Bài toán quảng bá và chiến lược phát triển du lịch
Hẳn các nhà quản lý trong ngành du lịch nước ta sẽ phải 'suy nghĩ' khi biết rằng, từ lâu, Tổng cục Du lịch Singapore đã phát hành sổ tay du lịch dành riêng cho du khách Việt Nam. Được minh họa bằng những hình ảnh sinh động, vui mắt, cuốn sổ này giới thiệu đầy đủ các điểm tham quan, nhà hàng, các câu nói tiếng bản địa phổ thông, thông tin về văn hóa và trung tâm hỗ trợ du khách. Chính cách làm này đã tạo ấn tượng mạnh mẽ, khơi dậy cảm giác hào hứng ngay từ khi du khách cầm cuốn sổ trên tay.
![Vịnh Hạ Long. Ảnh: Bảo Hà](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_195_51485975/aba484d5b79b5ec5078a.jpg)
Vịnh Hạ Long. Ảnh: Bảo Hà
Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều địa phương cũng phát hành sổ tay du lịch, nhưng hầu hết chỉ là những tập tài liệu chi chít chữ, hình ảnh khô khan, thiếu sức hút. Điều này phản ánh thực trạng quảng bá du lịch của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sự sáng tạo, đầu tư và chiến lược tiếp cận hiệu quả.
Trên thực tế, công tác quảng bá du lịch Việt Nam từ trước đến nay luôn ở trong tình trạng vừa thiếu nguồn lực tài chính, vừa yếu về ý tưởng và tính đồng bộ. Hệ quả là hình ảnh du lịch Việt Nam chưa được truyền tải rộng rãi ra thế giới, khiến nhiều du khách vẫn giữ quan niệm lỗi thời rằng Việt Nam là một đất nước lạc hậu, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, thiên nhiên hoang sơ nhưng thiếu tiện nghi.
Một ví dụ điển hình là tỉnh Quảng Nam - nơi có phố cổ Hội An nổi tiếng với mức tăng trưởng du lịch 30-35% mỗi năm. Thế nhưng, theo khảo sát của cơ quan chức năng, 95% du khách quốc tế chỉ đến Hội An sau khi đã ghé qua các điểm đến khác và rất ít người tiếp tục hành trình đến các vùng núi phía Tây của tỉnh, nơi có văn hóa dân tộc thiểu số độc đáo. Nguyên nhân chủ yếu là do du khách thiếu thông tin ngay từ khi lên kế hoạch du lịch. Đây là hệ quả của chiến lược xúc tiến và quảng bá chưa hiệu quả.
Không chỉ ở Quảng Nam, nhiều địa phương vẫn đang làm du lịch theo kiểu tự phát, chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau để xây dựng chiến dịch quảng bá quy mô lớn. Chẳng hạn, các chương trình giảm giá, kích cầu du lịch hiếm khi được tổ chức đồng bộ giữa khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan và các hãng vận chuyển. Sự rời rạc này khiến du khách khó tiếp cận các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giảm động lực đi du lịch trong những mùa thấp điểm.
Năm 2025, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, tăng đáng kể so với con số 17,5 triệu lượt khách của năm 2024. Đây là một mục tiêu tham vọng, nhưng không phải bất khả thi nếu có chiến lược phát triển đúng đắn. Thực tế, năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 38,9% so với năm 2023 - một sự bứt phá mạnh mẽ hậu đại dịch. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành du lịch tiếp tục ghi nhận tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm trước, với nhiều địa phương đạt doanh thu trên nghìn tỷ đồng. Những con số này chứng minh rằng Việt Nam có tiềm năng du lịch rất lớn, vấn đề là làm sao để khai thác hiệu quả.
Năm 2025 là thời điểm quan trọng với nhiều ngày lễ lớn, chính sách thị thực thuận lợi và thị trường khách quốc tế còn nhiều dư địa tăng trưởng. Để tận dụng cơ hội này, Việt Nam cần tập trung vào các xu hướng du lịch mới như: du lịch bền vững, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch trải nghiệm và ứng dụng công nghệ AI trong thiết kế hành trình. Tất nhiên, để đạt được mục tiêu 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025, chúng ta không thể không đẩy mạnh một chiến lược quảng bá đồng bộ. Bên cạnh việc chủ động liên kết giữa các địa phương với nhau để xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng, đa dạng hóa trải nghiệm, các gói khuyến mãi cần được triển khai rộng rãi và thông tin rõ ràng đến du khách quốc tế ngay từ giai đoạn lên kế hoạch chuyến đi.
Để đạt mục tiêu 23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025, cần một sự đồng lòng từ chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng, nhằm xây dựng một ngành du lịch chuyên nghiệp, bền vững và hấp dẫn hơn trên bản đồ thế giới, nhưng trước hết, cần giải cho được bài toán mang tên “quảng bá du lịch”.