Kế hoạch thắt chặt định lượng của NHTW Nhật đang bị thử thách

Việc thảo luận về chi tiêu tài chính lớn và sự gia tăng đột biến của lợi suất trái phiếu siêu dài hạn đang đặt ra câu hỏi về việc NHTW Nhật Bản có thể giảm dần việc mua trái phiếu (hay còn gọi là thắt chặt định lượng – QT) nhanh như thế nào.

NHTW Nhật Bản - BOJ

NHTW Nhật Bản - BOJ

Theo đó lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn siêu dài (JGB) đã tăng đều đặn kể từ tháng 4, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 40 năm đạt mức cao kỷ lục là 3,44% vào thứ Hai, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn khác vẫn ổn định.

Mặc dù mức tăng này một phần là do nhu cầu từ các công ty bảo hiểm nhân thọ giảm, nhưng nó cũng phản ánh kỳ vọng của thị trường về tình hình tài chính ngày càng xấu đi của Nhật Bản khi các nhà lập pháp gia tăng kêu gọi chi tiêu lớn và cắt giảm thuế trước cuộc bầu cử thượng viện dự kiến diễn ra vào tháng 7.

“Các nhà đầu tư đang tránh xa trái phiếu kỳ hạn siêu dài vì lo ngại về các vấn đề tài chính của Nhật Bản. Điều đó đang làm xói mòn thanh khoản và gây ra những biến dạng thị trường chưa từng thấy trong quá khứ”, Katsutoshi Inadome - Chiến lược gia cấp cao tại Sumitomo Mitsui Trust Asset Management cho biết.

Theo các nhà phân tích và các nguồn tin quen thuộc với suy nghĩ của BOJ, sự gia tăng lợi suất siêu dài hạn có thể ảnh hưởng đến quyết định của cơ quan này về tốc độ và thành phần của chính sách QT trong tương lai.

“Sau khi từ bỏ kiểm soát đường cong lợi suất vào năm ngoái, lãi suất dài hạn không còn là công cụ chính sách tiền tệ của BOJ nữa”, một trong những nguồn tin cho biết. “Điều quan trọng là liệu sự gia tăng của lãi suất siêu dài hạn có ảnh hưởng đến lợi suất cho các vùng đáo hạn khác hay không”.

Sự gia tăng mạnh của lợi suất trái phiếu siêu dài hạn đến đúng vào thời điểm nhạy cảm đối với BOJ, khi mà cơ quan này sẽ xem xét lại chương trình QT hiện tại (kéo dài đến tháng 3 năm 2026) tại cuộc họp chính sách vào tháng tới và đưa ra kế hoạch thu hẹp trái phiếu từ tháng 4 năm 2026 trở đi.

Theo kế hoạch hiện tại (được vạch ra vào năm ngoái), BOJ đã giảm tốc độ mua trái phiếu khoảng 400 tỷ yên (2,74 tỷ USD) mỗi quý để giảm một nửa lượng mua hàng tháng xuống còn 3 nghìn tỷ yên vào tháng 3 năm 2026 - tốc độ này sẽ làm giảm bảng cân đối kế toán 3,9 nghìn tỷ USD của BOJ tới 8%.

Tuần tới, BOJ sẽ tiến hành tham vấn với các ngân hàng, công ty bảo hiểm và những người tham gia thị trường khác để biết quan điểm của họ về tốc độ thu hẹp mong muốn. Những thông tin này sẽ làm cơ sở cho quyết định của BOJ về các kế hoạch QT tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 16 và 17 tháng 6.

Kế hoạch QT là một phần quan trọng trong chiến lược của BOJ nhằm thoát khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên sau một khởi đầu khá suôn sẻ với việc chấm dứt lãi suất âm và kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu vào năm ngoái, quá trình bình thường hóa chính sách của BOJ này đã bị gián đoạn bởi thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhiều nhà phân tích dự đoán BOJ sẽ không thay đổi kế hoạch QT hiện tại và sẽ duy trì hoặc giảm tốc độ cắt giảm từ năm tài chính 2026 để tránh làm đảo lộn thị trường.

Trong khi các nguồn tin quen thuộc với suy nghĩ của BOJ cho biết, cũng giống như kế hoạch QT hiện tại, chương trình mới sau tháng 4 năm 2026 sẽ tìm cách cung cấp cho thị trường khả năng dự đoán về tốc độ thu hẹp, đồng thời để BOJ có một số sự linh hoạt trong việc điều chỉnh các giao dịch mua.

Tuy nhiên điều đó có thể trở nên khó khăn nếu sự bóp méo thị trường vẫn tiếp diễn hoặc dẫn đến đợt bán tháo trái phiếu rộng hơn do niềm tin của thị trường đối với tài chính của Nhật Bản suy yếu, các nhà phân tích cho biết.

Mari Iwashita - Chiến lược gia lãi suất điều hành tại Nomura Securities chỉ ra các yếu tố cấu trúc có thể khiến thị trường trái phiếu trở nên mong manh, chẳng hạn như sự hiện diện ngày càng giảm của BOJ, nhu cầu về trái phiếu siêu dài hạn giảm và sự phụ thuộc quá mức của chính trị vào chi tiêu tài chính. “Những yếu tố cấu trúc như vậy là không thể đảo ngược và không phải là thứ mà riêng BOJ có thể sửa chữa được”, bà nói.

Mặc dù kế hoạch QT của BOJ khó có thể tác động trực tiếp đến lộ trình tăng lãi suất của ngân hàng này, nhưng lợi suất trái phiếu tăng đột biến có thể gây tổn hại đến niềm tin của doanh nghiệp và khiến việc thuyết phục công chúng về nhu cầu tăng chi phí vay ngắn hạn trở nên khó khăn hơn.

Hà Vy

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ke-hoach-that-chat-dinh-luong-cua-nhtw-nhat-dang-bi-thu-thach-164237.html
Zalo