Iran và Nga siết chặt quan hệ năng lượng nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây
Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC) và Thứ trưởng Năng lượng Nga vừa tái khẳng định cam kết mở rộng hợp tác song phương thông qua các dự án dầu khí chung.

Ban lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Iran tiếp xúc đoàn do Thứ trưởng Năng lượng Nga dẫn đầu, để thảo luận về việc tăng cường hợp tác Iran-Nga trong lĩnh vực năng lượng và phát triển các mỏ dầu khí. Ảnh Shana
Theo Shana, vào thứ Hai, ngày 17/2, ông Hamid Bovard đã gặp ông Roman Marshavin, Thứ trưởng Năng lượng Nga, để thảo luận về việc tăng cường hợp tác Iran-Nga trong lĩnh vực năng lượng và phát triển các mỏ dầu khí.
Ông Bovard nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thắt chặt quan hệ với Nga và thiết lập mối quan hệ dài hạn, đồng thời khẳng định ngành dầu khí rộng lớn của Iran mang lại nhiều cơ hội hợp tác. Ông cho rằng các dự án chung sẽ tạo tiền đề cho sự hợp tác bền vững và mở rộng giữa hai quốc gia.
Ông Marshavin cũng bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ với Iran, nói rằng: "Chúng tôi mong muốn mở rộng hợp tác với Iran và hoàn toàn ủng hộ tất cả các dự án chung giữa hai nước”.
Trong những năm gần đây, Iran và Nga đã siết chặt quan hệ năng lượng nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Năm 2022, hai nước đã ký một biên bản ghi nhớ trị giá 40 tỷ USD, trong đó các tập đoàn năng lượng lớn của Nga cam kết đầu tư vào các mỏ dầu khí của Iran, bao gồm việc phát triển các mỏ khí Kish và North Pars. Tập đoàn dầu khí quốc doanh Gazprom của Nga cũng cam kết hỗ trợ Iran trong lĩnh vực hóa lỏng khí đốt và phát triển hạ tầng đường ống dẫn khí.
Gần đây, Tehran và Moscow đang hợp tác xây dựng các cơ chế tài chính mới để tránh giao dịch bằng đồng đô la Mỹ, giúp hoạt động thương mại năng lượng diễn ra thuận lợi hơn. Vào tháng 1, Bộ trưởng Dầu khí Iran thông báo một phần xuất khẩu dầu của Iran sang Nga đã được thanh toán bằng đồng ruble và rial, thể hiện nỗ lực của hai nước trong việc giảm dần sự phụ thuộc vào đồng đô la.
Ngoài ra, Iran cũng gia tăng hoạt động hoán đổi dầu thô với Nga, đặc biệt qua Biển Caspi, giúp Moscow duy trì dòng chảy xuất khẩu bất chấp các hạn chế từ phương Tây. Năm ngoái, Iran đã tiếp nhận nhiều lô dầu thô của Nga để tinh chế trong nước và tái xuất qua Vịnh Ba Tư, một chiến lược giúp cả hai quốc gia vừa đối phó với lệnh trừng phạt vừa củng cố quan hệ hợp tác năng lượng.