Huyện Ứng Hòa thay đổi sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến tháng 3/2023 toàn huyện Ứng Hòa có 28/28 xã trên địa bàn đã được UBND TP.Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, kết quả đến tháng 3/2023 toàn huyện Ứng Hòa có 28/28 xã trên địa bàn đã được UBND TP.Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong đó, có 6/28 xã được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 21,4%). Đáng chú ý, trên địa bàn huyện Ứng Hòa không có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Về mặt kinh tế của huyện, tiếp tục trên đà tăng trưởng khá, bình quân đạt 7,72%; Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 61,5 triệu đồng/người/năm.

Về mặt văn hóa xã hội, tiếp tục phát triển tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố, tăng cường; An ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Xây dựng huyện Ứng Hòa phát triển giàu đẹp, văn minh.

Xây dựng huyện Ứng Hòa phát triển giàu đẹp, văn minh.

Theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 5.448 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 4,26%/năm. Chuyển đổi diện tích đất hai lúa, đảm bảo đến năm 2030 còn 6.000 ha đất hai lúa để thực hiện các vùng sản xuất tập trung như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; Vùng sản xuất rau an toàn; Hình thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn. Đặc biệt là đạt từ 50% trở lên giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, chú trọng phát triển kinh tế trang trại, triển khai kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Phấn đấu đến hết năm 2025 có từ 100 sản phẩm được Thành phố đánh giá phân hạng đạt 3 sao trở lên. Hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch của huyện Ứng Hòa.

Với sự tập trung nguồn lực của Nhà nước, xã hội hóa, nhiều đường giao thông nông thôn đã được xây dựng mới và nâng cấp cải tạo, đồng thời được bảo trì thường xuyên; nhiều cây cầu mới được xây dựng, tuyến đường kết nối giữa liên xã, liên huyện được quan tâm đầu tư...

Kết quả đến nay đã có 370 đoạn đường do phụ nữ tự quản, 272 đoạn đường nở hoa kiểu mẫu với tổng chiều dài trên 40km và 98 điểm với tổng diện tích 3.750m2 diện tích tranh bích họa tuyên truyền về công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện…

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 trạm cấp nước sinh hoạt với tổng công suất thiết kế khoảng 7.780 m3/ngày đêm, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh (kể cả hộ sử dụng hệ thống lọc nước RO) là 74,8%, tỷ lệ hộ được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung là 34%.

Ngoài ra, đường làng ngõ xóm, hệ thống thoát nước được kiên cố hóa đảm bảo đáp ứng yêu cầu, 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa; 504/504km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, thuận lợi cho giao thông nội đồng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp.

Tạo nguồn lực đảm bảo sinh kế cho người dân

Không chỉ chú trọng xây dựng hạ tầng cơ sở, huyện Ứng Hòa còn nhân rộng những mô hình sáng - xanh - sạch - đẹp, giải quyết nhiều "điểm nóng" ô nhiễm môi trường nhằm nâng cao đời sống tinh thần, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp bằng việc thực hiện tốt phong trào "Vì môi trường xanh - sạch - đẹp". Xây dựng các tuyến đường nở hoa, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, "tuyến đường tự quản xanh - sạch - đẹp - nở hoa kiểu mẫu và tranh bích họa.

Điển hình, tại thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu có khoảng 800 hộ dân, trong đó 170 hộ thu gom, tái chế phế liệu, hoạt động này đã phát sinh một lượng lớn chất thải rắn với thành phần chủ yếu là các loại nhãn mác, bao bì, nhựa không tái chế.

Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện đã chỉ đạo tổ chức đợt cao điểm "100 ngày ra quân tổng vệ sinh môi trường" tích cực vận động, tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường như quản lý môi trường, quản lý, phân loại chất thải phát sinh từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu, thu mua nguyên liệu đầu vào có lượng thải bỏ ít.

Cùng với đó, xã Quảng Phú Cầu có 6 thôn được công nhận làng nghề, trong đó có 5 thôn sản xuất tăm hương, tái chế rác... việc kinh doanh, sản xuất, tái chế có ảnh hưởng tới môi trường. Để khắc phục tình trạng trên, huyện Ứng Hòa đã thành lập cụm công nghiệp Cầu Bầu và cụm công nghiệp Xà Cầu.

Sau khi đi vào hoạt động, các cụm công nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập đồng thời góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

Có thể nói, từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của huyện Ứng Hòa đã được đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Cùng với đó, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố; an ninh trật tự ở nông thôn được giữ vững, an sinh xã hội ngày càng đảm bảo.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Ứng Hòa đặt mục tiêu có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 53,6%); 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 28,6%); có từ 10 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu trở lên. Những kết quả đạt được hôm nay chính là tiền đề để huyện cán đích mục tiêu mới trong giai đoạn tiếp theo.

Nguyễn Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/huyen-ung-hoa-thay-doi-sau-hon-10-nam-xay-dung-nong-thon-moi-d196540.html
Zalo