Ứng phó với sự chuyển hướng xuất khẩu của Trung Quốc

Trong bài Các thách thức của thương mại Việt Nam trong những năm tới, chúng tôi đã bình luận về những tác động của việc cựu Tổng thống Donald Trump trở lại làm Tổng thống Mỹ đối với chính sách thương mại của Việt Nam và đã nêu ra các chiến lược để duy trì lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam.

Trong bài viết này, chúng tôi xem xét một kịch bản khác có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách thương mại của Việt Nam, xuất phát từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc: khả năng Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu sang các nước đang phát triển để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ kinh tế ngày càng tăng từ phương Tây.

Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn của ASEAN. Trong ảnh: Một chuyến tàu chở hàng đông lạnh từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ảnh: VCG

Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn của ASEAN. Trong ảnh: Một chuyến tàu chở hàng đông lạnh từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ảnh: VCG

Do có chung đường biên giới dài phía Bắc với Trung Quốc, Việt Nam có khả năng chịu ảnh hưởng lớn từ vấn đề này. Trong bài này, chúng tôi chỉ bàn về những hàng hóa mà Việt Nam tiêu thụ, không phải những hàng hóa mà Trung Quốc dùng Việt Nam để làm nơi trung chuyển, tái xuất khẩu sang Mỹ - điều mà Việt Nam phải ngăn chặn bằng mọi giá vì nếu không sẽ bị liệt vào danh sách “những nước hợp tác với Trung Quốc để lách thuế nhập khẩu” và sẽ mất đi thị trường Mỹ.

Năm 2023, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 3.200 tỉ đô la Mỹ, trong đó khoảng một nửa là xuất khẩu sang các nền kinh tế phát triển (Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc) và nửa còn lại xuất khẩu sang các nước còn lại trên thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hiện dự báo kim ngạch xuất khẩu này sẽ tăng lên 4.100 tỉ đô la vào năm 2029. Nếu Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, quyết định tăng thuế lên mức thật cao (45-70%) đối với hàng hóa Trung Quốc, nền kinh tế nước này sẽ gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu để duy trì tăng trưởng và tận dụng nhân công. Do đó, Trung Quốc đang và sẽ chuyển hướng một phần quan trọng của xuất khẩu sang các nước đang phát triển. Diễn biến này đặt ra cả thách thức trong ngắn hạn lẫn rủi ro về dài hạn cho các quốc gia đang cố gắng phát triển các ngành công nghiệp nội địa nhằm cạnh tranh và duy trì mối quan hệ thương mại một cách công bằng trên thế giới, như Việt Nam.

Lợi thế về sản xuất của Trung Quốc

Thách thức cốt lõi xuất phát từ những lợi thế sản xuất vượt trội của Trung Quốc, vượt xa các lợi ích đơn thuần về chi phí lao động. Trung Quốc đã phát triển các hệ sinh thái sản xuất tinh vi (sophisticated manufacturing ecosystems) với “quy mô mở rộng” chưa từng có. Nhiều trường hợp cả một thành phố tập trung vào sản xuất chỉ một số sản phẩm cụ thể. Trong những chuyến đi khảo sát công nghệ Trung Quốc cho Ngân hàng Thế giới, chúng tôi đã chứng kiến tận mắt các thành phố này và đã viết lại trong cuốn sách “Các câu chuyện từ mặt trận phát triển kinh tế” (Ngân hàng Thế giới, 2013).

Các trung tâm sản xuất này hưởng lợi từ sức mạnh mua sắm số lượng lớn phi thường và có thể phân bổ chi phí cố định trên khối lượng sản xuất khổng lồ. Quy mô này cho phép đầu tư đáng kể vào tự động hóa tiên tiến và công nghệ hiện đại, giúp tăng năng suất và cho phép các nhà sản xuất Trung Quốc liên tục hiện đại hóa khả năng sản xuất của họ trong khi vẫn duy trì lợi thế về chi phí.

Hiện nay, các sản phẩm từ các công ty thương mại điện tử của Trung Quốc đã bắt đầu tràn ngập thị trường Việt Nam, được hỗ trợ bởi các kho hàng xây dựng gần biên giới.

