Hương vị Xuân trong văn chương Vũ Bằng và Hoàng Phủ Ngọc Tường
Vẻ đẹp mùa Xuân, hương vị mùa Xuân đã được lưu lại trong rất nhiều áng văn trữ tình...

Ảnh minh họa.
Trong đó không thể không kể đến những áng văn chương đặc sắc của nhà văn Vũ Bằng và Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Vũ Bằng là người con của Thủ đô Hà Nội, một trong số cây bút viết hay, viết sâu sắc về mùa Xuân quê hương bằng giọng văn tinh tế và đầy chất thơ. Điều đó được thể hiện rõ nét với tùy bút Tháng Giêng, mơ về trăng non, rét ngọt trích từ thiên tùy bút “Thương nhớ mười hai”. Bởi vậy, mà nhà văn Triệu Xuân viết rằng, nếu phải mang cuốn sách nào sang thế kỷ XXI, thì đó là Thương nhớ mười hai.
Hoàng Phủ Ngọc Tường là người con xứ Huế. Với tình yêu quê hương bền chặt và tha thiết ông đã viết về mảnh đất cố đô bằng chiều sâu văn hóa, bằng những cảm hứng nhân văn sâu sắc.
Tuyển tập Miền cỏ thơm được xuất bản tháng 8/2007 một lần nữa lại minh chứng cho điều đó. Và ta càng thán phục hơn cho tinh thần lao động nghệ thuật phi thường của nhà văn khi ông đang ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” và đang vật lộn với cơn bạo bệnh. Nhưng đó là sức sống tràn đầy của một người “ham sống đến mê mải, sống và đi, đi để được sống, với đất nước, với nhân dân, với con người, đi say mê và say mê viết về họ” (nhà văn Nguyên Ngọc).
Đến với tùy bút Tháng Giêng, mơ về trăng non, rét ngọt và bút ký Miền cỏ thơm của hai nhà văn tiêu biểu người đọc như được sống với không gian văn hóa đặc trưng của Hà Nội, của mùa Xuân đất Bắc và xứ Huế quyến rũ, mơ mộng: “Cỏ mọc ven những con đường trong thành phố, trên đó lưa thưa những chòm cây dại, như cây hoa ngũ sắc cười sặc sỡ dọc đường thơ ấu của tôi. Bay theo những bước chân lang thang của tôi là những con bướm, những cánh chuồn nghe ngày nắng lên tung tăng trong không gian, ghé cây này, vờn cây kia”.
Tất cả được miêu tả vừa tinh tế, vừa nhẹ nhàng, vừa đằm thắm, vừa lắng sâu. Người viết đã đưa lại cho người đọc những rung cảm đặc biệt trước thiên nhiên, đất trời và gợi lên trong mỗi chúng ta một niềm mong nhớ về những nét đẹp của thiên nhiên, đất trời, con người.

Tùy bút “Miền cỏ thơm” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Hương vị mùa Xuân đất Bắc
“Thương nhớ mười hai” được Vũ Bằng viết từ năm 1960, nhưng phải đến năm 1971 mới hoàn thành. Đến với áng tùy bút Tháng Giêng, mơ về trăng non, rét ngọt của ông, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng với những dòng văn giàu xúc cảm, giàu chất thơ, giàu vẻ đẹp nhân văn cùng lối viết hết sức tự nhiên, như là những lời thủ thỉ chân tình, sâu lắng, đọc khó có thể dứt ra được.
Đây là một miền kí ức chan chứa, những hoài niệm mơn man, những dòng tản mạn ghi chép lại xúc cảm sâu lắng và ngọt ngào nhất của Vũ Bằng về mùa Xuân, về sự giao thoa của đất trời khi bước sang một năm mới ấm áp, một cái Tết cổ truyền của dân tộc. Và hơn hết đó là dòng hồi ức với vô vàn kỷ niệm ấm áp, đẹp đẽ về mùa xuân, về quê hương bởi tác phẩm được viết trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, tác giả phải sống trong vùng kiểm soát của Mĩ - Ngụy, xa cách vợ con, xa cách quê hương đất Bắc.
Có lẽ vì thế nhà văn đã gửi vào trang sách nỗi niềm thương nhớ quê hương, gia đình tha thiết và lòng mong mỏi đất nước hòa bình, thống nhất. Ta có cảm giác Vũ Bằng đang ngồi trên một cỗ xe tam mã, nắm chặt dây cương hành trình về miền huyền nhiệm của quá khứ.
