Đứng trên 'thế' cường quốc xuất khẩu cà phê

'Tiếng là cường quốc xuất khẩu cà phê của thế giới, nhưng giá trị thật, tiền thật mang về túi người trồng cà phê thì rất ít. Sản lượng cà phê của nước ta đa phần xuất khẩu thô, đồng nghĩa không thu được đồng thuế nào, mất thương hiệu trên thị trường quốc tế. Đã đến lúc phải thu đúng, thu đủ trong xuất khẩu cà phê, khi đó mới tạo được thặng dư của chính cây cà phê, tái đầu tư vào chương trình, mục tiêu hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cà phê'.

Đó là đoạn mở đầu của ông Nguyễn Hòa Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần cà phê Đắk Hà (Kon Tum), nguyên Phó ban Kinh doanh xuất khẩu, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam trả lời phỏng vấn Báo Biên phòng. Ông Chính nói tiếp: “Từ thực tiễn sản lượng cà phê của Việt Nam đứng hàng tốp đầu thế giới, nên sửa đổi chính sách để thu thuế trong xuất khẩu cà phê, hạn chế xuất khẩu thô, tăng chế biến, mở rộng thị trường. Việc này đảm bảo mục tiêu, công bằng trong kinh doanh và cam kết đạo đức của nhà sản xuất chuyên nghiệp, giúp ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia, tạo dựng niềm tin với đối tác toàn cầu”.

Ông Nguyễn Hòa Chính. Ảnh: Hải Luận

Ông Nguyễn Hòa Chính. Ảnh: Hải Luận

Nông dân cứ “chạy theo” trồng - chặt - thay thế

- Vì sao ông lại đề xuất thu thuế xuất khẩu hạt cà phê, trong khi nông dân vẫn cần đầu ra sản phẩm?

- Trước đây, nông dân và các nông trường trồng cà phê ở Tây Nguyên làm ăn nhỏ lẻ, sản lượng thấp, giá bán thấp, cứ luôn niệm câu thần chú “lấy công làm lãi” để tự động viên chính mình. Thực chất tính toán chi phí sản xuất thật rõ ràng là bị lỗ, vào vụ thu hoạch, nhiều hộ phải bán trái tươi để trả tiền phân, thuốc, do họ đã ứng trước đó. Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê nước ngoài biết rõ điều đó, nên hạ giá mua, kết hợp không phải đóng thuế xuất khẩu, đây là lý do làm cho các công ty, tập đoàn kinh doanh cà phê nước ngoài càng giàu thêm.

- Giá cà phê thế giới vừa rồi đã tăng cao, nông dân nước ta bán có lợi nhuận khá, Nhà nước ta có nhất thiết phải điều chỉnh chính sách?

- Giá cà phê tăng cao, rồi tụt xuống, lại tăng cao, thời gian sau tụt xuống thê thảm, điệp khúc như thế này đã diễn ra hàng chục năm nay rồi. Nông dân cứ “chạy theo” trồng - chặt - thay thế cây khác, đuối cả sức lực. Tôi đã có thâm niên 40 năm gắn bó với cây cà phê ở Tây Nguyên, thấu hiểu mọi ngõ ngách, nhọc nhằn của ngành cà phê.

Trên thị trường quốc tế chỉ có vài tập đoàn kinh doanh lớn có quyền quyết định giá cà phê của thế giới. Năm 2024, giá cà phê tăng cao, vì sản lượng cà phê Brazil bị mất mùa, trước đó, nông dân Việt Nam chặt phá bỏ cây cà phê khá nhiều để chạy theo cây sầu riêng đang hót. Mấy ông kinh doanh cà phê nước ngoài thấy rõ nguy cơ bị mất nguồn cung trong tương lai, nên nâng giá cà phê lên để nông dân nước ta hứng khởi giữ lại cây cà phê. Còn chuyện về sau chưa biết đoán định như thế nào?

Hoạt động xuất nhập khẩu cà phê của nước ta hiện nay chứa đựng nhiều rủi ro: Gửi hàng chờ chốt giá, phụ thuộc vào thị trường đầu cơ tương lai, dễ dẫn đến lỗ nặng khi giá biến động; thiếu quỹ bảo hiểm và năng lực quản lý rủi ro... Kết quả là giá bán cà phê qua trung gian thường thấp hơn giá nông trại, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và nông dân.

Theo đuổi chất lượng đích thực

- Một điều nghịch lý, Việt Nam là cường quốc xuất khẩu cà phê của thế giới, nhưng chưa có thương hiệu cà phê mạnh mang tầm quốc tế. Theo ông, nó bị nghẽn ở đâu?

- Sau nhiều năm, nông dân, các nhà khoa học, doanh nghiệp của nước ta đã nỗ lực lao động không mệt mỏi, lựa chọn được những giống cây và phương thức canh tác cà phê đạt hiệu quả khá cao. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào ký hết bao tiêu mua sản phẩm, sơ chế, đóng bao xuất khẩu dưới dạng hạt nhân, gọi là xuất thô. Hàng về nước họ sẽ tinh chế ra nhiều sản phẩm mang thương hiệu của đất nước Nhật Bản, Pháp, Anh... Người tiêu dùng thế giới không hề biết nguồn gốc, nguyên liệu chất lượng cao của Việt Nam.

