Khu công nghiệp Lào - Việt sẽ tạo đột phá thương mại song phương

Khu công nghiệp Lào - Việt sẽ là những 'trái tim' tạo ra xung lực mới; là cầu nối quan trọng về hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước và trong cả ASEAN.

Kết quả chưa từng có trong hoạt động thương mại song phương

Hai nước Việt Nam và Lào gần gũi về địa lý, có ưu thế về thuận tiện giao thông, cũng như gần gũi về văn hóa và tiêu dùng.

Việt Nam - Lào có chung đường biên giới dài hơn 2.300 km đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên, là khu vực có tiềm năng phát triển, có vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và đã thành lập 9 Khu kinh tế cửa khẩu…

Thời gian qua, thương mại hai nước được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho hầu hết các mặt hàng theo các cơ chế, khuôn khổ hợp tác ký kết. Đặc biệt, những năm gần đây, thương mại hai nước Việt Nam - Lào đã có thêm những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng.

Hai bên đã ký kết và triển khai Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào, ký kết mới Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào; triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào... Những biên bản, khuôn khổ hợp tác này đã và đang tạo những điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân hai nước.

 Tại buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Lào tại Việt Nam hôm 3/1, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2024 là lần đầu tiên kim ngạch thương mại song phương hai nước vượt mốc 2 tỷ USD

Tại buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Lào tại Việt Nam hôm 3/1, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2024 là lần đầu tiên kim ngạch thương mại song phương hai nước vượt mốc 2 tỷ USD

Đánh giá về quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước Việt Nam - Lào trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2024 kim ngạch thương mại hai nước ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng khoảng 34% so với năm 2023.

“Đây là lần đầu tiên kim ngạch thương mại song phương hai nước vượt mốc 2 tỷ USD, vượt xa mục tiêu do Chính phủ hai nước đề ra trước đó” - Bộ trưởng thông tin và nhấn mạnh, kết quả này là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của cả hai nước.

Hàng hóa xuất khẩu của hai nước không mang tính cạnh tranh mà bổ sung cho nhau. Hiện Việt Nam xuất khẩu sang Lào các sản phẩm như: hóa chất, xăng dầu, máy móc, thiết bị dụng cụ, phương tiện vận tải, sản phẩm từ sắt thép... Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Lào cao su, than đá, gỗ và sản phẩm gỗ, phân bón, quặng và khoáng sản...

Về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh vai trò then chốt của hai trụ cột này trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Lào. Hợp tác mua bán than và điện giữa Việt Nam và Lào trong năm 2024 đã đạt được những kết quả hết sức tốt đẹp. Việc nhập khẩu điện và than từ Lào về Việt Nam không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam mà còn giúp khai thác tiềm năng cung ứng của Lào, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội hội của nước bạn.

Về hợp tác đầu tư, số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cho biết, tính đến tháng 12/2024, đầu tư từ Việt Nam vào Lào hiện có tổng cộng 417 dự án, với tổng giá trị được phê duyệt hơn 4.9 tỷ USD. Trong đó, các dự án đầu tư 100% vốn Việt Nam chiếm 4.6 tỷ USD. Trong đó, phần lớn các dự án đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp (680 triệu USD), năng lượng điện (980 triệu USD), khai thác khoáng sản (1 tỷ USD), dịch vụ khác (2 tỷ USD).

Trong đó, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa...

Hội chợ Thương mại Việt - Lào không chỉ có vai trò làm cầu nối hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết, mà còn là sự kiện chính trị, kinh tế xã hội có ý nghĩa góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào

Hội chợ Thương mại Việt - Lào không chỉ có vai trò làm cầu nối hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết, mà còn là sự kiện chính trị, kinh tế xã hội có ý nghĩa góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào

Đóng góp vào những kết quả này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trong Bộ Công Thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Thương vụ Việt Nam tại Lào cho biết, để thúc đẩy hợp tác thương mại hai nước, thời gian qua, Thương vụ đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại định kỳ hàng năm nhằm tạo dựng các cơ hội kết nối giao thương giữa các địa phương của hai nước.

