GS.TS Võ Khánh Vinh: 'Đổi mới xây dựng pháp luật phải theo hướng phát huy dân chủ và bảo vệ quyền con người'
Kỷ nguyên phát triển mới của đất nước đòi hỏi phải đổi mới căn bản, mạnh mẽ, mang tính đột phá cách mạng công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật theo hướng phát huy dân chủ và bảo vệ quyền con người, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đây là nội dung trao đổi của GS.TS Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với Báo Pháp luật Việt Nam.

GS.TS Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Phát huy dân chủ, tăng cường pháp quyền
Thưa Giáo sư, kỷ nguyên phát triển mới của đất nước đặt ra các yêu cầu mới ra sao đối với xây dựng và thực thi pháp luật?
- Theo chúng tôi, đó là các yêu cầu phát huy dân chủ, thúc đẩy quyền con người, tăng cường pháp quyền, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về pháp luật. Các yêu cầu này đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới căn bản, mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp, bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đổi mới mạnh mẽ cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.
Trong lĩnh vực này, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là: Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn hiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cũng đã chỉ rõ về vấn đề này.
Yêu cầu phát huy dân chủ, thúc đẩy quyền con người, tăng cường pháp quyền, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về pháp luật đòi hỏi phải dân chủ hóa, quyền con người hóa/nhân quyền hóa, pháp quyền hóa xây dựng và thực thi pháp luật trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước. Yêu cầu tổng quát này đòi hỏi phải đổi mới cơ bản, mạnh mẽ xây dựng và thi hành pháp luật để phát huy dân chủ và bảo vệ quyền con người trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam.
Xây dựng pháp luật gắn liền với đổi mới thể chế pháp luật
Theo Giáo sư, việc đổi mới xây dựng pháp luật để phát huy dân chủ và bảo vệ quyền con người đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên phát triển mới cần phải được tiến hành theo định hướng nào?
- Chúng tôi cho rằng, trước hết và trên hết là đổi mới sâu sắc, toàn diện tư duy xây dựng pháp luật, nhất là tư duy lập pháp; đổi mới tổ chức và hoạt động xây dựng pháp luật, nhất là tổ chức và hoạt động lập pháp; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật, nhất là hoạt động lập pháp; phát triển và nâng cao năng lực của nhân lực xây dựng pháp luật, nhất là nhân lực lập pháp; đổi mới các điều kiện bảo đảm xây dựng pháp luật, nhất là lập pháp.
Trước hết và trên hết là đổi mới sâu sắc, toàn diện tư duy xây dựng pháp luật, nhất là tư duy lập pháp. Trong đó, đổi mới sâu sắc, toàn diện tư duy xây dựng pháp luật, nhất là tư duy lập pháp thể hiện ở chỗ, xây dựng pháp luật không phải chỉ là hoạt động mang tính pháp lý thuần túy mà là hoạt động mang tính chính trị - kinh tế - xã hội sâu sắc, gắn liền với đổi mới thể chế pháp luật.
Hoạt động xây dựng pháp luật, trước hết là hoạt động lập pháp là hoạt động thể chế hóa, gia tăng các tư tưởng, giá trị, nội dung dân chủ, quyền con người, pháp luật, pháp quyền. Hoạt động này xây dựng nên hệ thống thể chế pháp luật để phát huy dân chủ, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, thúc đẩy phát triển đất nước. Đây là đời sống thứ nhất của dân chủ, quyền con người, pháp luật, pháp quyền. Hoàn thiện thể chế được Đảng ta coi là đột phá thứ nhất trong 3 đột phá phát triển đất nước.
Đổi mới xây dựng pháp luật, xét trên phương diện nội dung, phải theo hướng phát huy dân chủ và bảo vệ quyền con người đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới. Điều này đòi hỏi phải dân chủ hóa, nhân quyền hóa, pháp quyền hóa xây dựng pháp luật, nhất là làm luật. Xây dựng pháp luật, nhất là làm luật không chỉ là hoạt động mang tính nội dung sâu sắc mà còn là “diễn đàn”, “trường học” dân chủ, nơi thể hiện nhận thức, sự ghi nhận, hiện thực hóa dân chủ, hiện thực hóa, thể chế hóa quyền con người “tự nhiên” thành quyền con người “thực định”. Do vậy, cần phải dân chủ hóa, nhân quyền hóa, pháp quyền hóa mạnh mẽ xây dựng pháp luật, nhất là xây dựng luật, tổ chức và hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Dân chủ hóa xây dựng pháp luật, nhất là làm luật đòi hỏi phải dân chủ hóa toàn bộ nội dung và quá trình xây dựng pháp luật, nhất là làm luật. Dân chủ hóa xây dựng pháp luật, nhất là xây dựng luật đòi hỏi phải huy động tất cả các chủ thể trong xã hội tham gia xây dựng pháp luật. Sự tham gia đó vừa là quyền, vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể trong xã hội. Điều này yêu cầu phải có cơ chế pháp lý phù hợp để các chủ thể trong xã hội thực hiện quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia xây dựng pháp luật của mình.