Những lợi thế này được củng cố bởi chuỗi cung ứng công nghiệp toàn diện của Trung Quốc, nơi các mạng lưới dày đặc của các nhà cung cấp chính và cung cấp phụ hoạt động gần gũi, tạo ra các cụm công nghiệp mạnh mẽ. Sự gần gũi này, kết hợp với cơ sở hạ tầng logistics và vận chuyển hiệu quả, cho phép thời gian xoay vòng nhanh chóng cho các linh kiện và nguyên liệu, đồng thời giảm chi phí vận chuyển và tồn kho. Tính chất toàn diện của các mạng lưới cung ứng này cho phép các nhà sản xuất gần như có thể tìm nguồn cung ứng bất kỳ linh kiện hoặc nguyên liệu nào trong nước, mang lại lợi thế lớn về cả chi phí và thời gian.

Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đã phát triển những khả năng tổ chức tinh vi, khiến họ nổi bật hơn. Quy trình sản xuất của họ được tối ưu hóa cao, tích hợp các hệ thống kiểm soát chất lượng tiên tiến, và quản lý hàng tồn kho hiệu quả. Thêm vào đó là khả năng nhanh chóng tạo mẫu và mở rộng sản xuất theo quy mô lớn, kết hợp với sự phối hợp giữa các giai đoạn sản xuất khác nhau, mang lại cho các nhà sản xuất lợi thế về tính linh hoạt và khả năng đáp ứng đáng kể đối với nhu cầu thị trường. Chính những điểm mạnh này cùng với các khoản trợ cấp lớn lao của Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ phát triển năng lực sản xuất của Trung Quốc.

Hệ lụy của việc Trung Quốc tăng xuất khẩu sang Việt Nam

Việc Trung Quốc tăng xuất khẩu hàng tiêu dùng sang thị trường Việt Nam sẽ đem lại những hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay, các sản phẩm từ các công ty thương mại điện tử của Trung Quốc đã bắt đầu tràn ngập thị trường Việt Nam, được hỗ trợ bởi các kho hàng xây dựng gần biên giới. Các nhà sản xuất địa phương phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, có thể dẫn đến đóng cửa nhà máy và mất đi công ăn việc làm.

Ngoài những tác động kinh tế trước mắt, tình huống này có thể cản trở sự phát triển của năng lực công nghiệp trong nước và phá vỡ chuỗi cung ứng nội địa. Làn sóng sản phẩm cạnh tranh từ Trung Quốc có thể làm nản lòng các doanh nhân Việt Nam khi họ đang cần đầu tư vào nỗ lực đổi mới và nâng cấp hệ thống sản xuất, dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp nội địa mắc kẹt trong các hoạt động có giá trị gia tăng thấp, và phải tiếp tục tập trung vào gia công.

Một số biện pháp để giải quyết

Để giải quyết những thách thức này, Việt Nam cần có một chiến lược toàn diện và cân bằng giữa bảo vệ ngành công nghiệp trong nước và duy trì hiệu quả cạnh tranh.

Bước đầu tiên quan trọng là phân biệt giữa các loại hàng nhập khẩu khác nhau. Trong kinh tế học, có ba loại hàng nhập khẩu, mỗi loại đòi hỏi cách tiếp cận và chính sách khác nhau:

Thứ nhất là hàng hóa trung gian (kể cả sản phẩm thô - raw materials) được sử dụng trong sản xuất (intermediate goods);

Thứ hai là hàng hóa dùng cho tích lũy tài sản cố định gộp (gross fixed capital formation);

Thứ ba là hàng hóa dành cho tiêu dùng cuối cùng (final consumption)(2).

Hai loại đầu tiên đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ năng lực sản xuất trong nước, và vì vậy nên duy trì và nâng cao khả năng tiếp cận những mặt hàng này một cách dễ dàng cho các nhà sản xuất, nhất là trong lĩnh vực tư.

Khi hai loại đầu vào này có sẵn với chi phí thấp hơn, các nhà sản xuất sẽ có thể hoạt động với lợi nhuận cao hơn và duy trì giá cả cạnh tranh cả ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Loại hàng thứ ba - hàng hóa dành cho tiêu dùng cuối cùng - là loại hàng mà nếu không có chính sách bảo vệ thích hợp cho các doanh nghiệp trong nước như đề cập dưới đây (dù chỉ là trong một thời gian nhất định), sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển công nghiệp Việt Nam. Làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc sẽ tàn phá các nhà sản xuất trong nước hiện đang phục vụ thị trường nội địa. Chỉ cần trong khoảng thời gian ngắn một vài năm, các doanh nghiệp này sẽ bị phá sản và sẽ biến mất. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy rằng một khi đã biến đi thì các doanh nghiệp này sẽ không bao giờ có thể quay lại để hoạt động và Việt Nam sẽ phải phụ thuộc vào Trung Quốc để có những mặt hàng tiêu dùng.

Làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc sẽ tàn phá các nhà sản xuất trong nước hiện đang phục vụ thị trường nội địa. Chỉ cần trong khoảng thời gian ngắn một vài năm, các doanh nghiệp này sẽ bị phá sản và sẽ biến mất.

Trong kịch bản xấu nhất, Việt Nam có thể thấy nền kinh tế của mình bị thu hẹp và những doanh nghiệp nội địa chỉ còn sản xuất chủ yếu là thực phẩm và những “dịch vụ không thể giao dịch được” (non-tradable services), có nghĩa là những dịch vụ không thể xuất khẩu (ví dụ như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mua bán bất động sản...). Khi đó, để có ngoại tệ mua hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải đi vay mượn và nợ nần sẽ chồng chất.

Dữ liệu hiện tại cho thấy hiện nay phần lớn hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc là hai loại hàng hóa đầu: hàng hóa trung gian (linh kiện đầu vào) được sử dụng để sản xuất sản phẩm và để dùng cho tích lũy tài sản cố định gộp (như máy móc, công cụ, thiết bị).

Tuy nhiên những con số chính thức không bao gồm các hàng hóa tiêu dùng di chuyển lậu qua cửa khẩu. Ví dụ như về may mặc, chỉ cần đi dọc theo phố Hàng Đào ở Hà Nội hay chợ Bến Thành ở TPHCM là ta thấy ngay hàng hóa tiêu dùng của Trung Quốc đã xâm nhập thị trường Việt Nam ở mức độ lớn như thế nào trong một ngành mà đáng lẽ Việt Nam phải nắm ưu thế sản xuất. Sự việc này còn làm cho Chính phủ mất đi nhiều nguồn thuế hàng năm.

Vì vậy, Việt Nam nên tập trung vào một chiến lược bao gồm một số lĩnh vực trọng tâm. Điều quan trọng là khi làm như vậy thì cần tạo ra một sự cân bằng - giữa “hỗ trợ để bảo vệ” và “khuyến khích để cạnh tranh” đối với các ngành công nghiệp này, nhằm giúp nâng cao hiệu quả của sản xuất, đồng thời nên xác định rõ ràng rằng “sự bảo vệ chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định” để tránh tình trạng các doanh nghiệp cứ ỷ lại vào sự bảo vệ mà không chịu tự mình phát triển.

Trên căn bản này, những lĩnh vực mũi nhọn sau đây nên được xem xét:

Một là, xác định và tạm thời hỗ trợ các ngành có tiềm năng cạnh tranh. Các biện pháp bảo hộ có thể bao gồm:

Tăng đáng kể thuế nhập khẩu và thuế nội địa theo quy trình chống trợ cấp (CVD) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong một thời gian nhất định;

Hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân trong nước định vị tại các khu công nghiệp và khu kinh tế đặc biệt; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp này (cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI) nhập khẩu các đầu vào để sản xuất;

Phát triển cơ sở hạ tầng chuyên biệt cho từng ngành;

Ngăn chặn hàng hóa bất hợp pháp qua biên giới;

Xây dựng các chương trình chuyển giao công nghệ.

Trọng tâm nên đặt vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất phục vụ tiêu dùng nội địa, bởi các doanh nghiệp FDI (phần lớn nhằm xuất khẩu) thì không cần đến sự hỗ trợ của Chính phủ. Những nỗ lực này cần đi kèm với việc hỗ trợ những hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), với các mốc thời gian rõ ràng cho các giai đoạn bảo vệ và phát triển, cùng với việc đánh giá hiệu quả thường xuyên để đảm bảo tiến độ hướng tới việc xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững.

Hai là, tích hợp và nâng cấp chuỗi cung ứng. Đây là một lĩnh vực chính sách quan trọng. Việt Nam có thể tập trung phát triển mạng lưới nhà cung cấp trong nước đồng thời tích hợp vào các chuỗi giá trị khu vực. Điều này đòi hỏi đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng logistics và xây dựng các chương trình phát triển nhà cung cấp. Chính phủ cần hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân để lập một bản đồ cho những bước đi (road map) để nâng cao năng lực chuỗi cung ứng hiện tại và tiềm năng, xác định những khoảng trống quan trọng, và phát triển các chương trình hỗ trợ nâng cấp nhà cung cấp trong nước.

