IMF: Nhiều NHTW châu Á có dư địa nới lỏng tiền tệ

Nhiều NHTW châu Á có dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để giảm bớt tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ đời với nền kinh tế, một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết sau khi định chế tài chính này hạ dự báo tăng trưởng của khu vực.

Trong dự báo mới nhất của mình, IMF cho biết họ dự kiến tăng trưởng kinh tế của châu Á sẽ chậm lại ở mức khoảng 3,9% và 4,0% vào năm 2025 và 2026, giảm so với mức 4,6% vào năm 2024 và thấp hơn nhiều so với kỳ vọng trước đó.

Krishna Srinivasan - Giám đốc Bộ phận châu Á - Thái Bình Dương của IMF cho biết trong một cuộc họp báo tại Hội nghị thường niên mùa xuân của IMF và WB rằng, sự bất ổn về chính sách thương mại đã gia tăng đáng kể kể từ tháng 1, điều này đã làm xấu đi thêm triển vọng kinh tế trong ngắn hạn của khu vực.

Ông cho biết, châu Á đặc biệt dễ bị tổn thương trước những cú sốc về chính sách thương mại vì nhiều nền kinh tế của khu vực này cởi mở với thương mại và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. “Sự kết hợp giữa việc tiếp xúc nhiều hơn với thị trường Hoa Kỳ và sự bất ổn đáng kể về chính sách toàn cầu tạo ra một điểm yếu cho khu vực này”, ông nói.

Bên cạnh tác động đến thương mại từ thuế quan, châu Á còn phải đối mặt với rủi ro bất ổn gia tăng dẫn đến biến động thị trường, từ đó dẫn đến thắt chặt các điều kiện tài chính, Srinivasan nói. “Đó có thể là rủi ro bất lợi lớn đối với châu Á trong tương lai”, Srinivasan nói và nhấn thêm: “Vì vậy, mặc dù chúng tôi đã điều chỉnh giảm dự báo của mình, nhưng rủi ro bất lợi vẫn khá đáng kể đối với khu vực này”.

Theo ông, bối cảnh đó khiến các nhà hoạch định chính sách khu vực phải đối mặt với những sự đánh đổi gay gắt trong việc giải quyết tình hình bất ổn kinh tế, vốn được thúc đẩy bởi thông báo áp thuế nhập khẩu cao đối với hầu hết các quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 2 tháng 4.

Nhưng vị này cũng lưu ý rằng áp lực giá thấp đã tạo cho các nền kinh tế châu Á một số dư địa để điều chỉnh lãi suất. “Trong một khu vực mà lạm phát chủ yếu ở mức hoặc dưới mục tiêu, có thể nới lỏng chính sách tiền tệ để giảm bớt những cú sốc bên ngoài ở nhiều quốc gia”, ông Krishna Srinivasan cho biết.

Mặc dù cho rằng tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái sẽ là một biện pháp đệm chính chống lại các cú sốc, nhưng ông cho biết sự can thiệp tiền tệ cũng có thể phải được tính đến trong trường hợp biến động thị trường tài chính gia tăng.

Bên cạnh đó, ông cũng khuyến nghị, khi nhu cầu tại các thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ chậm lại, IMF thấy tiềm năng lớn hơn đối với thương mại nội khối để giảm bớt tác động. Các nền kinh tế châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, cũng phải thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng cách thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư, Srinivasan nói thêm.

Hà Vy

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/imf-nhieu-nhtw-chau-a-co-du-dia-noi-long-tien-te-163401.html
Zalo