Người viết đã lẩy ra từ những điều vô cùng gần gũi và bình dị trong cuộc sống một chiều sâu triết lí bởi cái thế giới thân thuộc nơi đất Bắc đã trở thành một phần đời, phần hồn, một phần máu thịt của tác giả. Điều đó thể hiện qua hoài niệm về cảnh sắc thiên nhiên và phong vị cái Tết cổ truyền của Hà Nội với vẻ đẹp mang đậm bản sắc văn hóa tinh tế của một vùng và cũng là của chung đất nước.
Mở đầu trang viết tác giả mượn quy luật để khẳng định: “Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa Xuân. Mà tháng Giêng là tháng đầu của mùa Xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa Xuân”.
Giọng văn nhẹ nhàng, duyên dáng nhưng không kém phần mạnh mẽ, như muốn tranh luận, phản biện với ai đó cốt để khẳng định cái quy luật rất đỗi tất yếu của tình cảm con người: Yêu mến mùa Xuân, yêu mến tháng Giêng, đón chờ hương vị ngày Tết… Bởi rằng mùa Xuân là mùa đẹp nhất, thi vị và duyên dáng nhất trong một năm. Cảnh vật thiên nhiên, không khí thiên nhiên được gợi lại từ những chi tiết, hình ảnh lắng đọng nhất. Đó là hồi ức rất riêng trong lòng người xa xứ mà không nơi nào có được cho nên đó là mùa xuân của tôi.
Những xúc cảm rưng rưng về sông xanh, núi tím, đôi mày ai, mưa riêu riêu, gió lành lạnh, tiếng nhạn kêu, tiếng trống chèo… đã khiến người đọc cảm nhận được đặc trưng của mùa xuân. Tình thương nhớ mùa xuân Bắc Việt của Vũ Bằng thật thiết tha, nồng nàn, cháy bỏng. Ta thấy tâm hồn ông trang trải khắp cảnh sắc thiên nhiên và con người. Chính đặc trưng này làm nền tảng để tác giả có thể vẽ thêm nhiều vẻ đẹp khác nhau mà nó đã được khúc xạ qua trí nhớ, qua thời gian nên trở nên lung linh, huyền ảo, mơ màng như trong mộng.
Đó là phong vị của cái Tết cổ truyền của dân tộc ta. Vũ Bằng đưa ta lạc vào không gian của những cành đào còn tươi nguyên, nhụy vẫn còn phong, những thảm cỏ mướt xanh như chẳng thể xanh hơn được nữa, những cơn mưa phùn lất phất, nền trời đùng đục như màu pha lê mờ… Ấy là sự cựa quậy của nhựa sống đang tụ dồn trong mỗi cành cây ngọn cỏ, là linh hồn tươi trẻ của mùa xuân đang rạo rực trong mỗi sắc lá màu hoa…
Và đặc biệt là cảm thức về sự sống với những đường nét thật cụ thể. Thịt mỡ, dưa hành vẫn còn đó, tấm màn điều vẫn treo trên bàn thờ ông Vải, chưa làm lễ hóa vàng, các trò vui Tết còn rộn ràng lắm… Và những thanh âm như tiếng nhạn kêu, câu hát huê tình lại trở lại để quyện hòa với sự ấm áp của bàn thờ, đèn nến, nhang trầm, của không khí đoàn tụ gia đình quấn quýt, sum vầy khiến tác giả càng thổn thức nhớ thương.
Đó không chỉ là cảnh mà là hồn của cảnh, là tâm trạng của một người xa quê. Rõ ràng, bằng nhiều cách khác nhau, từ suy tưởng đến hồi nhớ trong tình cảm và tâm trạng buồn xa, bồi hồi, nhà văn đã làm cho người đọc như được sống lại trong không khí của ngày Tết dân tộc dù ở Nam hay Bắc.
Viết về những cảnh này, giọng điệu của tác giả vừa sôi nổi nhiệt thành, vừa da diết lắng sâu chứa chất nỗi buồn, nỗi day dứt, là niềm khát khao được trở về và đã đưa chúng ta vào thế giới hồi ức miên man, dạt dào cảm xúc. Thế giới ấy là một phần không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của kẻ tha hương.
