Một kỷ nguyên mới đầy bất ổn đối với kinh tế thế giới
IMF, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 2,8% trong năm 2025 và 3% năm 2026, từ mức dự báo trước đó là 3,3% cho cả hai năm.

IMF mới đây đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2025 và 2026. Ảnh: AFP/ TTXVN
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo các hàng rào thuế quan do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng đang đẩy kinh tế toàn cầu vào một kỷ nguyên mới đầy bất ổn.
Với mức thuế trung bình của Mỹ đạt đỉnh kể từ Đại suy thoái, tăng trưởng toàn cầu bị kéo xuống mức thấp nhất trong gần một thập kỷ. Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – chịu thiệt hại nặng nề, trong khi các thị trường mới nổi đối mặt với hệ lụy lan tỏa. Liệu thuế quan có thể thúc đẩy sản xuất nội địa như ông Trump kỳ vọng, hay chỉ làm trầm trọng thêm khủng hoảng? Tác động của thuế quan lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ như thế nào?
Thuế quan Mỹ: Cú sốc chuỗi cung ứng và khủng hoảng tăng trưởng
Theo bài viết trên tờ Wall Street Journal (WSJ), kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2025, ông Trump đã áp đặt hàng loạt thuế nhập khẩu. Các đối tác như Trung Quốc (đã áp thuế trả đũa 125% đối với hàng hóa Mỹ) hay Canada và Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố sẽ có hành động đối phó, kéo thế giới vào cuộc chiến thương mại khốc liệt. IMF nhận định các biện pháp này gây ra cú sốc đối với chuỗi cung ứng, tương tự những gì đã diễn ra trong thời kỳ đại dịch COVID-19, làm tăng chi phí sản xuất và giảm năng suất toàn cầu.
IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 2,8% trong năm 2025 và 3% năm 2026, từ mức dự báo trước đó là 3,3% cho cả hai năm. Con số này thấp hơn mức trung bình dài hạn 3,7% mà IMF đã đưa ra. Trong số các nền kinh tế, Mỹ chịu thiệt hại nặng, với sức tăng trưởng năm 2025 giảm còn 1,8%, thấp hơn so với dự báo trước đó là 2,7%. Trung Quốc cũng không tránh khỏi tác động, với dự báo tăng trưởng giảm từ 4,6% xuống 4% năm 2025 và từ 4,5% xuống 4% trong năm 2026. Mexico đối mặt với suy thoái -0,3%, trong khi Khu vực đồng euro (Eurozone) chỉ đạt tăng trưởng 0,8%, thấp hơn dự báo trước là 1% và Nhật Bản dự báo tăng trưởng 0,6% trong cả hai năm 2025 và 2026.
Ông Pierre-Olivier Gourinchas, cố vấn kinh tế IMF, cảnh báo: “Hệ thống kinh tế toàn cầu vận hành 80 năm qua đang được thiết lập lại”. Ông nhấn mạnh đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục chậm lại còn 1,7% vào năm 2026, trong khi trước đó IMF dự báo mức tăng trưởng là 2,1%.
Kinh tế Mỹ: Lạm phát tăng, sản xuất khó phục hồi
Thuế quan sẽ đẩy lạm phát tại Mỹ lên tới 3% vào cuối 2025, tăng 1% so với dự báo trước đây, do biến động giá dịch vụ và cú sốc nguồn cung từ thuế. Ông Gourinchas giải thích: “Thuế quan cao ngất ngưởng sẽ làm giảm 0,4% tăng trưởng của kinh tế Mỹ, gây áp lực lớn lên doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu”. Áp lực lạm phát khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất, bất chấp chỉ trích từ Tổng thống Trump. IMF nhấn mạnh: “Sự độc lập của ngân hàng trung ương là nền tảng để duy trì tín nhiệm của chính sách tiền tệ”.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã lập luận rằng thuế sẽ thúc đẩy sản xuất nội địa và tạo việc làm tại các nhà máy. Tuy nhiên, chuyên gia Gourinchas phản bác: “Sự suy giảm việc làm trong sản xuất đến từ tiến bộ công nghệ và tự động hóa, không phải toàn cầu hóa”. Sau năm 2026, thuế quan có thể làm giảm động lực cải tiến của doanh nghiệp Mỹ do thiếu cạnh tranh, gây hại lâu dài. Hơn nữa, vai trò trung tâm của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu có nguy cơ suy yếu. IMF cảnh báo: “Một sự thiết lập lại đột ngột trong hệ thống tiền tệ quốc tế có thể gây tác động lớn đến đồng USD”.