Làm sao để sản phẩm được khách hàng tin dùng? Làm thế nào để mở rộng thị trường và cạnh tranh quốc tế?... Rất nhiều hội nghị, hội thảo, sự kiện đã diễn ra nhiều năm qua ở nước ta, nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp thực tế cho ngành cà phê. Tôi xin dẫn ra một vài số liệu: 80% sản phẩm cà phê được xuất khẩu thô, Nhà nước chưa thu được đồng thuế nào. Cả nước chỉ có khoảng 10 nhà máy chế biến cà phê tinh, sử dụng khoảng 14,5% tổng sản lượng cà phê hằng năm. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 11,5%, như Nestlé, OLAM, các doanh nghiệp này dẫn đầu với công nghệ sấy lạnh hiện đại. Còn doanh nghiệp trong nước chiếm 3%, chủ yếu sử dụng công nghệ sấy phun, như Công ty Biên Hòa, Tín Nghĩa, Trung Nguyên, An Thái...

Trái cà phê chín đỏ mang lại chất lượng tốt. Ảnh: Hải Luận

Trái cà phê chín đỏ mang lại chất lượng tốt. Ảnh: Hải Luận

- Chất lượng cà phê quyết định từ trên cây, cách thu hoạch của nông dân mình chưa đúng độ chín của trái, dẫn đến giá bán thấp, kéo theo bao nhiêu vấn đề?

- Câu chuyện cà phê Việt Nam cũng giống như nhiều loại nông sản khác, luôn xoay quanh hai vấn đề cốt lõi: Chất lượng, đầu ra. Các mô hình như hợp tác xã hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng, hay chứng nhận OCOP..., tất cả những thứ đó nhằm phục vụ mục đích cuối cùng: Tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Trong hệ sinh thái ấy, người tiêu dùng chính là trung tâm, là “thượng đế” quyết định mối quan hệ cung - cầu.

Trái cà phê được hái chín đỏ mới đem lại chất lượng chế biến cao, hiện nay có một thực trạng đáng buồn ở Tây Nguyên, giá thu mua cà phê tươi giữa trái chín đỏ và trái còn xanh ngang nhau, đôi khi trái chín đỏ có nhỉnh hơn chút đỉnh, nhưng không đáng kể. Để chọn lựa trái chín đỏ thu hoạch trước, trái xanh thu hoạch sau, sẽ tốn rất nhiều chi phí trả công lao động, bà con lựa chọn hái sạch một lần để giảm chi phí dẫn đến chất lượng cà phê không cao. Xét về giá trị thương hiệu quốc gia bị ảnh hưởng vô cùng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài “âm thầm” đặt hàng một số nông trường ở Tây Nguyên mua trái chín 100% với giá hợp lý, họ chế biến ra sản phẩm chất lượng cà phê hảo hạng, mang nhãn hiệu của một đất nước không trồng được cây cà phê nào.

- Ông có rất nhiều năm gắn bó với cà phê Tây Nguyên, nhưng chưa tạo được sản phẩm cà phê chất lượng cao?

- Câu hỏi này đã đánh thẳng trực diện vào tâm can của tôi, từ năm 2000, tôi đã đầu tư chế biến cà phê nguyên chất, kể cả bỏ tiền ra thuê chuyên gia của một công ty cà phê lớn, rốt cuộc vẫn thua cuộc, vì không vượt qua nổi làn sóng sử dụng cà phê trộn tạp chất, giá rẻ. Lần thứ hai, tôi vào thành phố Hồ Chí Minh theo đuổi sản xuất cà phê nguyên chất, rồi cũng thất bại. Hiện nay, tôi đang sản xuất loại cà phê đặc sản “Dak Ha Coffee Đẳng sâm Ngọc Linh” có trộn sâm Ngọc Linh để tạo ra mùi thơm, vị ngon đặc biệt, thị trường dần dần chấp nhận. Đến nay, thương hiệu DakHa Coffee đã 3 lần khởi nghiệp với 3 nhãn hiệu khác nhau, theo các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Sản phẩm cà phê đích thực, đặc sản danh tiếng, vì sức khỏe cộng đồng, từng bước thuyết phục được cả những khách hàng khó tính nhất.

Tôi luôn tự hào vì đã góp phần lan tỏa cà phê chất lượng cao, mang lại hương vị cà phê đích thực cho người Việt. Đối với các thương hiệu cà phê riêng biệt chiếm lĩnh thị trường nội địa, đến nay chưa có ai thành công thực sự, ngoại trừ những thương hiệu có vốn đầu tư nước ngoài.

Qua câu chuyện trên, Nhà nước ta cần có những chính sách thật hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trong nước tham gia mạnh mẽ toàn bộ chuỗi cung ứng và chế biến cà phê. Luôn có tinh thần đứng trên “thế” cường quốc xuất khẩu cà phê, tự quyết định giá bán theo chi phí sản xuất và lợi nhuận cao. Đây mới gọi là phát triển cà phê bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Hải Luận - Thái Kim Nga (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dung-tren-the-cuong-quoc-xuat-khau-ca-phe-post486663.html
Zalo