Nhà văn nhắc đi nhắc lại như lời tỏ tình thiết tha, say đắm: Mùa Xuân của tôi… mùa Xuân thần thánh của tôi… Điều đó chứng tỏ tình yêu mùa Xuân đã thấm sâu vào tâm hồn, vào máu thịt, bừng dậy lòng yêu đời, khát khao sống và yêu thương ”Đẹp quá đi, mùa Xuân ơi - mùa Xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến”.
Nhà văn cũng đi sâu miêu tả những nét riêng của trời đất, thiên nhiên vào thời điểm từ sau ngày rằm tháng Giêng âm lịch. Khi tháng Giêng về cũng là lúc đất trời bắt đầu có sự chuyển giao kì diệu và đầy tinh tế. Nét đẹp tháng Giêng đất Bắc là nét đẹp dịu dàng mà đằm thắm, có sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên đất trời. Và có lẽ lòng người cũng đồng điệu theo những nhịp điệu của mùa Xuân.
Khả năng quan sát sắc sảo và cảm nhận tinh tế của tác giả được thể hiện qua những chi tiết, hình ảnh tiêu biểu và những từ ngữ trau chuốt, chọn lọc. Sau ngày rằm tháng Giêng “Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhụy vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh nhưng lại nức một mùi hương ngan ngát”. Đó là một thời điểm mà cảnh sắc thật là khó xác định, nhưng vẫn gây được ấn tượng cụ thể.
Đặc biệt, hình ảnh cánh màn điều và phong tục hóa vàng như là một nốt nhấn về mùa xuân ấm áp trong lòng tác giả. Ta đọc được tấm lòng của Vũ Bằng sau trang giấy, đó là con người suốt đời đau đau nỗi nhớ quê hương, một con người yêu mùa xuân, yêu thiên nhiên miền Bắc rất nồng hậu đắm say. Tình yêu ấy gắn bó với biết bao kỷ niệm, bao nỗi nhớ đầy vơi. Tác giả cũng đã kín đáo gửi trọn một niềm tin sắt son về cội nguồn, về ý chí thống nhất 2 miền Bắc - Nam sum họp một nhà qua thiên tùy bút “Thương nhớ mười hai”.

Tác phẩm “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng.
Vẻ đẹp mùa Xuân xứ Huế
Đọc Miền cỏ thơm của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường chúng ta sẽ được “đi” với nhiều chuyến đi của nhà văn, từ chuyến đi về miền ký ức của tuổi thơ thật mộc mạc, bình dị đã lìa xa như những “lũ chuồn chuồn, bươm bướm của tôi đã rời thành phố này mà đi đâu biệt tăm… rời bỏ những bụi cây hoang dại mà đi về khu vườn địa đàng của chúng, trên những đồi cỏ kia…”.
Hay của một đêm thức giấc, nhà văn nghiệm ra rằng “Huế là một thành phố được dành cho cỏ”, để đâu đó, trong tiềm thức, hương cỏ thoảng bay từ nơi xa xôi nào tới, chắc có thể là ở tây nam Huế với những triền cỏ đầy hương hoa cỏ, hay từ suối nguồn khoáng đạt của thôn Vĩ Dạ, nơi mà “người ta có thể tìm thấy chút hương vị tiêu dao của kinh thành Huế từ gốc cỏ bay lên trong những khu vườn xanh biếc”…
Dường như Hoàng Phủ Ngọc Tường đi bằng cái tâm, đi bằng trí nhớ của những chuyến đi đã qua hay vân du bằng trí tưởng tượng chưa bao giờ cạn dòng qua những miền đất lạ. Những trang viết về mùa Xuân xứ Huế của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn đầy ắp hình ảnh bâng khuâng.
Tác giả bắt đầu bằng việc mô tả về sức sống của mùa Xuân qua hình ảnh của những ngọn đồi phía tây nam Huế: “Mùa Xuân có thể định nghĩa là mùa mà toàn bộ cây nở thành hoa. Những ngọn đồi phía tây nam Huế bừng lên trong hương hoa cỏ, khiến người ta không thể ngồi yên cúi mặt lên trang sách”. Bằng những từ ngữ như “bừng lên” và “hương hoa cỏ,” tác giả tạo ra một bức tranh sống động và sôi động về sức sống của mùa Xuân.