Việc tạo ra các ưu đãi cho đầu tư nước ngoài để họ giúp lấp đầy những khoảng trống trong chuỗi cung ứng và thiết lập các chương trình “chứng nhận chất lượng” có thể giúp xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp nội địa mạnh mẽ hơn. Hiện nay, một trong những yếu tố hạn chế việc mua sắm trực tuyến các mặt hàng của Việt Nam là sự thiếu hụt các phương thức thanh toán phù hợp như thẻ tín dụng. Chính phủ (bao gồm Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thuộc khu vực công và các ngân hàng tư nhân) có thể hợp tác với các nhà phân phối tư nhân của Việt Nam để giải quyết hạn chế này.

Ba là, phát triển lực lượng lao động và nâng cao kỹ năng sản xuất. Việt Nam cần mở rộng các chương trình đào tạo kỹ thuật và dạy nghề phù hợp với nhu cầu của ngành. Các chương trình như SkillsFuture của Singapore và Meister Schools của Hàn Quốc đã chứng minh tầm quan trọng của việc điều chỉnh hệ thống giáo dục với nhu cầu thị trường lao động.

Hội nhập và hợp tác kinh tế khu vực mang lại cơ hội đáng kể cho Việt Nam để xây dựng sức mạnh chung. Điều này bao gồm việc tăng cường các hiệp định thương mại khu vực, đặc biệt trong ASEAN, và phát triển các chính sách công nghiệp phối hợp. Việt Nam có thể thúc đẩy các quốc gia trong ASEAN nên hợp tác để tạo ra các cụm công nghiệp xuyên biên giới và hài hòa các tiêu chuẩn cũng như các quy định nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh đối với hàng nhập khẩu. Việc phát triển cơ sở hạ tầng xuyên biên giới có thể thúc đẩy phát triển công nghiệp và hội nhập khu vực.

Những biện pháp các quốc gia khác đang áp dụng

Các nước đang phát triển đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đối phó với thách thức từ làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, vốn thường gây tổn hại đến các ngành công nghiệp trong nước. Các biện pháp này thường tập trung vào việc bảo vệ các nhà sản xuất nội địa, duy trì cân bằng thương mại và thúc đẩy công nghiệp hóa.

Dưới đây là một số biện pháp họ đã áp dụng mà Việt Nam có thể cân nhắc, chọn lọc cho thích hợp và khả thi đối với chiến lược nêu ra ở trên:

1. Áp thuế và rào cản thương mại

Tăng thuế nhập khẩu: Áp thuế cao hơn đối với các sản phẩm cụ thể từ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường.

Thuế chống phá giá: Áp thuế chống phá giá khi có bằng chứng cho thấy các sản phẩm từ Trung Quốc được bán dưới giá trị thị trường.

Biện pháp bảo vệ: Tạm thời áp thuế hoặc hạn ngạch để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi tình trạng nhập khẩu tăng đột biến.

2. Rào cản phi thuế quan (Non-Trade Barriers, NTBs)

Tiêu chuẩn chất lượng: Thực thi đòi hỏi các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn nghiêm ngặt để hạn chế các sản phẩm giá rẻ, chất lượng thấp.

Trì hoãn thủ tục: Yêu cầu nhiều giấy tờ và kiểm định đối với hàng nhập khẩu, làm chậm quá trình thông quan.

Hạn ngạch: Đặt giới hạn về khối lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhất định.

3. Yêu cầu tỷ lệ nội địa

Yêu cầu các sản phẩm được bán trong nước phải có một tỷ lệ nội địa của đầu vào nhất định, từ đó ưu tiên các nhà sản xuất trong nước hơn các nhà sản xuất hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

4. Điều chỉnh chính sách công nghiệp và thương mại

Trợ cấp cho ngành công nghiệp nội địa: Hỗ trợ tài chính cho các ngành công nghiệp trong nước để tăng tính cạnh tranh với hàng giá rẻ từ Trung Quốc.

Thúc đẩy thay thế nhập khẩu: Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nội địa để sản xuất các mặt hàng đang nhập khẩu.

Đa dạng hóa thương mại: Tìm kiếm các đối tác thương mại khác để giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa từ Trung Quốc.

5. Quản lý tỷ giá hối đoái

Phá giá đồng nội tệ: Làm cho hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, trong khi hàng nội địa trở nên cạnh tranh hơn.