Nổi bật là Hội chợ Thương mại Việt - Lào Expo được tổ chức vào Quý III hàng năm, đây là chương trình xúc tiến thương mại quốc gia quan trọng kết nối giao thương, miễn phí gian hàng, giúp cộng đồng doanh nghiệp hai nước có cơ hội giao lưu, ký kết nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Năm 2024, Hội chợ Thương mại Việt - Lào Expo đã được tổ chức vào tháng 7/2024 tại thủ đô Viêng-Chăn, Lào quy tụ khoảng 200 gian hàng tiêu chuẩn, trong đó có khoảng 100 gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam đến từ các ngành hàng: Nông sản thủy sản và thực phẩm chế biến; May mặc - Thời trang; Điện - Điện tử và điện gia dụng; Máy và thiết bị công nghiệp, xây dựng và vật liệu xây dựng; Đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ; Hàng tiêu dùng; Dược phẩm và thiết bị y tế; Dịch vụ thương mại, đầu tư... Hội chợ đã góp phần lớn trong việc quảng bá, giới thiệu thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại thị trường Lào.

Xung lực tạo đột phá thương mại

Dù vậy, theo ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, thương mại hai nước Việt Nam - Lào phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều điểm hạn chế: như chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất chế biến, cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics tại khu vực cửa khẩu chưa hiệu quả...

Hơn nữa, việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, tuyến đường liên huyện tại một số khu vực còn chậm, chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới.

Khu công nghiệp Lào - Việt nếu đi vào hoạt động hiệu quả sẽ là cầu nối thương mại quan trọng của hai nước. Ảnh: TTXVN

Khu công nghiệp Lào - Việt nếu đi vào hoạt động hiệu quả sẽ là cầu nối thương mại quan trọng của hai nước. Ảnh: TTXVN

Trong thời gian tới, nhằm quyết tâm tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại - đầu tư giữa hai nước, Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước có chủ trương tăng cường kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế và “ấp ủ” triển khai xây dựng Khu công nghiệp Lào - Việt.

Liên quan đến chủ trương hợp tác này, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm cho rằng, Việt Nam và Lào là hai nước đang phát triển, đều gặp phải những hạn chế cản trở quá trình công nghiệp hóa, chẳng hạn như việc tiếp cận cơ sở hạ tầng, công nghệ và tài chính, cũng như chi phí sản xuất và giao dịch cao do thiếu cơ sở hạ tầng và thể chế còn nhiều bất cập.

Do vậy, Đại sứ cho rằng, việc hình thành các khu công nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy xuất khẩu cũng như thúc đẩy hiện đại hóa kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị mới tại mỗi nước.

Phân tích rõ hơn về tiềm năng hợp tác phát triển dự án Khu công nghiệp giữa hai nước, Đại sứ Nguyễn Minh Tâm cho rằng, với các yếu tố cơ bản và tiềm năng sẵn có, Lào có nhiều lợi thế và cơ sở để phát triển khu công nghiệp như tài nguyên thiên nhiên dồi dào, chi phí thuê đất rẻ, giá nhân công thấp và đặc biệt Lào đang tích cực triển khai định hướng trở thành trung tâm logistics khu vực.

Trong khi đó, với những kinh nghiệm từ các mô hình khu công nghiệp đã xây dựng và đang phát huy hiệu quả trong việc phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam có thể hợp tác với phía Lào để nghiên cứu, từ đó hình thành những khu công nghiệp Lào - Việt.

Đại sứ Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh, nếu được quan tâm và phát triển đúng hướng, các khu công nghiệp Lào - Việt sẽ là những “trái tim” tạo ra nguồn xung lực mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Lào trong thời gian tới. Đặc biệt, những “trái tim” này sẽ là nơi hội tụ của các doanh nghiệp đầu tư, thương mại và dịch vụ logistics, tạo hệ thống kết nối trung chuyển hàng hóa, hình thành nhiều cơ sở sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân vùng dự án và xuất khẩu.

Không những vậy, theo Đại sứ khi các Khu công nghiệp Lào - Việt hoạt động có hiệu quả sẽ là điểm nhấn, là cầu nối quan trọng cho hai nước về thương mại, đầu tư và kết nối thương mại trong nội khối ASEAN hướng ra các cảng biển lớn của Việt Nam, từ đó tạo ra những đột phá mới về hợp tác kinh tế hai nước.

Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam sẽ thăm Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào từ ngày 9-10/1/2025.

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Lãnh đạo chủ chốt Việt Nam trong năm mới 2025 và Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên phía Lào đón trong năm 2025.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai Đảng, hai nước đang tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, trong đó phấn đấu hoàn thành các mục tiêu chiến lược đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ.

Khánh An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khu-cong-nghiep-la-o-viet-se-tao-dot-pha-thuong-mai-song-phuong-368640.html
Zalo