Bức tranh ấy cũng tràn ngập hương thơm và ánh sáng, thể hiện sự gắn kết giữa người và thiên nhiên, khi mùi hương của cỏ tỏa ra vào màn đêm tạo ra một bầu không khí đặc biệt, gợi nhớ về vẻ đẹp và sự sống của thiên nhiên “Mùa Xuân về, mặt đất công viên sáng bừng lên bởi ngàn vạn bông cỏ tím, mỗi bông cỏ lại ngậm trong lòng một hạt sương mai khiến vào buổi sáng sớm, cỏ ở ven sông Hương lấp lánh như những hạt ngọc”.
Sông Hương đẹp hơn khi mùa Xuân về, khi màu xanh mơn mởn khiến không gian đẹp hơn. Từ “bừng lên” lại được tác giả sử dụng như mạch cảm xúc đang dào dạt chảy. Qua đó, ông đã truyền đạt một cảm xúc phấn khích và hân hoan đối với mùa Xuân, như là một thời điểm đầy hy vọng và kỳ diệu.
Không chỉ dừng lại ở đó, tác giả tiếp tục sử dụng hình ảnh tượng trưng nhưng đầy lãng mạn để mô tả về sự phong phú và huyền bí của mùa Xuân: “Hương cỏ tràn vào thành phố, như gần như xa, khiến tôi nghĩ rằng ở đâu đấy trên những sườn đồi, cánh cửa của vườn Địa Đàng đang mở ra, hoặc những nàng tiên đang múa hát dưới những gốc đào nở hoa...”.
Với những hình ảnh này, tác giả không chỉ tạo ra một cảm giác của sự say mê và tưởng tượng, mà còn kích thích trí tưởng tượng của độc giả, đưa họ vào một thế giới mơ mộng và thần tiên của mùa Xuân. Mùa Xuân như người con gái ở độ xuân thì, phô diễn tất cả vẻ đẹp vốn có. Ta có cảm giác ông đang ngồi lặng lẽ để hít hà mùi hương của cỏ, ngắm bức tranh mùa Xuân tươi mới căng tràn chứ không phải là những tháng ngày đang phải chịu nhiều đau đớn.
Bệnh tật không có cách gì làm dừng lại những cuộc đi của ông. Miền cỏ thơm là cuộc viễn hành hồi quy của những dòng ký ức. Trong sâu thẳm tư tưởng của nhà văn, những cuộc ra đi chưa bao giờ chấm dứt, chúng như con lắc đồng hồ đến một lúc bất chợt nào đó vọng kêu lên trong nỗi nhớ nhẹ nhàng, thấm đẫm như dòng sông Hương lững lờ, êm chảy…
Những trang văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường dường như luôn chất chứa tất cả bâng khuâng, lưu luyến, yêu thương về vùng đất thật nhiều ân tình. Trong bức tranh văn học đầy màu sắc và cảm xúc ấy không chỉ mô tả về vẻ đẹp tự nhiên mà còn là một lời tri ân sâu sắc đối với sức sống và sự phong phú của mùa Xuân tại thành phố Huế. Trích đoạn này không chỉ là một miêu tả hình ảnh mà còn là một trải nghiệm cảm xúc tuyệt vời của tác giả, mang đến cho độc giả một cảm nhận sâu sắc về tình yêu và kỳ vọng với mùa Xuân.
Thủ pháp nghệ thuật biểu cảm đan xen những dòng miêu tả, tự sự; một hồn văn thấm đẫm chất thơ; giọng điệu cuốn hút, quyến rũ, khi thủ thỉ tâm tình, khi suy tư chất chứa; hình ảnh tự nhiên, nhiều so sánh mới lạ.
Và trên hết là nguồn cảm xúc mãnh liệt trong góc nhìn về cuộc sống, thiên nhiên, mùa xuân của một tâm hồn đẹp, thánh thiện, một khát vọng và tình yêu mãnh liệt với đất nước, Vũ Bằng và Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khiến người đọc hồi tưởng về những mùa Xuân đã qua, mùa Xuân của quê hương, của dân tộc. Những áng văn đặc sắc ấy cũng gợi nhắc cho người đọc về những thanh âm trong trẻo và ngọt lành của mùa Xuân tươi đẹp, của hương vị Tết Việt Nam.