Nhân quyền hóa xây dựng pháp luật, nhất là làm luật đòi hỏi phải nhân quyền hóa toàn bộ nội dung và quá trình xây dựng pháp luật, nhất là làm luật. Nhân quyền hóa xây dựng pháp luật đòi hỏi xây dựng pháp luật phải dựa trên cách tiếp cận dựa trên quyền con người, lấy quyền con người làm trọng tâm của xây dựng pháp luật, nhất là xây dựng luật.
Pháp quyền hóa xây dựng pháp luật, nhất là làm luật đòi hỏi phải pháp quyền hóa toàn bộ nội dung và quá trình xây dựng pháp luật, nhất là làm luật. Pháp quyền hóa xây dựng pháp luật đòi hỏi phải xây dựng pháp luật phải đáp ứng tất cả các yêu cầu pháp quyền trong toàn bộ nội dung xây dựng pháp luật, nhất là xây dựng luật.
Bên cạnh đó, đổi mới xây dựng pháp luật, xét trên phương diện quy trình (hình thức), phải theo hướng tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và hoàn thiện thẩm quyền, quy trình xây dựng pháp luật, nhất là quy trình làm luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, phúc đáp nhu cầu phát triển đất nước. Đồng thời, phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng pháp luật. Hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo văn bản quy phạm.
Đổi mới thi hành pháp luật là đổi mới việc đưa pháp luật vào cuộc sống

GS.TS Võ Khánh Vinh phát biểu tại một hội thảo quốc gia. (Ảnh trong bài: NVCC)
Vậy còn vấn đề tổ chức thi hành pháp luật cần đổi mới như thế nào để phát huy dân chủ và bảo vệ quyền con người đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên phát triển mới, thưa Giáo sư?
- Đổi mới thi hành pháp luật là đổi mới việc đưa pháp luật dân chủ, nhân đạo, vì quyền con người, pháp quyền vào cuộc sống với tư cách là đời sống thứ hai của dân chủ, quyền con người, pháp luật, pháp quyền.
Trước hết và trên hết là đổi mới tư duy thi hành pháp luật theo hướng dân chủ hóa, nhân quyền hóa, pháp luật hóa, pháp quyền hóa toàn bộ nội dung và quá trình thi hành pháp luật, lấy phát huy dân chủ và bảo vệ quyền con người chất lượng, hiệu quả hơn làm trọng tâm; hoàn thiện cơ chế gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật; chú trọng hoạt động thi hành pháp luật; bảo đảm thi hành pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả; tập trung chỉ đạo quyết liệt và tăng cường nguồn lực cho thi hành pháp luật; nâng cao năng lực tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới.
Đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, bảo đảm tính pháp chế, nghiêm minh, hiệu lực, chất lượng, hiệu quả của pháp luật, bao gồm đổi mới thể chế, tổ chức, phương thức thi hành pháp luật.
Chẳng hạn, đổi mới pháp luật về tổ chức các cơ quan thi hành pháp luật theo hướng xác định rõ ràng, cụ thể vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức thi hành pháp luật trong cơ chế điều chỉnh pháp luật nói chung; tiếp tục hoàn thiện tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan thi hành pháp luật; tiếp tục hoàn thiện tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan tham gia thi hành; tiếp tục hoàn thiện tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan theo dõi, giám sát thi hành pháp luật.
Phát triển nhân lực thi hành pháp luật theo hướng bảo đảm đủ về số lượng, nâng cao năng lực và chất lượng nhân lực thi hành pháp luật; xác định các phẩm chất, các loại nhân lực thi hành pháp luật; nâng cao năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ thi hành pháp luật; các bảo đảm cần thiết cho hoạt động thi hành pháp luật.
Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật; hoàn thiện cơ chế phòng ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thi hành pháp luật; nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cán bộ công tác trong lĩnh vực này; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về các vi phạm pháp luật. Tăng cường sự giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên, tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông và người dân đối với thi hành pháp luật.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!