Hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Bảo Lâm: Chất lượng nguồn nhân lực không ngừng nâng cao
Thực hiện Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Lâm lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2025 về 'Đào tạo phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao' cho đến nay huyện Bảo Lâm đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
• ĐA DẠNG HÌNH THỨC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
Theo báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm, hàng năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch.
Từ năm 2021 đến nay, Huyện ủy, UBND huyện đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng mở 2 lớp Trung cấp lý luận chính trị hệ tại chức cho 148 học viên là cán bộ, công chức, viên chức các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp thuộc huyện, cán bộ, công chức cấp xã và một số cơ quan, đơn vị ngành dọc đóng trên địa bàn huyện; cử 13 cán bộ, công chức đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị. UBND huyện phối hợp Trường Chính trị tổ chức 1 lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng cho hơn 93 học viên, trong đó có 54 công chức, viên chức các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp thuộc huyện tham gia; tổ chức bồi dưỡng đại biểu HĐND huyện cho 33 đại biểu HĐND cấp huyện và 326 đại biểu HĐND cấp xã; cử hơn 888 lượt cán bộ, công chức, viên chức các phòng, ban, đơn vị, các xã, thị trấn tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ theo các thông báo triệu tập của các sở, ngành cấp tỉnh.
Cùng đó, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Chính trị huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức hơn 61 lớp đào tạo, bồi dưỡng như: Công tác Đảng cho cấp ủy cơ sở, bồi dưỡng kết nạp Đảng, giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong thời kỳ mới, bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới, giáo dục đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới và các lớp tập huấn công tác Mặt trận, Hội Phụ nữ, người cao tuổi, cựu chiến binh, công đoàn...cho hơn 6.668 lượt cán bộ, hội viên ở cơ sở tham gia.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, ngành Giáo dục và Đào tạo chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; xây dựng kế hoạch đào tạo để thực hiện lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên theo Luật Giáo dục năm 2019 và Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và được tổ chức thực hiện thường xuyên và bằng nhiều hình thức. Cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh. Chất lượng giáo dục trong các trường học được nâng cao.
Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tiến hành mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho 441 lao động với các ngành nghề chủ yếu là sửa chữa máy nông nghiệp, may công nghiệp, trồng chăm sóc cà phê, trồng dâu, nuôi tằm... với nguồn kinh phí thực hiện trên 1,5 tỷ đồng. Các lớp đào tạo, dạy nghề lao động nông thôn luôn ưu tiên, hướng tới người đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, chính sách. Riêng đối với đào tạo nghề trung cấp, trong giai đoạn 2021-2024, huyện đã đào tạo được 29 học viên các ngành chế biến món ăn và nghiệp vụ nhà hàng khách sạn; đồng thời mở 8 lớp dạy nghề cho 223 học viên học các nghề may công nghiệp, hàn điện, trồng rau an toàn, thợ xây, thợ mộc và sửa chữa, vận hành máy nông nghiệp.
• CÁC CHỈ TIÊU ĐÃ THỰC HIỆN
Hiện Bảo Lâm có 93,4% cán bộ, công chức có trình độ đại học trở lên và 21,7% có trình độ sau đại học; cán bộ, công chức có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên đạt tỷ lệ 81,5%. Đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã có 100% cán bộ giữ chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND có trình độ đại học thì đã thực hiện đạt 92,9% và hiện đạt 88,8% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; đặc biệt có 100% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm.
Đối với chất lượng viên chức, hiện nay tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 là 84,5%; giáo viên tiểu học có trình độ đạt chuẩn (trình độ đại học) là 92,1% và 96,3% giáo viên trung học cơ sở có trình độ đạt chuẩn.
Riêng đối với người lao động, tỷ lệ người lao động trên địa bàn huyện đã qua đào tạo đạt 64,3%, trong đó đào tạo nghề đạt tỷ lệ 56,8%; trong khi chỉ tiêu đề ra là đạt khoảng 70%, trong đó đào tạo nghề khoảng 55%.
Theo đánh giá của UBND huyện Bảo Lâm, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, một số cơ quan, đơn vị chưa coi trọng việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hoặc kế hoạch chưa sát với thực tế; ý thức tham gia học tập, bồi dưỡng, tự nghiên cứu, học tập của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao; chưa có giải pháp cụ thể để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho huyện; nhất là kinh phí chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế. Qua đó huyện đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới đó là: Tiếp tục tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện theo kế hoạch đã ban hành; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; đăng ký nhu cầu đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị của cán bộ, công chức, viên chức để cử đi đào tạo. Đặc biệt, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, điều hành và thực thi công vụ.