Cách kiểm tra đất có 'dính' quy hoạch hay không?
Làm thế nào để kiểm tra xem mảnh đất định mua có nằm trong quy hoạch hay không là câu hỏi của nhiều người.
Vợ chồng chị Trang Lê (34 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) sau thời gian tìm hiểu, đang tính mua một mảnh đất ở khu vực Biên Giang, Hà Đông, Hà Nội, để làm "của để dành". Khi chuẩn bị "xuống tiền" chị Trang lại nghe nói khu vực này có nhiều lô đất "dính" quy hoạch. Dù chủ đất đã khẳng định, đất của gia đình họ không nằm vào diện quy hoạch, nhưng chị Trang vẫn rất lo lắng và không biết làm thế nào để nhận biết.
Theo Thạc sĩ, Luật sư Hoàng Thị Hương Giang, Đoàn Luật sự TP Hà Nội, hiện có 4 cách để người dân có thể kiểm tra xem đất có đang bị quy hoạch hay không.
Thứ nhất là kiểm tra thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp
Theo Điều 8 và Điều 39 Thông tư số 10/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ có thông tin sơ đồ thửa đất và thông tin về hạn chế quyền sử dụng đất, cụ thể:
Điều 39. Sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất trên Giấy chứng nhận
1. Sơ đồ thửa đất được thể hiện như sau:
a) Sơ đồ thửa đất thể hiện các thông tin gồm:
- Thông tin về số thứ tự thửa đất, diện tích, hình thể thửa đất, tọa độ đỉnh thửa, chiều dài các cạnh thửa;
- Số hiệu thửa giáp ranh hoặc tên công trình giáp ranh, chỉ dẫn hướng Bắc - Nam;
- Chỉ giới, mốc giới quy hoạch sử dụng đất, chỉ giới, mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình trên thửa đất được thể hiện bằng đường nét đứt xen nét chấm kèm theo ghi chú loại chỉ giới, mốc giới;…
Điều 8. Thông tin về thửa đất
11. Thông tin về hạn chế quyền sử dụng đất được thể hiện như sau:
a) Nội dung thông tin về hạn chế quyền sử dụng đất thể hiện đối với các trường hợp như sau:
- Trường hợp thửa đất hoặc một phần thửa đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn thì thể hiện: "Thửa đất (hoặc Thửa đất có ... m2 (nếu một phần thửa có hạn chế)) thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn ... (ghi tên của công trình có hành lang bảo vệ; khu vực bảo vệ, vành đai an toàn)";
Do đó, nếu một phần thửa đất thuộc quy hoạch giao thông hay có chỉ giới, mốc giới quy hoạch sử dụng đất đi qua thì cũng được thể hiện tại mục Sơ đồ thửa đất và mục Hạn chế về quyền sử dụng đất được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thứ 2 là liên hệ cơ quan chức năng có thẩm quyền đề nghị cung cấp thông tin quy hoạch
Người dân có thể đến trực tiếp Phòng Tài nguyên và Môi trường quận/huyện nơi có đất để hỏi cụ thể về thông tin quy hoạch. Dựa trên thông tin nhà đất mà người dân cung cấp, cán bộ chức năng sẽ tra cứu bản đồ quy hoạch và giải đáp cho họ biết mảnh đất đó có nằm trong khu quy hoạch nào hay không.
Đây là cách kiểm tra quy hoạch đất an toàn và có độ chính xác cao.
Thứ 3 là xin thông tin quy hoạch đất ở Văn phòng đăng ký đất đai
Người dân có thể khai thác hệ thống thông tin đất đai do Nhà nước cung cấp bằng các phiếu yêu cầu và thực hiện trả phí. Trong trường hợp từ chối cung cấp thông tin đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thứ 4 là tra cứu thông tin quy hoạch trực tuyến
Người dân có thể truy cập cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất và xem hướng dẫn được đăng tải.
Ví dụ, muốn tra cứu thông tin quy hoạch Hà Nội, người dân có thể truy cập vào Cổng thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Tại cổng thông tin này, quy hoạch sử dụng đất sẽ được cập nhật chi tiết theo từng quận, kèm theo đó là bản đồ hiện trạng, bản đồ quy hoạch để người dân tiện theo dõi. Tuy nhiên, hình thức tra cứu này chưa được phát triển rộng rãi ở nhiều địa phương.
Ngoài ra, hiện nhiều đơn vị đã cung cấp các ứng dụng tra cứu quy hoạch trực tuyến phù hợp với những người biết sử dụng công nghệ.