6. Tăng cường thương mại khu vực

Tham gia các hiệp định thương mại khu vực hoặc thúc đẩy chuỗi giá trị khu vực để hỗ trợ sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

7. Hành động pháp lý

Đệ đơn khiếu nại lên WTO về các hành vi thương mại không công bằng của các nước khác như Trung Quốc.

8. Chính sách mua sắm công

Thực hiện các chính sách “Ưu tiên hàng nội địa” trong mua sắm công để ưu tiên các sản phẩm nội địa hơn hàng nhập khẩu.

9. Chiến dịch nâng cao nhận thức người tiêu dùng

Giáo dục quần chúng về lợi ích của việc mua hàng nội địa và khuyến khích tinh thần yêu nước trong tiêu dùng.

Các ví dụ cụ thể bao gồm Ấn Độ đã áp dụng thuế chống phá giá và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực như thép, điện tử và đồ chơi; Nam Phi đã tăng thuế đối với hàng dệt may và quần áo từ Trung Quốc để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước; Brazil đã tăng thuế đối với hàng điện tử và máy móc từ Trung Quốc và cung cấp ưu đãi thuế cho các ngành công nghiệp nội địa; Nigeria cấm nhập khẩu một số mặt hàng và tăng cường các thủ tục hải quan nghiêm ngặt nhằm hạn chế hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.

Hàng hóa nhập qua các nền tảng thương mại trực tuyến

Gần đây hơn, các nước trong khối ASEAN bị hàng hóa Trung Quốc xâm nhập qua các nền tảng thương mại điện tử và họ đã có những giải pháp mạnh mẽ hơn. Lý do là các mặt hàng này thường khó kiểm soát về mặt giá cả, chất lượng, thuế quan, hàng nhái hay hàng giả... Lưu ý rằng WTO hiện chưa có quy định cụ thể đối với hàng hóa trực tuyến, vì đây là sự kết hợp giữa hàng hóa và dịch vụ. Ở Indonesia, từ tháng 1 đến tháng 7-2024, 12 nhà máy dệt may đã bị đóng cửa và 12.000 công nhân mất việc làm. Vì thế, Indonesia đã áp thuế từ 100-200% đối với các mặt hàng giày dép và dệt may từ Trung Quốc. Vào tháng 10-2024, Indonesia yêu cầu Apple và Google ngừng quảng cáo các sản phẩm của Temu. Thái Lan, vào ngày 5-7-2024, đã tăng thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị dưới 1.500 baht (khoảng 42 đô la Mỹ). Đến tháng 8, Chính phủ Thái Lan đã chặn các đơn hàng nhập khẩu trực tuyến, chờ xác minh giấy phép, thanh toán và kiểm soát chất lượng.

Về vấn đề hàng hóa Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam qua hình thức thương mại điện tử như Temu và Shein, một số biện pháp Việt Nam có thể thực hiện gồm:

Thiết lập một số trung tâm kiểm soát do Chính phủ quản lý, nơi tất cả hàng hóa mua bán trực tuyến từ nước ngoài phải đi qua trước khi được phân phối trong nước (trước khi giao hàng qua các dịch vụ phân phối như Grab). Các trung tâm này có thể là bưu điện như ở một số nước khác. Đây là nơi sẽ đảm bảo việc thu thuế nhập khẩu và kiểm tra chất lượng hàng hóa.

Các trung tâm cũng sẽ được sử dụng để kiểm tra, đảm bảo rằng hàng giả hoặc hàng được trợ giá không thể lọt qua, cũng như kiểm soát về giấy phép và các cách thanh toán.

Tất cả các công ty thương mại điện tử nước ngoài như Temu, Shein đều phải tuân thủ việc kiểm tra qua các trung tâm này.

Cho đến khi hoàn tất các công tác chuẩn bị và điều tra như trên, tạm thời đóng băng việc nhập khẩu hàng hóa qua hình thức trực tuyến.

