Huyện Thường Tín triển khai đúc tượng đài Danh nhân văn hóa - Đại thi hào Nguyễn Du
Để tưởng nhớ công lao của danh nhân văn hóa Đại thi hào Nguyễn Du, sáng 15/2 (tức ngày 18 tháng Giêng năm Ất Tỵ) huyện Thường Tín đã tổ chức Lễ đúc tượng đài Danh nhân văn hóa - Đại thi hào Nguyễn Du.
![Đại diện Hội Kiều học Việt Nam, dòng họ Nguyễn - Tiên Điền, tỉnh Hà Tĩnh; huyện Thường Tín trong lễ đúc tượng đài Danh nhân văn hóa - Đại thi hào Nguyễn Du](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_11_51484655/33b4a53796797f272668.jpg)
Đại diện Hội Kiều học Việt Nam, dòng họ Nguyễn - Tiên Điền, tỉnh Hà Tĩnh; huyện Thường Tín trong lễ đúc tượng đài Danh nhân văn hóa - Đại thi hào Nguyễn Du
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, vào năm 1802, sau khi Vua Gia Long lấy ngôi từ nhà Tây Sơn, Đại thi hào Nguyễn Du được mời ra làm quan Tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hưng Yên).
Đến tháng 11/1802 cụ bắt đầu được thăng Tri phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (nay thuộc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Cụ đã dành nhiều tâm huyết, trí tuệ để phát triển phủ Thường Tín trong thời gian làm quan Tri phủ tại đây.
![Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh phát biểu tại buổi đúc tượng đài](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_11_51484655/a71b049837d6de8887c7.jpg)
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh phát biểu tại buổi đúc tượng đài
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh nhấn mạnh, việc xây dựng tượng đài Nguyễn Du tại vườn hoa Thị trấn Thường Tín trong khuôn viên của phủ Thường Tín xưa có ý nghĩa quan trọng thể hiện tinh thần tri ân của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thường Tín với danh nhân văn hóa - Đại thi hào Nguyễn Du đã có những đóng góp to lớn cho dân tộc và phủ Thường Tín xưa.
Những đóng góp của Nguyễn Du trong thời đại của ông nói riêng, cho văn hóa, lịch sử quốc gia nói chung thể hiện ở nhiều góc độ và vô cùng giá trị. Đáng chú ý, tượng đài Danh nhân văn hóa - Đại thi hào Nguyễn Du được đúc bằng từ nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước.
![Đại diện nhà tài trợ phát biểu tại buổi lễ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_11_51484655/6e27c7a4f4ea1db444fb.jpg)
Đại diện nhà tài trợ phát biểu tại buổi lễ
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, công trình đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp xã hội hóa suốt thời gian qua của Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế và Dịch vụ Thương mại Sông Hồng.
Tượng đài Danh nhân văn hóa - Đại thi hào Nguyễn Du trong tư thế ngồi trên tảng đá, chân trái vắt lên chân phải, tay phải cầm bút, tư thế đưa lên, tay trái cầm sách, chân dung hướng nhìn xa về phía trước. Tượng đài danh nhân văn hóa Nguyễn Du được đúc bằng hợp kim đồng, phần bệ tượng bê tông cốt thép ốp đá tự nhiên.
![Việc đúc tượng đài Danh nhân văn hóa - Đại thi hào Nguyễn Du, huyện Thường Tín mong muốn Nhân dân hiểu rõ về lịch sử, nâng cao nhận thức trong việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_11_51484655/b7870604354adc14855b.jpg)
Việc đúc tượng đài Danh nhân văn hóa - Đại thi hào Nguyễn Du, huyện Thường Tín mong muốn Nhân dân hiểu rõ về lịch sử, nâng cao nhận thức trong việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc
Với việc khởi công đúc tượng đài Danh nhân văn hóa - Đại thi hào Nguyễn Du, huyện Thường Tín mong muốn Nhân dân hiểu rõ về lịch sử, nâng cao nhận thức trong việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Từ đó, đưa văn hóa vừa là mục tiêu, là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Bảo đảm sự hài hòa, cân đối giữa môi trường cảnh quan, tạo ra một không gian văn hóa.
Cùng với đó là niềm tự hào, vinh dự của Nhân dân huyện Thường Tín, nơi Nguyễn Du đã làm quan Tri phủ, với mục đích tôn vinh người có công lao với quê hương - đất nước và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thường Tín khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.