Đề xuất cơ chế mềm cho kinh tế tư nhân: Không áp dụng hồi tố để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp

Chính phủ đề xuất ưu tiên biện pháp xử lý dân sự, hành chính, cho phép doanh nghiệp chủ động khắc phục thiệt hại, đồng thời đề xuất không được áp dụng hồi tố để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Sáng 15/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Trình bày Dự thảo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, Dự thảo là bước thể chế hóa 5 chính sách lớn theo tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận đất đai, tài chính, công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; và hình thành doanh nghiệp quy mô vừa và lớn.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất của dự thảo là việc chuyển hướng tiếp cận đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh. Theo đó, Chính phủ đề xuất ưu tiên xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính, cho phép tổ chức, cá nhân vi phạm chủ động khắc phục hậu quả về kinh tế trước khi cân nhắc đến các biện pháp hình sự.

Ngay cả khi có dấu hiệu phạm tội, việc xử lý cũng nên căn cứ trên tinh thần khắc phục thiệt hại kịp thời, toàn diện để làm cơ sở cân nhắc khi khởi tố, điều tra, truy tố hay xét xử.

Đáng chú ý, Chính phủ cũng đề xuất không áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo nguyên tắc pháp lý công bằng và khuyến khích sự yên tâm trong đầu tư, kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Nghị quyết số 68 nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế nhằm tạo “cú hích, đòn bẩy, điểm tựa” tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân.

Dự thảo nghị quyết cũng đưa ra các nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực, cạnh tranh đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo đó, số lần thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Tương tự, số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) bao gồm cả kiểm tra liên ngành, đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Nếu cùng một nội dung, cơ quan quản lý nhà nước không được thanh tra, kiểm tra trong cùng 1 năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Chính phủ cũng đề xuất các cơ chế, chính sách để tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Đồng thời, ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết các quy định nêu trên nhằm thể chế hóa các nhiệm vụ về bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân của Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, Ủy ban nhận thấy một số nhiệm vụ không phải là nội dung mới nhưng quá trình thực thi còn nhiều hạn chế. Do đó, đề nghị các cơ quan liên quan chỉ đạo xem xét, đánh giá lại công tác triển khai thực hiện để có giải pháp chấn chỉnh, kiểm soát quyền lực; sớm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng nội dung này sau khi Nghị quyết được ban hành.

Theo ông Phan Văn Mãi, có ý kiến đề nghị chỉ rõ cơ quan chịu trách nhiệm và thời hạn để kết luận, công bố công khai kết luận đối với những vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng; bổ sung chế tài đối với hành vi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán kéo dài, gây tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Có ý kiến đề nghị không thực hiện biện pháp ngăn chặn bằng "tạm giam" khi chưa thật sự cần thiết.

Minh Đăng

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/de-xuat-co-che-mem-cho-kinh-te-tu-nhan-khong-ap-dung-hoi-to-de-xu-ly-bat-loi-cho-doanh-nghiep-post560073.html
Zalo