Ba xu hướng đang nổi lên làm cho bối cảnh chính sách thêm phức tạp

Thứ nhất, có nguy cơ là xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện, với khả năng Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 45-70%. Ngược lại, Trung Quốc cũng có thể hạn chế những hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ nếu những mặt hàng này sử dụng linh kiện trung gian của Trung Quốc. Vài tuần trước, họ đã bắt đầu đe dọa sẽ kiện các công ty ở bất kỳ nơi nào sử dụng đất hiếm của họ để xuất khẩu sang Mỹ. Tương tự như vậy, họ có thể mở rộng ra để bao gồm không chỉ đất hiếm, mà cả những nguyên liệu thô khác (như bông gòn trong hàng may mặc) với hậu quả là sẽ ngăn chặn số lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Kịch bản này có thể buộc Việt Nam phải lựa chọn giữa các đối tác thương mại lớn, gây gián đoạn nghiêm trọng đến sản lượng và việc làm.

Thứ hai, sự tăng tốc của các công nghệ sản xuất kỹ thuật số đang thay đổi cơ bản các yếu tố cạnh tranh công nghiệp. Các công nghệ của công nghiệp 4.0, bao gồm trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật công nghiệp và robot tiên tiến, đang làm giảm tầm quan trọng của chi phí lao động trong khi tăng cường vai trò của hạ tầng kỹ thuật số và kỹ năng. Xu hướng này đòi hỏi Việt Nam ngày càng phải tập trung xây dựng năng lực kỹ thuật số song song với các biện pháp phát triển công nghiệp truyền thống.

Thứ ba, biến đổi khí hậu và các yêu cầu về bền vững môi trường đang tạo ra những yêu cầu mới đối với chính sách công nghiệp. Vai trò ngày càng quan trọng của các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong thương mại toàn cầu được thể hiện qua các diễn biến như Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu. Việt Nam hiện cần thiết kế các chính sách công nghiệp của mình để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường trong khi vẫn duy trì khả năng cạnh tranh.

Việc tái tổ chức chuỗi cung ứng khu vực đang tăng tốc do căng thẳng địa chính trị và các mối lo ngại về khả năng phục hồi. Xu hướng “friendshoring” này đang tạo ra những cơ hội mới cho các quốc gia có thể định vị mình trong các mạng lưới cung ứng đáng tin cậy (“friendshoring” hay “allyshoring” là hoạt động sản xuất và tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia là đồng minh địa chính trị của mình). Điều này cho thấy Việt Nam cần xem xét sự liên kết địa chính trị trong các chiến lược công nghiệp của mình đồng thời xây dựng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.

Khung thể chế để thực hiện các chính sách này trở nên đặc biệt quan trọng trong môi trường phức tạp hiện nay. Việt Nam cần xây dựng năng lực quản trị không chỉ để thực hiện các chính sách công nghiệp tinh vi mà còn để giám sát và phản ứng nhanh trước những thay đổi về công nghệ, thị trường và các tiêu chuẩn toàn cầu.

Cuộc cải cách khu vực công gần đây của Việt Nam với những biện pháp “thu gọn bộ máy” là một giải pháp quan trọng và kịp thời để cải thiện thể chế này.

Tóm lại, mặc dù việc chuyển hướng xuất khẩu của Trung Quốc đặt Việt Nam trước những thách thức đáng kể - nhất là trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, nhưng điều này cũng tạo ra một cơ hội cho sự thay đổi về thể chế mang tính đột phá. Tình huống này có thể trở thành chất xúc tác để Việt Nam vượt qua các giai đoạn phát triển truyền thống, đặc biệt trong các lĩnh vực như sản xuất số và phát triển công nghiệp bền vững.

Thành công đòi hỏi một sự cam kết bền bỉ, lập kế hoạch một cách cẩn thận và thực hiện cho có hiệu quả. Đây là những đòi hỏi thật khó khăn nhưng sẽ đem lại những lợi ích tiềm năng vượt xa khả năng phục hồi kinh tế đơn thuần để định vị Việt Nam hướng tới tăng trưởng bền vững, toàn diện trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp.

(2) Cách phân loại được chấp nhận rộng rãi nhất trên thế giới là hệ thống Phân loại kinh tế rộng (Classification by Broad Economic Categories, BEC), được duy trì bởi Liên hiệp quốc. Phiên bản hiện tại, BEC Rev.5, cung cấp các phân loại rõ ràng cho các loại hàng hóa khác nhau. Liên hiệp quốc cũng duy trì các bảng chuyển đổi chính thức cho phép chuyển đổi liền mạch giữa các hệ thống HS và BEC, đảm bảo tính nhất quán trong phân loại giữa các nguồn dữ liệu và khung phân tích khác nhau.

TS. Đinh Trường Hinh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ung-pho-voi-su-chuyen-huong-xuat-khau-cua-trung-quoc/
Zalo