BIDV chủ động 'thiết kế' kịch bản ứng phó, sát cánh cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Lãnh đạo BIDV đánh giá tác động từ các biện pháp áp thuế không chỉ dừng lại ở hoạt động sản xuất, mà còn ảnh hưởng dây chuyền đến lĩnh vực tín dụng ngân hàng.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của BIDV.
Trước những biến động khó lường trong thương mại quốc tế, đặc biệt là chính sách áp thuế từ phía Mỹ, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã rà soát kỹ lưỡng mức độ rủi ro để tính toán chi phí ứng phó phù hợp. Dù đánh giá ban đầu cho thấy tác động không quá nghiêm trọng, nhưng BIDV vẫn chủ động xây dựng các biện pháp đề phòng.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được thảo luận tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của BIDV diễn ra sáng 26/4 tại Hà Nội.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết, tổng dư nợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi thuế quan hiện khoảng 300.000 tỷ đồng, tương đương 15% dư nợ BIDV. Những lĩnh vực chịu tác động lớn bao gồm: sản xuất thép, nhựa, cơ khí, thủy sản, giày da, may mặc, logistics, bất động sản khu công nghiệp... Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ và các doanh nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử sẽ chịu tác động rõ rệt.
Dự báo các yếu tố vĩ mô như chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, BIDV đã thành lập ban chỉ đạo riêng để chủ động ứng phó sau khi Mỹ công bố áp thuế đối với hàng hóa từ Việt Nam.
Lãnh đạo BIDV đánh giá tác động từ các biện pháp áp thuế không chỉ dừng lại ở hoạt động sản xuất, mà còn ảnh hưởng dây chuyền đến lĩnh vực tín dụng ngân hàng. Khi nhu cầu vay vốn giảm do sản xuất – kinh doanh chững lại, tăng trưởng tín dụng khó đạt kỳ vọng. Cùng với đó, huy động vốn – nhất là từ khu vực FDI – có xu hướng giảm, do dòng tiền gửi bằng ngoại tệ suy giảm.
Ngoài ra, các hoạt động dịch vụ ngân hàng như thanh toán quốc tế, chuyển tiền, bảo lãnh... vốn sôi động khi xuất nhập khẩu phát triển, cũng bị thu hẹp khi dòng chảy thương mại bị gián đoạn, dẫn đến giảm nguồn thu từ dịch vụ phi tín dụng.
Đáng lo ngại hơn, chất lượng tài sản của ngân hàng cũng chịu áp lực khi doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm, khiến dòng tiền trả nợ chậm lại. Khi đó, tỷ lệ nợ xấu có thể gia tăng, buộc ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.
"Trước thực tế này, BIDV đã chủ động tiến hành đánh giá lại tình hình cụ thể của từng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, từ đó cá thể hóa khó khăn để cùng doanh nghiệp tháo gỡ. Dù trong trường hợp các cuộc đàm phán thương mại có đạt được tiến triển tích cực, lợi nhuận của ngân hàng vẫn khó tránh khỏi bị ảnh hưởng trong ngắn hạn", Chủ tịch BIDV cho hay.
Năm nay, BIDV dự kiến duy trì mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tương đương năm trước, khoảng 21.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng tín dụng ước đạt 16%, tỷ lệ trích lập trên dư nợ có thể được giữ ở mức hợp lý hơn so với năm trước.
Cập nhật kết quả kinh doanh quý đầu năm, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV, cho biết dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt khoảng 2,07 triệu tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm. Huy động vốn đạt 2,17 triệu tỷ đồng, tăng 1,17%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế ước tính đạt 7.019 tỷ đồng, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,65%, phản ánh phần nào những thách thức từ thị trường.
Năm 2025, BIDV đặt ra mục tiêu dư nợ tín dụng điều hành theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, phấn đấu tăng trưởng 15-16%; huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả; lợi nhuận trước thuế theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, dự kiến tăng trưởng 6-10%; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4%.
Năm 2024, tổng tài sản của BIDV đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước, tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam. Tổng vốn huy động đạt gần 2,53 triệu tỷ đồng, trong đó vốn từ tổ chức và dân cư chiếm gần 2,14 triệu tỷ đồng, tăng 13,1%. BIDV chiếm 14,3% thị phần tiền gửi toàn ngành. Dư nợ tín dụng đạt gần 2,02 triệu tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2023 và chiếm 13% tổng dư nợ nền kinh tế.
Đáng chú ý, cơ cấu tín dụng của BIDV có sự chuyển dịch tích cực. Dư nợ bán lẻ tăng 24,9%, chiếm 47,3% tổng dư nợ; dư nợ tín dụng xanh đạt 81.000 tỷ đồng, chiếm 12% toàn thị trường. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,27%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 133%.
Hiệu quả kinh doanh cũng ghi nhận những kết quả tích cực. Lợi nhuận trước thuế của khối ngân hàng thương mại đạt 30.610 tỷ đồng, tăng 14,6%; lợi nhuận hợp nhất đạt 31.990 tỷ đồng, tăng 15,9%. Các chỉ số an toàn vốn, sinh lời và thanh khoản đều đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
BIDV cũng cho biết đã chủ động giảm lãi suất bình quân khoảng 1,2% so với năm 2023, hỗ trợ hơn 400.000 khách hàng với tổng giá trị hỗ trợ trên 8.600 tỷ đồng. Ngân hàng cũng thuộc nhóm doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước hàng đầu, với số tiền trên 9.280 tỷ đồng.
Tại Đại hội, cổ đông cũng đã thống nhất thông qua việc bầu bổ sung một thành viên Hội đồng quản trị và một thành viên Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ 2022-2027.
Được giới thiệu vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị là ông Lê Quốc Nghị, hiện đang giữ chức Vụ trưởng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ông Nghị sinh năm 1965, bắt đầu công tác tại Ngân hàng Nhà nước từ năm 1989 và đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Phó Trưởng phòng Tổng hợp và Nghiên cứu kinh tế, Trưởng phòng Tin học tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Tây (cũ); Kiểm soát viên tại Vụ Tổng kiểm soát Ngân hàng Nhà nước; sau đó lần lượt giữ các vị trí Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng, Phó Vụ trưởng và Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước.
Đối với vị trí thành viên Ban Kiểm soát, ứng viên được đề cử là ông Huỳnh Phương, sinh năm 1968. Ông Phương từng là thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng TMCP Đông Á (nay là Ngân hàng TNHH MTV Số Vikki), nguyên Phó Giám đốc Ban Kiểm tra và Giám sát tuân thủ tại BIDV.