục về sản lượng và kim ngạch. Giá gạo XK trung bình đạt 611 USD/tấn, tăng 15% so với năm trước. Tuy nhiên, giá lúa trong nước lại không thể duy trì xu hướng tích cực này, khiến nông dân chịu thiệt.
Vì sao giá lúa giảm?
Thứ nhất là do tồn kho lớn sau thu hoạch: Sau vụ thu đông, nguồn cung lúa tăng mạnh, dẫn đến áp lực dư thừa cục bộ. Đặc biệt, thời điểm này trùng với mùa chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân - vụ lúa chính trong năm.
Thứ hai là tác động của thị trường xuất khẩu: Dù giá gạo XK năm 2024 cao nhưng hợp đồng mới trong đầu năm 2025 chưa ký kết kịp thời, dẫn đến chậm tiêu thụ lúa gạo. Nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến gạo đang chờ tín hiệu thị trường, trong khi các quốc gia nhập khẩu như Philippines, Indonesia… giảm mua vì đã tích lũy đủ dự trữ.
Thứ ba, thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ: Mô hình liên kết chuỗi giá trị lúa gạo vẫn còn yếu. Nhiều nông dân chưa tham gia vào các HTX hoặc mô hình liên kết với DN, dẫn đến tình trạng "được mùa, mất giá". Các DN XK gạo cũng chưa có kế hoạch thu mua ổn định, gây ra tâm lý bị động trên thị trường.
Vì vậy, cần có các giải pháp kịp thời và dài hạn nhằm ổn định giá lúa, bảo đảm thu nhập cho nông dân.
Trước tiên, cần đẩy mạnh thu mua để giúp giảm áp lực nguồn cung và góp phần ổn định giá lúa. Kế tiếp là tăng cường liên kết chuỗi giá trị, thúc đẩy mô hình HTX kiểu mới: nông dân, DN và nhà quản lý cùng tham gia chuỗi giá trị, giúp nông dân tiếp cận thị trường tốt hơn, giảm thiểu rủi ro về giá cả và tiêu thụ. Đồng thời, DN cần cam kết hợp đồng thu mua lúa gạo ngay từ đầu vụ để tránh tình trạng ép giá vào cuối vụ. Cuối cùng, thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm và thị trường. Thay vì tập trung vào các loại gạo phổ thông, cần chuyển hướng sang các sản phẩm có giá trị cao như gạo hữu cơ, gạo thơm đặc sản. Mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước châu Phi, châu Mỹ và châu Âu cũng là chiến lược cần thiết để giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.
Giá lúa giảm vào thời điểm giáp Tết là hồi chuông cảnh tỉnh về tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Trong bối cảnh Việt Nam đã đạt kỷ lục về XK gạo, cần có những chính sách đồng bộ để bảo vệ người trồng lúa. Giải quyết bài toán giá cả không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là trách nhiệm xã hội, bảo đảm đời sống ổn định cho hàng triệu nông dân vùng ĐBSCL.