Huy động tối đa các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt
Hôm nay (25/2), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Cục Đường sắt VN tổ chức hội thảo 'Góp ý dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi)'.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Theo TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, lịch sử phát triển ngành đường sắt gần 145 năm, với nhiều tuyến đường sắt được xây dựng và vận hành, đóng vai trò quan trọng trong kinh tế và an ninh - quốc phòng. Tuy nhiên, hệ thống đường sắt, đặc biệt là tuyến đường sắt Bắc - Nam với khổ đường 1m đã trở nên lạc hậu, cần được đầu tư hiện đại hóa.

Ông Dương Hồng Anh, Phó cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Trước thực trạng này, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, mở ra bước chuyển mình quan trọng cho ngành đường sắt.
Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị cũng đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt trong phát triển đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao.
Nhấn mạnh sự cấp thiết xây dựng dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), ông Dương Hồng Anh, Phó cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, dự Luật Xây dựng trên một số quan điểm chính. Đó là, tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển đường sắt phù hợp với chỉ đạo của Tổng Bí thư tại phiên họp lần thứ 8 Quốc hội khóa XV và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.
Đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động đường sắt. Huy động tối đa các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt. Ngân sách nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo để thu hút các thành phần kinh tế tham gia và kinh doanh đường sắt. Ứng dụng phát triển khoa học công nghệ hiện đại trong lĩnh vực đường sắt...
Trên cơ sở những quan điểm đó, cơ quan soạn thảo đã đề xuất nhiều nội dung sửa đổi quan trọng. Theo đó, về đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, dự thảo luật bổ sung quy định huy động tối đa nguồn lực địa phương và các thành phần kinh tế khác nhau tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.
Trong đó có quy định khuyến khích tất cả các tổ chức cá nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt thông qua nhiều hình thức hợp đồng. Đồng thời bổ sung quy định các địa phương được dùng ngân sách của mình để tham gia vào công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Minh bạch cơ chế đấu thầu, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư
Đề xuất tập trung các quy định về ưu đãi cho đường sắt, PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng cần mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển hạ tầng và kinh doanh đường sắt.

TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Về quản lý đất đai, Phó giáo sư Chung đề xuất tham chiếu Luật Đất đai năm 2024 để đảm bảo tính thống nhất và linh hoạt khi có thay đổi pháp luật.
Đối với kết nối hạ tầng, cần làm rõ trách nhiệm của các bên trong việc kết nối đường sắt với các loại hình giao thông khác cũng như với mạng lưới đường sắt quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
Góp ý vào dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Lưu Đức Hải cho biết, các nhà soạn thảo cần đưa ý tưởng bảo tồn vào luật để lưu giữ những giá trị lịch sử và thúc đẩy phát triển du lịch. Ông Hải ví dụ một số nước như Thụy Sỹ đã bảo tồn một số đoạn đường sắt, trở thành điểm tham quan, du lịch thu hút rất nhiều khách tham quan trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, PGS.TS Vũ Thị Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết của các quy định cụ thể về xử lý "lối đi tự mở" - một trong những nguyên nhân gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng tại khu vực đường sắt. Bà cũng đề xuất bổ sung các giải pháp và chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi này.
Về hợp tác công tư (PPP), cần bổ sung các điều khoản về mô hình hợp tác, cơ chế đấu thầu minh bạch, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư tư nhân nhằm thu hút nguồn vốn và kinh nghiệm quản lý từ khu vực tư nhân vào phát triển hạ tầng đường sắt.
Đối với nội địa hóa công nghiệp đường sắt, bà Vinh đề xuất chính sách ưu tiên các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng, khuyến khích sản xuất nội địa các thiết bị như đầu máy, toa xe và đường ray, góp phần tăng cường năng lực sản xuất trong nước và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tại Hội thảo, một số ý kiến cũng đề xuất bổ sung quy định đảm bảo an ninh và an toàn trong vận hành đường sắt tốc độ cao, bao gồm hệ thống phòng chống thảm họa và phân cấp quản lý thông tin vận hành; xem xét lại quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt.
Các đại biểu dự Hội thảo đều nhất trí việc sửa đổi Luật Đường sắt lần này không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, đồng bộ hóa hệ thống giao thông đường sắt mà còn tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp đường sắt, hướng tới phát triển bền vững và hội nhập với thế giới.