Hy Lạp chuyển giao S-300 cho Armenia thay vì Ukraine?

Hy Lạp vừa quyết định chuyển giao một loạt hệ thống phòng không do Nga sản xuất, bao gồm S-300PMU-1 (tầm xa), Osa-AK và Tor-M1 (tầm ngắn và trung) cho Armenia.

Động thái này diễn ra sau nhiều năm đồn đoán rằng Athens có thể cung cấp các hệ thống này cho Ukraine. Đồng thời, Hy Lạp cũng công bố kế hoạch xây dựng một hệ thống phòng không nhiều lớp mới với sự hỗ trợ từ Israel.

Một tên lửa phòng không S-300 PMU-1 được phóng đi trong cuộc tập trận quân sự của quân đội Hy Lạp gần Chania, ngày 13/12/2013. (Nguồn: AFP)

Một tên lửa phòng không S-300 PMU-1 được phóng đi trong cuộc tập trận quân sự của quân đội Hy Lạp gần Chania, ngày 13/12/2013. (Nguồn: AFP)

Theo truyền thông Hy Lạp, việc chuyển giao này là một phần trong chiến lược "phi Nga hóa" kho vũ khí của Athens, thay thế các thiết bị quân sự Nga bằng các hệ thống hiện đại từ phương Tây.

Ngoài ra, mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Hy Lạp và Pháp, một đồng minh quan trọng của Armenia, cũng được cho là có vai trò lớn trong quyết định này.

Pháp từ lâu đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Armenia trong các vấn đề khu vực, điều này càng củng cố động lực của Athens trong việc hỗ trợ Yerevan.

Tuy nhiên, quyết định này không phải là điều đơn giản. Ông George Tzogopoulos, một nhà phân tích tại Trung tâm Đào tạo Quốc tế châu Âu cảnh báo rằng, Hy Lạp cần phải cân nhắc cẩn thận trước bất kỳ hành động nào có thể ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng.

"Khả năng chuyển giao S-300 phụ thuộc nhiều vào việc Hy Lạp nhận được các hệ thống phòng không thay thế phù hợp. Athens sẽ không đánh đổi an ninh quốc gia chỉ để thực hiện một thương vụ chuyển giao vũ khí", ông Tzogopoulos nhấn mạnh.

Ngoài ra, quy định tái xuất thiết bị quân sự của Nga cũng là một trở ngại lớn. Moscow đã nhiều lần cảnh báo rằng Hy Lạp không được phép chuyển giao vũ khí Nga cho Ukraine hoặc bất kỳ quốc gia nào khác mà không có sự đồng ý của Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, đã khẳng định các thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Hy Lạp và Nga nghiêm cấm tái xuất các thiết bị này. Hiện tại, Moscow chưa nhận được bất kỳ yêu cầu chính thức nào từ Athens liên quan đến việc chuyển giao vũ khí cho Armenia.

Mối quan hệ quân sự giữa Hy Lạp và Armenia bắt đầu từ đầu những năm 1990. Quan hệ này ngày càng phát triển khi Armenia đối mặt với áp lực từ Azerbaijan, nhưng vẫn có những giới hạn.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hy-lap-chuyen-giao-s-300-cho-armenia-thay-vi-ukraine-169241201083706178.htm
Zalo