Hy sinh cái riêng, vì lợi ích chung

Tự nguyện từ bỏ quyền lợi, rời khỏi vị trí công tác khi chưa đến tuổi nghỉ hưu, tạo điều kiện cho những người trẻ cống hiến, đó chính là hành động của những cán bộ có tinh thần trách nhiệm. Trên thực tế, công cuộc tinh gọn bộ máy là một thử thách không hề dễ dàng, và đằng sau nó là cả một sự hy sinh to lớn.

Đơn cử như trường hợp ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương (tương đương hàm Thứ trưởng), tình nguyện nghỉ hưu trước tuổi. Đây là một trong những cán bộ cấp Thứ trưởng đầu tiên tự nguyện đề đạt nguyện vọng và được Ban Bí thư chấp thuận cho nghỉ hưu trước tuổi (4 năm, 9 tháng) trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước. Chia sẻ về quyết định này, ông Trương Quang Hoài Nam cho biết, ông nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy lần này theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương. Trước khi đưa ra quyết định xin nghỉ hưu trước tuổi, ông đã có những cân nhắc. Đầu tiên là tuổi tác, bởi ông là người lớn tuổi nhất trong các Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương. Các Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương và các Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đương nhiệm đều là thế hệ 7X, họ ít hơn ông tối thiểu là 5 tuổi, tức là còn tròn 1 nhiệm kỳ. Thứ hai là trình độ chuyên môn. Thế hệ 6X như ông sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong bao cấp, tự mày mò học hỏi khi đổi mới, mở cửa, đến lúc nào đó không thể bằng các bạn được đào tạo bài bản, chuyên sâu, nhất là trong lĩnh vực chính trị đối ngoại.

Những quyết định nghỉ hưu sớm của các cán bộ, đảng viên không chỉ là hành động của một cá nhân, mà là sự cống hiến vô điều kiện cho tương lai đất nước. Quá trình này đã bắt đầu tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ. Báo chí những ngày qua đưa tin nhiều cơ quan, đơn vị và nhiều địa phương có không ít cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi. Theo thông tin từ Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, có 28 cán bộ thuộc đơn vị này tình nguyện xin nghỉ hưu sớm, nghỉ công tác, thôi việc…

Tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng... nhiều cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện tinh gọn bộ máy. Thậm chí Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên có 118 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (gồm 81 công chức, 35 viên chức và 2 lao động hợp đồng) tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ thôi việc, theo Nghị định 178/NĐ-CP.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy đã và đang được Trung ương và địa phương thực hiện khẩn trương, với sự ủng hộ từ chính đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, người lao động, giúp tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tinh gọn, hiệu quả hơn. Thực tiễn cho thấy, ở đâu, nơi nào cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu nêu gương trong thực hiện, nơi đó bộ máy sẽ được sẽ sắp xếp tinh gọn thành công. Cùng với đó, chính sách thỏa đáng đối với cán bộ lãnh đạo nghỉ hưu sớm vừa ghi nhận quá trình công tác, cống hiến của họ, vừa là bước đi chiến lược, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý cán bộ. Trong bối cảnh thực hiện các chính sách cải cách hành chính và tinh giản biên chế, việc hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu sớm nhận được nhiều sự quan tâm. Chính sách này không chỉ đảm bảo quyền lợi cá nhân, mà còn góp phần trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Sau sáp nhập, hợp nhất, cơ cấu lại, vị trí việc làm của không ít cán bộ, công chức sẽ bị ảnh hưởng. Đó là điều tất yếu vì cuộc cách mạng nào cũng trải qua những giai đoạn khó khăn trước mắt. Những câu chuyện sâu sắc về những người đặt lợi ích của tập thể, của đất nước lên trên hết đã thể hiện sự đồng thuận, ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Việc làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền là một trong những yêu cầu quan trọng để thực hiện thành công cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy hành chính.

Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hy-sinh-cai-rieng-vi-loi-ich-chung-10299944.html
Zalo