Trung Quốc: Cú sốc thuế quan và thách thức nội tại
Nền kinh tế Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt giá trị 525 tỷ USD, chịu ảnh hưởng nặng từ mức thuế cao của Mỹ. IMF ước tính thuế quan làm giảm 1,3% tăng trưởng của nước này, một “đòn giáng mạnh” với nền kinh tế vốn đang căng thẳng. Bà Petya Koeva Brooks, thuộc Bộ phận Nghiên cứu IMF, nhận định: “Sự kết hợp giữa cú sốc thuế quan và nhu cầu nội địa yếu, cùng khủng hoảng bất động sản, là nguyên nhân khiến chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc”. Tuy nhiên, lạm phát tại Trung Quốc giảm 0,8% là do nhu cầu suy yếu, trái ngược với xu hướng tăng giá tại Mỹ.
Theo tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng), để ứng phó, Bắc Kinh đã chuyển trọng tâm sang tiêu dùng nội địa. Thủ tướng Lý Cường kêu gọi: “Cần mở rộng nhu cầu trong nước và giải phóng tiềm năng thị trường”. Các "gã khổng lồ" công nghệ như Alibaba và Tencent đã tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu chuyển hướng sang thị trường nội địa. Đồng thời, IMF dự báo Trung Quốc sẽ tăng kích thích tài khóa năm 2025–2026 để bù đắp tác động thuế quan.
Tuy nhiên, các vấn đề cấu trúc như dân số già hóa đe dọa tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong dài hạn. Bà Deniz Igan, chuyên gia IMF, cảnh báo: “Trung Quốc già hóa nhanh hơn hầu hết các nước, làm giảm nguồn cung lao động và năng suất. Nếu không cải cách y tế và lao động, thách thức này sẽ khó kiểm soát”.
Hệ lụy lan tỏa và lời kêu gọi hợp tác
Tác động của thuế quan ở Mỹ và Trung Quốc dự báo rất sâu rộng. Các thị trường mới nổi, đặc biệt những nước liên kết thương mại chặt chẽ với hai nền kinh tế này, sẽ chịu hệ lụy từ gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu yếu. Ông Gourinchas nhấn mạnh: “Chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng của hầu hết các thị trường mới nổi trong năm 2025 và 2026”.
Trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về triển vọng kinh tế toàn cầu, các quan chức tài chính từ các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đã có một phiên họp kín kéo dài khoảng hai tiếng rưỡi ngày 22/4, bên lề các cuộc họp của IMF tại Washington. Cuộc họp này đã phản ánh lo ngại chung. Một quan chức giấu tên tiết lộ: “Chính sách thương mại khó lường của Mỹ gây bất ổn cho các nước thành viên. Chúng tôi thảo luận cách tăng cường vai trò của Ngân hàng Phát triển Mới để ứng phó”.
IMF kêu gọi các chính phủ nên ưu tiên ổn định chính sách thương mại và thúc đẩy hợp tác đôi bên cùng có lợi. Ông Gourinchas nhấn mạnh: “Căng thẳng thương mại ngày càng tồi tệ có thể làm giảm tăng trưởng hơn nữa”. Tuy nhiên, triển vọng đạt thỏa thuận đa phương mờ nhạt khi ông Trump tạm hoãn thi hành thuế đối ứng trong vòng 90 ngày, nhưng vẫn đẩy mạnh thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Dữ liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I/2025 của Trung Quốc đạt 5,4% chưa được phản ánh trong dự báo IMF, nhưng ông Gourinchas đánh giá: “Sự thay đổi cơ bản trong môi trường thương mại tạo ra bất ổn lớn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và chính phủ”.
Lối thoát
Để giảm thiểu thiệt hại, các nước cần phối hợp chính sách. Mỹ nên xem xét lại thuế quan, ưu tiên đàm phán đa phương thay vì bảo hộ đơn phương. Trung Quốc cần đẩy mạnh cải cách cấu trúc, từ y tế đến lao động, để đối phó với già hóa dân số và tăng cường nội lực. Các thị trường mới nổi cần đa dạng hóa đối tác thương mại và tăng cường hội nhập khu vực như tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để giảm phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc.
IMF nhấn mạnh vai trò của các ngân hàng trung ương độc lập và các thỏa thuận thương mại minh bạch. Tổ chức này khẳng định, nếu không hành động kịp thời, nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái sâu hơn, với hệ thống tài chính kém ổn định và đồng USD mất dần vị thế. Kỷ nguyên mới này đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu để vượt qua 'cơn bão" thuế quan và xây dựng một tương lai kinh tế bền vững.