NATO khai trương trung tâm đổ bộ ở Na Uy nhằm 'tăng cường hiện diện' ở Bắc Cực
Theo Newsweek, trung tâm hoạt động đổ bộ được thành lập ở Na Uy như một phần trong bước tiếp theo để NATO tăng cường các hoạt động ở vùng biên giới với Nga tại Bắc Cực.
Newsweek đưa tin Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã khai trương trung tâm các hoạt động đổ bộ ở Na Uy để tăng cường khả năng đối phó với Nga ở Bắc Cực.
Đây là một phần trong chiến lược của NATO nhằm tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Bắc Cực. Bài báo của Newsweek viết: “Một trung tâm hoạt động đổ bộ đã được thành lập ở Na Uy như một phần trong bước tiếp theo để NATO tăng cường các hoạt động ở vùng biên giới với Nga tại Bắc Cực.”
Trung tâm sẽ đào tạo các đơn vị quân đội của Mỹ, Anh và Hà Lan. Trung tâm mới đặt tại thành phố Serreys và đã đi vào hoạt động. Do không có lực lượng đổ bộ riêng, nên Na Uy huy động các đơn vị đặc nhiệm tham gia huấn luyện.
Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Björn Arild Gram nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc tập trận chung: “Chúng ta phải cùng nhau huấn luyện để bảo vệ Na Uy, khu vực Bắc Âu và NATO trong trường hợp khủng hoảng và chiến tranh.”
Trước đó, trang tin Estonia bằng tiếng Anh ERR hôm 30/11 đưa tin sáu tàu của nhóm hải quân thường trực đầu tiên của NATO đã xuất hiện tại Tallinn, hải cảng trên biển Baltic của Estonia.
Trong số đó có tàu khu trục HMS Iron Duke của Anh, tàu chỉ huy HNoMS Maud của Na Uy, tàu khu trục FS Auvergne của Pháp, HNLMS Van Amstel của Hà Lan, tàu BNS Louise-Marie của Bỉ và tàu tuần tra FS Commandant Blaison.
Theo Tổng tư lệnh Hải quân Estonia Ivo Värka, nhóm này là “lực lượng tấn công chính” của lực lượng hải quân của liên minh. Trong đó tàu tuần tra FS Commandant Blaison sẽ tham gia Cuộc tập trận Tia chớp bắt đầu từ ngày 2/12.
Vào đầu tháng 11, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cho biết Mỹ tiếp tục triển khai cơ sở hạ tầng quân sự tại châu Âu tới biên giới Nga.
Đây là cách ông nhận xét về vụ phóng hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore ở Redzikowo, Ba Lan vào ngày 13/11. Theo ông Peskov, những động thái này nhằm kiềm chế tiềm năng quân sự của Nga./.